Mới đây, kênh truyền hình VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng phóng sự "Diễn viên giả người bệnh để quảng cáo thực phẩm chức năng".
"Như đã từng phản ánh, gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng như thuốc tiên, uống một lần là khỏi. Hàng loạt lương y tự xưng cũng xuất hiện trong các clip này với những mô típ quen thuộc như 3 đời nhà tôi chữa bệnh, chữa 1 lần là khỏi chứ không đỡ…
Tuy nhiên, khi phóng viên tiến hành điều tra thực tế, hầu hết những lương y này đều là giả mạo. Thậm chí những đường dây diễn viên đóng thế, vào vai bệnh nhân giả để lừa dối, trục lợi từ lòng tin của những người bệnh thật cũng đã bị vạch trần", phóng sự nói.
Xuyên suốt phóng sự là những hình ảnh quảng cáo của 2 diễn viên tự do. Hai người này sau khi được thuê với giá 500.000 đồng sẽ vào vai 1 bệnh nhân mà nhãn hàng yêu cầu.
"Từ đó, hàng nghìn clip quảng cáo sai sự thật nhưng được dàn dựng với phong cách người thật việc thật đã được tung lên các trang mạng xã hội", VTV đưa tin.
Ngay sau khi đoạn phóng sự của VTV được đăng tải, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các diễn viên xuất hiện trong các bản tin quảng cáo vì cho rằng việc quảng cáo tràn lan mà không tìm hiểu như vậy sẽ khiến không ít người dân bị lừa đảo, tiền mất tật mang.
"Người đàn ông nhiều bệnh nhất Việt Nam" mất ngủ và trăn trở sau khi xuất hiện trong phóng sự của VTV
Clip: Gặp "Người đàn ông nhiều bệnh nhất VN" trong phóng sự bóc trần quảng cáo thực phẩm chức năng của VTV
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nam diễn viên trong phóng sự gây xôn xao trên là ông Nguyễn Anh Tạo (trú ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo chia sẻ của ông Tạo, ông là quân nhân về hưu. Trước đây, ông từng công tác tại chiến trường Cánh Đồng Chum (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào).
Trong phóng sự của VTV, ông Tạo được gọi là "người bệnh đen đủi", mắc cả trăm thứ bệnh, từ xương khớp, tiểu đường, huyết áp cao, viêm gan, xơ gan… bệnh nào cũng nặng đến mức thập tử nhất sinh nhưng cả trăm thứ bệnh đó đều được chữa khỏi hoàn toàn bởi các loại thực phẩm chức năng.
Giải thích về điều này, ông Tạo cho biết, bản thân không nhiều bệnh như trong quảng cáo, tuy nhiên ở ngoài đời ông cũng mắc 1 số bệnh tuổi già.
Ông Tạo trong khi quảng cáo (Ảnh chụp màn hình VTV1)
"Thực sự gọi tôi là người nhiều bệnh nhất Việt Nam khiến tôi rất buồn. Thực tế tôi nhiều bệnh thật như gút, trào ngược dạ dày, thoái hoá đốt sống lưng, thoái hoá đốt sống cổ... Tuổi như chúng tôi mà không có bệnh thì mới lạ.
Khi diễn xuất bị mắc bệnh, chúng tôi không tự bịa ra để nói mà nói theo kịch bản, nếu không theo kịch bản thì người thuê chúng tôi bắt phải nói lại, bao giờ đúng thì thôi", ông Tạo cho hay.
Ông Tạo cho biết làm diễn viên cho vui
Giải thích về việc quảng cáo cho thực phẩm chức năng giống như "thần dược", có thể chữa khỏi các bệnh, ông Tạo cho rằng, bản thân ông đã kiểm chứng nhãn hàng thuê quảng cáo.
"Đã là diễn viên quần chúng, không ai tránh khỏi đi quảng cáo giới thiệu sản phẩm. Trước khi nhận công việc, chúng tôi cũng hỏi nhãn hàng phải có cấp phép của Bộ Y tế và có giấy chứng nhận của an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới quay.
Chắc chắn, chúng tôi có kiểm tra giấy tờ cấp phép trước khi làm diễn viên, còn các giấy tờ nhãn hàng họ đưa là thật hay giả, chúng tôi không thể kiểm chứng được.
Trường hợp các sản phẩm chức năng không được cấp phép nhưng vẫn có thể đưa được giấy tờ chứng nhận, chúng tôi không thể biết được chiêu trò của họ. Như vậy, họ đã đưa diễn viên vào bẫy và chúng tôi cũng là nạn nhân", ông Tạo phân trần.
Ngoài ra, ông Tạo cũng cho biết thêm, có những sản phẩm mà ông từng quảng cáo có công hiệu thật.
Một số sản phẩm quảng cáo được ông Tạo cho rằng có công hiệu đối với sức khoẻ của ông khi dùng thử
"Có sản phẩm tôi đã sử dụng rồi vì sau khi quay họ biếu lại, tôi thấy tốt. Vừa rồi, tôi bị bệnh gút hơn 1 tuần, uống sản phẩm của họ, tôi đỡ đau thật... sản phẩm tốt mình cũng muốn quảng bá rộng rãi để người dân sử dụng", ông Tạo nói.
Tiết lộ về cơ duyên đến với nghề diễn viên quần chúng, ông Tạo kể, ông bắt đầu bén duyên với nghề diễn viên quần chúng được khoảng hơn 2 năm nay. "Tình cờ từ một cuộc gọi diễn nhân vật phụ, có thể tôi được các đạo diễn ưu ái, họ nhìn thấy tôi có thể diễn xuất được nên lần sau cứ gọi đi. Khi gọi rồi, công việc của tôi lại phát triển.
Trước đây, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên. Khi đi diễn rồi, mình học hỏi từ các bộ phim, xem diễn viên diễn như thế nào trên mạng, học hỏi thêm diễn viên khác để nâng cao khả năng".
Mỗi lần diễn, ông Tạo nhận về thù lao không nhiều, lần ít thì 50 - 100 nghìn đồng, hôm nhiều thì 300 - 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, tiền không phải mục đích chính bởi ông đi làm diễn viên là vì đam mê, để tìm niềm vui.
Ông Tạo chứng minh bản thân đã xem giấy phép trước khi nhận đóng quảng cáo thực phẩm chức năng
"Trước đây khi về hưu, tôi chỉ ở nhà cơm nước, chăm cháu và tham gia các hoạt động của người cao tuổi. Thời gian cứ trôi, ngày nào cũng vậy nên tôi khá buồn.
Phải nói thật, khi tôi chuyển sang nghề diễn viên, năng lượng sống của tôi được phục hồi rất nhiều, bản thân tôi như trẻ ra, thậm chí có những lúc vô tư trở lại và hạn chế được uống rượu. Tôi tự hào khi giờ đã 75,76 tuổi nhưng chưa ai nghĩ tôi đã cao tuổi như vậy", ông Tạo nói thêm.
Từ khi nổi tiếng bất đắc dĩ, mấy hôm nay, ông Tạo đều mất ngủ và trăn trở. "Con tôi cấm cho người ngoài đến quay, tiếp khách tại nhà. Đó là điều rất đau lòng, tôi mất quyền tự do. Tôi cũng đã đọc rất nhiều bình luận trên mạng nhưng tôi sẽ không đấu khẩu, phản hồi lại".
Nhận 600 cuộc gọi, người lạnh toát sau khi nổi tiếng bất đắc dĩ
Giống như ông Tạo, bà Ánh Tuyết (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là diễn viên được nhắc đến trong phóng sự. Bà Tuyết cho biết, sau khi xuất hiện trên tivi, bản thân rất buồn và bức xúc, cả ngày chỉ nằm ở trong phòng, cách ly với mọi người.
"Khoảng 600 cuộc gọi, từ anh em, bạn bè hỏi thăm khiến tôi như bị sụp đổ, người tôi lạnh toát, tụt áp huyết khiến cả nhà phải cấp cứu. Tôi nói thật, nếu không có chồng con tôi sẽ nhảy lầu tự tử", bà Tuyết kể.
Bà Ánh Tuyết (quận Thanh Xuân, Hà Nội)
"Trước đây, ai cũng ngưỡng mộ tôi, ai cũng khen tôi nhanh nhẹn, thông minh và kính trọng. Họ lấy tôi là một tấm gương nhưng giờ đây cả nhà, cả họ không ai cho tôi làm diễn viên nữa, tôi đã bị cấm đam mê", bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cho biết, trước đây làm ở cơ quan nhà nước một thời gian rồi về mở công ty. Bà bén duyên với nghề diễn viên cách đây 2 năm do đi cùng bạn bè rồi phát hiện năng khiếu diễn xuất.
"Đóng quảng cáo không khó, tôi có chút lợi thế khi là người hoạt ngôn. Trước khi nhãn hàng đến mời tôi làm diễn viên, tôi lúc nào cũng hỏi và xem có giấy phép không, nếu không có, tôi từ chối.
Bà Tuyết xúc động khi nhớ lại những bình luận của cư dân mạng
Quan trọng nhất là kịch bản, nếu nội dung không có đồi truỵ, khiêu dâm, mê tín dị doan, chống phá nhà nước thì tôi sẽ nhận", bà Tuyết nói.
Bà Tuyết chia sẻ, bản thân cũng bị rất nhiều bệnh như u tử cung, u tuyến giáp, dạ dày, mỡ máu, tim mạch, huyết áo... tuổi này "nếu không có bệnh thì là lạ".
"Khi quay, tiền thù lao tôi chưa nghĩ đến vì lúc cao chỉ được 200 - 300 nghìn đồng, có lần thấp 50 - 70 nghìn đồng, nếu vui, tôi cũng đi. Tôi chỉ hy vọng nhãn hàng cho tôi 1, 2 hộp thuốc để uống".
Mỗi lần đi quay quảng cáo, nhãn hàng cho thuốc đau xương, tôi về nhà xịt vào chỗ đau, đỡ tiệt. Hay hiện tại tôi bị đau u bướu cổ, được tặng 5 lọ an giáp vương, tôi uống 3 hộp, dễ chịu hẳn. Đặc biệt là khi tôi đi khám lại, bác sĩ bảo không phải mổ nữa. Vì vậy, tôi nghĩ quảng cáo cũng có cái thật, không phải lăng xê quá", bà Tuyết nhấn mạnh.
Liên quan đến sự việc trên, bà Bùi Ánh Tuyết, Chủ nhiệm CLB điện ảnh truyền hình Thanh Xuân cho biết, sau khi xuất hiện trong phóng sự, CLB của bà bị chỉ trích và ảnh hưởng rất lớn.
Bà Tuyết giải thích: "Tôi là người trực tiếp liên hệ với nhà đài, là người nhận tất cả các công việc về phim, quảng cáo của nhà đài để mang về cho các hội viên. Thực chất, CLB của chúng tôi là một nhóm để cho các thành viên yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 quy tụ với nhau để học hỏi và có được kết nối với công việc.Vì vậy, trong nhóm của chúng tôi chủ yếu làm việc ở các hãng phim truyền hình và kênh truyền thông và những quảng cáo của nhà đài".
Bà Tuyết khẳng định, bà không kết nối để diễn viên của mình đi quảng cáo thực phẩm chức năng.
"Dù là quản lý nhưng tôi không có chức năng quản lý từng diễn viên phải đi những job nào. Tôi đăng lên tuyển diễn viên, ảnh có thời gian, họ sẽ nhận công việc để đi. Họ đều là diễn viên tự do, họ được quyền đăng ký những công việc quảng cáo bên ngoài, kể cả làm cho đối thủ của chúng tôi.
Những buổi họp của CLB, chúng tôi luôn tuyên truyền đến mọi người, nếu đi quảng cáo thì cần kiểm tra giấy phép để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân".
Theo báo Người Lao động, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Theo Bộ Y tế, để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, toàn bộ thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện trên môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
...
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Thanh tra tỉnh/thành phố) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.