Nguồn ảnh: Boeing
Theo tờ Bloomberg, mọi chiến đấu cơ F-/A-18 Super Hornet, dù thuộc biên chế Không quân Malaysia, Kuwait hay Australia, đều sử dụng cùng một giọng nữ đặc trưng khi phát lời chào hoặc đưa ra các cảnh báo nguy hiểm. Tùy theo tình huống mà giọng nói này có thể thay đổi mức độ từ nghiêm trọng cho đến cực kỳ khẩn cấp, như "Nghiêng sang phải!" hay "Nâng độ cao ngay!".
Các phi công máy bay chiến đấu Mỹ gọi giọng nữ này là "Betty khó tính", trong khi Không quân Hoàng gia Anh gọi là "Nora hay phàn nàn".
Trên thực tế, người thu âm các giọng nói trên là bà Leslie Shook, 66 tuổi, đã nghỉ hưu vào năm 2016 sau 35 năm làm việc tại hãng Boeing.
"Tôi biết chất giọng của mình không thật sự phù hợp trên một chiếc máy bay. Chưa ai trực tiếp nói về điều đó, chỉ là bản thân tôi tự thấy như vậy" - Bà Shook khiêm tốn trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Bà Leslie Shook là người thu âm lời chào và các lời cảnh báo trên chiếc F/A-18 Super Hornet. Ảnh: Boeing
Sau khi khởi động chiếc F/A-18 và nghe lời chào mừng từ bà Shook, các phi công sẽ không nghe thấy giọng của bà nữa, trừ phi có tình huống khẩn cấp, ví dụ như khi máy bay sắp va vào núi. Khi máy bay đã sử dụng hết một nửa thùng nhiên liệu, cũng sẽ có tiếng cảnh báo vang lên "Bingo. Bingo".
Gần như mỗi loại chiến đấu cơ đều có người thu âm giọng riêng. Tại Mỹ, người đầu tiên làm công việc này là Kim Crow, một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp. Không rõ lý do là gì nhưng giọng nữ rất thường được sử dụng trong hệ thống cảnh báo bằng giọng nói trên cả máy bay quân sự và dân sự.
Bà Shook đến với công việc thu âm giọng nói trên những chiếc F/A-18 một cách tình cờ. Công việc chính trước đó của bà là hỗ trợ thực hiện các buổi quay phim quảng cáo, chụp ảnh, tổ chức sự kiện cho Boeing.
Trong những năm 1990, một khách hàng của F/A-18 đã yêu cầu Boeing bổ sung thêm chức năng cảnh báo bằng giọng nói dành cho hệ thống tránh va chạm với mặt đất, vì thế hãng này đã sắp xếp một buổi ghi âm. Một số ứng viên đã được mời tới để thu thử giọng, trong đó có cả một nữ sĩ quan hải quân, tuy nhiên, kết quả không được như ý.
Bà Shook đã được Boeing lựa chọn ngay sau khi vừa thử giọng. Ảnh: Boeing
"Họ thấy giọng nói của cô ấy không phù hợp, nó quá 'dịu dàng' cho một chiếc chiến đấu cơ", bà Shook nhớ lại.
Do đã thấm mệt sau một ngày dài thu âm không có kết quả, bà Shook quyết định đưa ra một số lời khuyên cho các ứng viên: "Tôi góp ý với họ rằng Betty (giọng cảnh báo) cần có ngữ điệu và độ gắt nhất định để thu hút sự chú ý".
Nghe xong, viên sĩ quan Hải quân liền gợi ý bà Shook tham gia buổi thu âm và kết quả là, Boeing đã yêu cầu bà đảm nhận luôn công việc này vì không còn kinh phí để thuê một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp khác.
Sau khi nhận trọng trách mới, bà Shook đã dành thời gian nghe đi nghe lại các bản thu âm trước đó trên đường lái xe đến chỗ làm trong suốt 2 tuần để chuẩn bị cho buổi thu âm chính thức.
"Tôi đã rất ngạc nhiên về toàn bộ những gì diễn ra", bà Shook nói, "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hiện diện trên chiếc máy bay phản lực đó".
Mỗi chiếc F/A-18 Hornet và Super Hornet đi kèm khoảng 50 cảnh báo và lệnh thoại bằng tiếng Anh được ghi âm sẵn. Việc tùy biến cho các thị trường khác nhau rất hiếm.
"Dù bạn ở Malaysia, bạn vẫn nghe thấy giọng của tôi bằng tiếng Anh" - Bà Shook cho hay.
Không quân Thụy Sĩ từng đề nghị bà Shook thu âm lại từ "Mach" sao cho giống với cách phát âm của tiếng Đức (ngôn ngữ chính của nước này) để cảnh báo khi máy bay vượt qua tường âm thanh. Thế nhưng, sau 45 phút cố gắng trong phòng thu, bà Shook vẫn không thể phát âm chuẩn được.
Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là những chiếc F/A-18 của Thụy Sĩ sẽ phát ra âm cảnh báo "Super! Super!" để báo hiệu nó đã vượt qua tường âm thanh.