Gặp mặt Nga, Đức: Hàn gắn trong ngờ vực?

Minh Đức |

Những dấu hiệu về sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ Nga và Đức có thực sự đẩy lùi những mâu thuẫn giữa hai nước?

Những động thái “rung chuyển” thế giới gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump vô hình chung đã đẩy Thủ tướng Đức Angela Merkel đến gần hơn với một đối tác ở châu Âu: nước Nga.

Trong cuộc gặp gỡ với bà Merkel tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi vào hôm thứ Sáu (18/5), Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn đã nhận thấy sự thay đổi trong giọng điệu của người đứng đầu chính phủ Đức, so với lần gặp mặt một năm trước đó - khi hai nhà lãnh đạo không giấu giếm bất đồng về các vấn đề như Ukraine hay can thiệp của Nga vào bầu cử…

Giờ đây, ông Putin và bà Merkel đang ở trong cùng một tình thế: cố gắng chống đỡ nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ, bảo toàn thoả thuận hạt nhân Iran và đối phó với sự phản đối của Mỹ trước kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn gas mới giữa Nga và Đức…

Đức muốn hàn gắn với Nga?

Một quan chức cấp cao của Đức cho biết, hàn gắn quan hệ với Nga đang là một mục tiêu chính sách chủ chốt của Berlin. Sự biến đổi này là hệ quả của một loạt các hành động của Mỹ - từng là một đồng minh truyền thống với châu Âu. Đây cũng là quá trình tiến lại gần nhau hơn của hai quốc gia vốn có nhiều mâu thuẫn, nhưng cùng lúc lại sở hữu mối quan hệ song phương lâu đời.

Cả bà Merkel và ông Putin đều đang ở trong nhiệm kỳ thứ tư của mình., tuy nhiên, không vì thế mà cả hai có thể trở thành những “tri âm tri kỷ”. Ví dụ như, Đức không có ý định xoá bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu đối với Nga.

“Ông Putin thích những xung đột mà Tổng thống Trump đã tạo ra với châu Âu”, Josef Janning, người đứng đầu văn phòng Berlin của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, nhận định. “Tôi nghĩ, trong mắt ông ấy, tình thế phát triển này mang ý nghĩa khá tích cực.

Bất chấp các mâu thuẫn, có thể nói, bà Merkel và ông Putin hiểu rõ bối cảnh của nhau hơn bất kỳ các nhà lãnh đạo chủ chốt nào trên thế giới. Bà Merkel có thể nói tiếng Nga và trưởng thành tại Đông Đức; còn ông Putin từng là một điệp viên KGB hoạt động tại thành phố Dresden, Đức.

Họ cũng thường xuyên giữ các kênh liên lạc luôn, như điện đàm cho nhau… Theo Janning, nhà lãnh đạo Nga từng cố gắng “nắn gân” bà Merkel trong quá khứ, nhưng bà Thủ tướng “vẫn ở đó – cũng giống như ông Putin vậy”.

Ngoại giao đường ống

Đối với Putin, ông đang đứng trước cơ hội thu hẹp sự cô lập với châu Âu, kể từ khi Nga bị loại ra khỏi nhóm G8 vào năm 2014. Còn đối với bà Merkel, mục tiêu là bảo vệ các giá trị châu Âu trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, cũng như bảo vệ các lợi ích kinh tế Đức tại Iran và Nga.

Một trong những điểm gặp gỡ lớn nhất giữa Nga và Đức ở thời điểm hiện tại, chính là Nord Stream 2, một dự án mà cả hai nước đều mong muốn hoàn thành, bất chấp sự phản đối từ Mỹ. Trong khi các quốc gia châu Âu liên quan nói, đây chỉ thuần tuý là một dự án thương mại, chính quyền Tổng thống Trump lại khăng khăng rằng, nó sẽ giúp Điện Kremlin thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Đường ống này có thể giúp giảm lượng khí gas của Nga vận chuyển qua Ukraine, đồng nghĩa với việc chính quyền Kiev sẽ không còn có được nguồn thu lớn từ phí “quá cảnh”.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức sau cuộc gặp gỡ tại Sochi, ông Putin nói: “Donald Trump không chỉ là một Tổng thống Mỹ mà còn là một doanh nhân giỏi và cứng rắn. Ông ấy đang thúc đẩy các lợi ích kinh doanh của mình, nhằm đảm bảo việc bán khí gas hoá lỏng trên thị trường châu Âu”.

“Tuy nhiên, mọi việc phụ thuộc vào chúng ta, cách chúng ta xây dựng quan hệ với đối tác như thế nào, nó phụ thuộc vào các đối tác của chúng ta ở châu Âu. Tôi tin rằng đường ống có lợi cho chúng ta, và chúng ta sẽ đấu tranh vì nó”, người đứng đầu nước Nga khẳng định.

Tỏ ra đồng tình với lo ngại của Mỹ, Thủ tướng Merkel cho biết, khí gas từ Nga sẽ vẫn có thể đi qua Ukraine. “Chúng tôi nhìn nhận Nord Stream 2 là một dự án kinh tế, nhưng nó cũng có những ý nghĩa nhất định, và đó là lý do tại sao chúng tôi đang nghiên cứu để đảm bảo những thứ mà Ukraine có thể nhận được”, bà Merkel nói.

Ông Putin cũng cho biết, Nga sẵn lòng đàm phán với Kiev về việc tiếp tục để khí gas từ Nga “quá cảnh” tại Kiev.

Đồng tình nhưng vẫn mâu thuẫn

Trên chính trường thế giới, quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran được đánh giá là một cơ hội khác cho Nga để chứng minh mình là một đối tác không thể bỏ qua, khi Moscow chia sẻ cùng một lập trường với châu Âu trong vấn đề này. Iran cũng sẽ là một trong những chủ đề nghị sự cho cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi gặp gỡ ông Putin tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg diễn ra vào tuần sau.

Tuy nhiên, bất chấp những chia sẻ về Nordstream và thoả thuận hạt nhân Iran, những “trái dấu” trong quan hệ Berlin và Moscow vẫn ít nhiều thể hiện tại cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Đức bày tỏ sự lo ngại về một đạo luật tài sản mới được chính phủ Syria thực thi với sự ủng hộ của Nga. Các nhà hoạt động cánh phải cho rằng, đạo luật này sẽ khiến những người dân Syria tị nạn, gặp khó khăn khi muốn trở về quê hương của mình. “Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết và yêu cầu Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục ông al-Assad không làm điều đó,” bà Merkel nói.

Một ngày trước khi gặp Thủ tướng Đức, ông Putin cũng đã tiếp Tổng thống Syrria Bashar al-Asad tại Sochi.

Cho dù còn có bất đồng, nhưng rõ ràng những tín hiệu về sự hàn gắn trong mối quan hệ Nga và Đức là không thể chối cãi.

“Khi có những ý kiến trùng hợp, có nghĩa là các nước đã gần gũi với nhau hơn một chút”, Yuri Ushakov, một cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin phát biểu trước các phóng viên tại Moscow. Bà cũng đánh giá cuộc gặp gỡ giữa ông Putin và bà Merkel là một “sự liên lạc vô cùng quan trọng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại