Trong suốt 6 năm qua, Katherine Bouman đã giữ cho mình một bí mật, mà chỉ có vài đồng nghiệp của cô biết về nó. Nhưng đến ngày hôm qua (10/4/2019), bí mật ấy không còn phải giữ nữa, sau khi đội nghiên cứu của dự án EHT (Event Horizon Telescope - Kính thiên văn chân trời sự kiện) công bố bức ảnh đầu tiên trong lịch sử về hố đen vũ trụ.
Bouman chính là tác giả của một thuật toán, cho phép chúng ta thu được bức ảnh mang tầm vóc lịch sử ấy.
Bouman - 29 tuổi - là một tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Hoa Kỳ). Cô đã nỗ lực phát triển thuật toán này trong 6 năm, kể từ sau khi tốt nghiệp tại viện công nghệ MIT. Cô cũng là một trong số hơn 30 nhà khoa học vi tính sử dụng thuật toán để phân tích dữ liệu trong dự án EHT - một dự án với sự kết hợp của các chuyên gia đến từ 40 quốc gia.
Số dữ liệu này được thu thập từ các kính tiềm vọng radio cao tần đặt trên khắp thế giới, hướng về thiên hà Messier 87 (còn gọi là Virgo A hay M87) nằm cạnh Dải Ngân hà, với một siêu hó đen vũ trụ nằm ở trung tâm. Các dữ liệu thu được sẽ nhờ thuật toán phân tích để đưa ra hình ảnh phù hợp.
Bức ảnh đầu tiên trong lịch sử về cái gọi là "hố đen vũ trụ"
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ các xáo trộn trong bầu khí quyển có thể ảnh hưởng đến dữ liệu, dẫn đến việc có vô số hình ảnh được tạo ra. Vậy nên theo Bouman, thuật toán cần phải được thiết kế hết sức cẩn thận để vượt qua được sự nhiễu loạn ấy.
Mô phỏng vị trí của hố đen
"Chúng tôi đã làm mờ 2 trong số các bức ảnh thu được, ghép chúng lại để có được tấm hình ngày hôm nay," - Bouman chia sẻ sau buổi họp báo. Bức ảnh trông như một vòng lửa, nhưng lại là một hố đen với khối lượng tương đương 6,5 tỉ lần Mặt trời.
Chia sẻ với The Washington Post, Boumand cho biết bản thân không phải là một nhà thiên văn học, thậm chí khi mới bắt đầu công việc còn không thực sự hiểu nhiều về hố đen. Cô chỉ có ý tưởng về nó sau khi dự một buổi phát biểu của Shep Doeleman - chuyên gia thiên văn từ ĐH Harvard và là người đứng đầu dự án EHT.
Khi đó, cô cảm thấy hứng thú về việc làm sao để đo lường, thậm chí là quan sát được một sự vật vốn vô hình trên lý thuyết? Và làm sao sử dụng các thuật toán để đo lường được những thứ không tưởng với các công cụ thông thường?
Với dự án này, mỗi kính thiên văn trên thế giới sẽ mang về một mảnh dữ liệu - giống như 1 pixel hình ảnh vậy. Nhiệm vụ của Bouman và các chuyên gia máy tính là đưa ra phương pháp ghép các pixel ấy lại với nhau và loại bỏ phần nhiễu loạn.
Tuy nhiên, Bauman cho biết điểm "nguy hiểm" với các nghiên cứu dạng này là kết quả có thể bị "thiên vị", hướng về những gì con người muốn thấy. Để loại bỏ khả năng này, các chuyên gia sẽ được chia thành 4 đội nghiên cứu, mỗi đội làm việc trên một thuật toán khác nhau và không được phép giao tiếp giữa các đội.
"Chúng tôi đặc biệt tự tin về độ chính xác của hình ảnh." - cô chia sẻ. Hiện tại chưa rõ các đội khác có chung kết quả này hay không, nhưng đội của cô tự tin cho rằng hố đen thực sự có dạng "hố tròn" - dựa trên việc chúng ta nhìn thấy một vòng tròn phát sáng.
Tham khảo: The Washington Post