Ấn Độ bứt tốc
"Khảo sát mới nhất của tôi cho thấy lần đầu tiên, các cơ sở sản xuất iPhone của Foxconn tại Ấn Độ sẽ sớm hoàn thành loạt iPhone 14 6,1 inch mới gần như đồng thời với Trung Quốc trong quý 2/2022 (Ấn Độ thường đi sau Trung Quốc khoảng hơn 1 quý hoặc nhiều hơn)", Chuyên gia phân tích công nghệ Ming-Chi Koo cho biết.
Trước mắt, năng lực sản xuất iPhone của Ấn Độ vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với Trung Quốc, nhưng đây là một bước tiến quan trọng đối với Apple khi đang nỗ lực xây dựng các cơ sở sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc. Vào đầu năm nay, chính sách chống dịch Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới một số tập đoàn công nghệ chuyên lắp ráp iPhone ở Thượng Hải và Côn Sơn. Hiện Apple đang cố gắng giảm thiểu những tác động địa chính trị lên chuỗi cung ứng và xem thị trường Ấn Độ như động lực tăng trưởng quan trọng tiếp theo của hãng.
Những chiếc iPhone đầu tiên của Apple được lắp ráp tại Ấn Độ vào năm 2017. Sau quãng thời gian khởi đầu chậm chạp, các báo cáo từ những đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy năng lực sản xuất tại đây đã tăng gần gấp 3 vào năm 2021, và sau đó tăng lên khoảng 50% trong quý đầu 2022 tới gần 1 triệu sản phẩm.
Đây là một tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Và ở thời điểm hiện tại, những sản phẩm iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ chủ yếu để phục vụ thị trường này.
Điều này cho thấy còn có nhiều cơ sở cho tăng trưởng. Trong quý 1, có tổng cộng hơn 38 triệu điện thoại di động được bán ra tại Ấn Độ, cho thấy Apple có tỷ trọng thị trường vào khoảng 3%, trong khi con số này của Apple tại Trung Quốc là 18%.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang tích cực hỗ trợ Apple. Các sản phẩm điện tử là trọng tâm chính của chiến lược "Make in India" do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng vào năm 2014 nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá Ấn Độ.
Công ty đầu tiên sản xuất iPhone tại Ấn Độ là Wistron, nhưng các mẫu điện thoại mới đã được giao cho Foxconn, và kể từ tháng 4 năm nay, là Pegatron, công ty sản xuất điện tử của Đài Loan.
Ấn Độ trở thành thị trường tiềm năng thay Trung Quốc?
Ở thời điểm này, khó có thể nói các chuỗi lắp ráp Iphone sẽ di chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Thay vào đó, Ấn Độ đang nổi lên là một thị trường tiềm năng giành cho những đơn vị lắp ráp nội địa. Cùng lúc đó, Trung Quốc đang dần chiếm lại thị phần sản xuất iPhone từ phía Đài Loan (Trung Quốc).
Foxconn, Pegatron và Wistron đều có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc), đã từ lâu là những tập đoàn sản xuất chính của Apple. Foxconn và Pegatron lắp ráp hầu hết các mẫu iPhone, chiếm 60% và 30% sản phẩm của Apple trên thị trường. Nhưng có vẻ như họ sẽ sớm có thêm các đối thủ cạnh tranh.
Công ty Luxshare Precision của Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy quy mô lớn tại Côn Sơn, qua đó có thể tăng gấp đôi năng lực sản xuất iPhone lên 15 triệu sản phẩm, tức 7,5% tổng lượng sản phẩm iPhone được sản xuất.
Luxshare Precision mua lại các cơ sở sản xuất iPhone của Wistron vào năm 2020, và đến 2021 đã giành được hợp đồng sản xuất iPhone 13 Pro.
Cũng không nên quên rằng, trong danh sách các nhà cung cấp cho Apple cho thấy 51 công ty có trụ sở tại Trung Quốc, 48 ở Đài Loan, 34 ở Nhật Bản, 32 ở Mỹ, và chỉ có 9 ở Ấn Độ.
Pegatron hiện đang tập trung mở rộng tại Indonesia, Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Công ty này cũng có chi nhánh ở Úc, Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ.
Foxcoon, tập đoàn sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới, hiện hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc, nhưng đang mở rộng tại Việt Nam và Ấn Độ, cũng như tại Malaysia, Hungary, Slovakia, Séc, Brazil, Mexico và Mỹ.
Trong số các thị trường này, Ấn Độ rõ ràng có tiềm năng lớn nhất. Năm 2015, sau chuyến thăm Ấn Độ của CEO Terry Gou, Foxconn thông báo "Chúng tôi có những kế hoạch lớn cho Ấn Độ và thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ ở quốc gia này. Kế hoạch bao gồm việc thiết lập 10-12 nhà máy sản xuất tại Ấn Độ vào 2020, và qua đó tạo ra hơn 1 triệu việc làm".
Điều này hiện vẫn chưa xảy ra, nhưng rõ ràng có thể trở thành hiện thực trong một thập kỉ tới.