Gặp người làm “tai mắt” cho tàu ngầm

Hồng Linh |

Anh em thủy thủ đã gọi Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Phong, nhân viên sonar thông tin của tàu ngầm, Lữ đoàn Hải quân 196 như vậy. Qua trò chuyện chúng tôi mới biết, nhiệm vụ của một nhân viên sonar thông tin là nghe và dẫn đường cho tàu mỗi khi thực thi nhiệm vụ dưới lòng biển...

Làm việc dưới tàu ngầm, thủy thủ phải sống trong một thế giới có sự khác biệt rất lớn với không gian mà chúng ta đang sống. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra trong một căn phòng kín, chật chội, không có ánh sáng tự nhiên, đi lại thì phải lom khom và làm gì cũng phải lựa về tư thế.

Khi tàu ngầm hoạt động dưới độ sâu, ngoài những áp lực do sóng và áp suất, thủy thủ còn phải sống chung với những thiết bị nghe, nhìn, hệ thống máy móc, ắc quy và tiếng ồn. Nhiều thủy thủ dù đã qua những vòng tuyển chọn khắt khe về sức khỏe, song những ngày đầu vẫn không thoát khỏi cảm giác sợ, ù tai, hoa mắt và căng thẳng.

Ngoài những ca trực theo thời gian quy định, mỗi người phải thích nghi với việc được nghỉ lúc nào thì phải ngủ lúc ấy, không theo giờ giấc, không theo quy luật, không kể ngày đêm. Để trở thành thủy thủ của tàu ngầm, bên cạnh yếu tố sức khỏe, khả năng chuyên môn, phải có thần kinh thép.

Vậy mà Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Phong đã có 20 năm liên tục làm nhân viên sonar. Đối với tàu ngầm, nhân viên sonar thông tin có nhiệm vụ dẫn đường chỉ lối và là "con mắt, cái tai" của tàu, giúp cho tàu định hướng được để đi lại trên biển và giúp tàu chỉ thị được mục tiêu, nắm bắt các thông số, sẵn sàng chiến đấu khi có mệnh lệnh.

Đã có nhiều chỉ huy về nhận nhiệm vụ rồi chuyển công tác thì anh Phong vẫn gắn bó với tàu. Điều này khiến cho không chỉ chúng tôi mà ngay cả các anh em thủy thủ cũng phải nể phục, kính trọng.

Để làm tròn nhiệm vụ của một nhân viên sonar thông tin trên tàu ngầm, lại là con tàu thuộc thế hệ cũ, thủy thủ phải tập trung thật cao độ. Khi vận hành, phải quan sát được mọi mục tiêu, từ tàu địch, mục tiêu hàng hải, tàu hàng, những chướng ngại vật địa văn dưới lòng biển.

Đất dưới lòng biển không bằng phẳng, cũng có chỗ lồi chỗ lõm đòi hỏi phải được phát hiện kịp thời. Đặc biệt, tàu thay đổi hướng, nếu nhân viên sonar không tập trung thì rất có nguy cơ để tàu lạc đường, gặp nguy hiểm hoặc có thể để sót mục tiêu.

Anh Phong kể, để làm tốt công việc, bên cạnh khả năng quan sát thì phải xây dựng được một ngân hàng âm thanh trong đầu. Trong muôn vàn tiếng động vang vọng trong lòng biển, phải phân biệt được mỗi loại âm thanh đó, đâu là tiếng động do sóng biển dội vào chân núi, đâu là tiếng động được tạo nên bởi tiếng chân vịt của những con tàu khác, đâu là âm thanh của đàn cá...

Cụ thể hơn, cũng là tiếng của những con tàu trên mặt nước, nhưng phải phân biệt được đâu là tiếng của tàu vận tải, tàu chiến, đâu là tàu lớn, tàu nhỏ, mà như anh Phong cảm nhận, tiếng sóng biển dội vào chân núi thường vỗ về lúc biển lặng, thường dữ dội khi biển động; tiếng chân vịt của những con tàu thì thường đều đặn nhặt khoan vì có cùng tần số.

Tàu vận tải thường có tần số nhỏ. Tàu chiến thường có tần số cao. Và càng nhận diện được nhiều loại âm thanh, nhân viên sonar thông tin càng có cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đặc biệt là trong ngân hàng âm thanh đồ sộ của mình, anh Phong miêu tả và kết hợp các vật dụng với âm thanh mình phát ra giúp đồng đội dễ hiểu và tiếp nhận rất tốt.

Tuy nhiên vẫn có nhiều âm thanh không thể miêu tả hay thuật lại mà phải chính bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và đôi tai cực thính, sự cảm âm cực nhạy mới phân biệt được chính xác...

Với Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Phong, con tàu đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Anh không chỉ thành thạo công việc của nhân viên sonar thông tin mà còn có thể làm được công việc ở nhiều vị trí khác, từ cách vận hành, sử dụng, cách sửa chữa mỗi khi tàu gặp hỏng hóc; thậm chí có thể xử lý thành công được những tình huống khi có sự cố xảy ra.

Những kinh nghiệm có được của 20 năm trong nghề, anh đã trực tiếp truyền cho nhiều đồng đội và đã tham gia viết: "Giáo trình huấn luyện tàu ngầm"; cuốn sách trở thành cẩm nang không thể thiếu của nhiều thế hệ thủy thủ tàu ngầm.

Để có được hơn 20 năm làm việc tốt dưới tàu ngầm, từ lúc được tuyển chọn làm thủy thủ, anh đã ý thức rất rõ việc rèn luyện thể lực. Việc rèn luyện thể lực với các thủy thủ nói chung đã rất quan trọng, với thủy thủ tàu ngầm thì càng quan trọng hơn.

Ngoài huấn luyện theo lịch chung của đơn vị, anh đã tự tập các môn thể thao như chạy, nhảy, bơi. Đặc biệt, rất ít khi uống rượu. Có lẽ, do có những quy tắc sống và làm việc nghiêm túc như vậy nên ít ai mới tiếp xúc đã phát hiện ra một nội lực mạnh mẽ, dẻo dai trong cái vóc dáng khá thư sinh của anh.

Thế nhưng, đằng sau vẻ "bảnh giai" ấy là những giờ phút làm việc căng thẳng, căng "ăng-ten tai mắt" ra để theo dõi phát hiện mục tiêu dưới lòng biển. Một kỷ niệm vài năm trước luôn khiến anh nhớ mãi và xem đó là một bài học giúp anh đưa vào những trang sách.

Hôm ấy trên mặt nước có sóng to gió rất lớn, tàu ngư dân đang tăng tốc hướng về đất liền, thế nhưng hệ thống báo tín hiệu chậm hơn, khiến anh rất lo lắng. Nhưng bằng kinh nghiệm của mình, anh đã điều chỉnh thiết bị kịp thời để phát hiện mục tiêu...

Những chiến sĩ tàu ngầm, họ chính là những chàng "Yết Kiêu" luôn có thể lực khỏe, chịu được sóng gió tốt, bơi giỏi; có bản lĩnh vững vàng, thông minh và rất mưu trí, dũng cảm... Anh Phong là một mẫu người lý tưởng luôn đạt những tiêu chuẩn đó, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao...

20 năm qua, Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Phong đã làm "con mắt, cái tai", tìm ra ánh sáng, đường đi cho con tàu trong lòng biển. Nhưng với anh, có một khoảng tối trong cuộc đời, đến giờ vẫn còn là niềm day dứt.

Đó là năm 1997, khi cháu Tú Anh, con gái đầu lòng ra đời. Bố bận đi biển, Tú Anh ở nhà cùng mẹ, trong một trận sốt cao, do không được đưa đi cấp cứu kịp thời, cháu đã bị co giật và di chứng ấy đeo đẳng cô bé từ đó.

Đến giờ, Tú Anh đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp, nhưng mọi hoạt động đều phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Bố vắng nhà nên mẹ thường xuyên là tay chân của Tú Anh. Mỗi lần từ biển trở về, anh Phong lại ôm con giấu nước mắt vào trong và tranh thủ thời gian được chăm sóc, bù đắp cho con...

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Phong luôn ghi nhận công lao của vợ, cô giáo Võ Thị Thu Hoài. Chị cho chúng tôi xem rất nhiều phần thưởng, những danh hiệu từ chiến sĩ thi đua, bằng khen, giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Bên gia đình của mình, anh Phong hạnh phúc tâm sự: "Tôi có được ngày hôm nay, phần lớn công lao thuộc về gia đình và đồng đội, đặc biệt là mẹ cháu, người luôn đảm đang lo toan việc nhà, yêu thương chồng, chăm sóc chu đáo cho con hết mực, giúp tôi luôn an tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao"...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại