Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic

Mộc Miên |

Từ cậu bé mồ côi nghèo, Thạch Kim Tuấn gánh tạ vượt khó trở thành nhà vô địch thế giới và giờ là mục tiêu Olympic. Nhưng lộ trình của Kim Tuấn cũng là lộ trình của cả nền cử tạ VN…

Tạ nặng đè phận nghèo

Thạch Kim Tuấn thành công, mang lại vinh quang cho cử tạ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, người ta bắt đầu nhắc lại câu chuyện về cậu bé mồ côi, nghèo vượt khó để trở thành nhà vô địch thế giới với tất cả lòng thán phục về nghị lực.

Bản thân Thạch Kim Tuấn từng cho biết, khi người ta rủ đi tập tạ, anh còn hỏi "cử tạ là môn thể thao chơi như thế nào" và anh chỉ đồng ý đi tập tạ vì được nghe nói "nếu tập tốt sẽ có tiền", mà một cậu bé nghèo mồ côi như Tuấn, việc gì chẳng làm nếu có tiền.

Thạch Kim Tuấn ban đầu đến với cử tạ như vậy, không đam mê, không hiểu biết, chỉ cần tiền và mong có tiền để thoát đời cơ cực.

Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic - Ảnh 1.

Cái nghèo dường như là mẫu số chung đưa những cô, cậu bé đến với cử tạ.

Và đội cử tạ TP.HCM không chỉ có một Kim Tuấn xuất thân nghèo khó. Nghèo dường như là mẫu số chung, đưa tất cả những cậu bé, cô bé đến với cử tạ, với môn thể thao nặng nhọc này với hi vọng đổi đời.

Và đó là lý do giải thích tạ sao khác với những môn thể thao như bơi lội, tennis, cầu lông, bóng bàn… cử tạ mặc nhiên dành cho con nhà nghèo.

Đơn cử như môn cử tạ ở TP.HCM. Đội cử tạ thành phố mang tên Bác xuất hiện từ đầu những năm 1980 do Trưởng bộ môn Nguyễn Thanh Bình khởi xướng. Các VĐV cử tạ khi ấy xuân thân chỉ là những hội viên trong các phòng tập thẩm mỹ từ các quận, huyện.

Trước mỗi giải thi đấu, các VĐV chỉ được tập trung lại ăn ở 1 tháng, thậm chí 1 tuần. Xong xuôi thì… tất cả lại về lo kiếm ăn mưu sinh, chế độ lương, thưởng rất kém. Vậy nên, thập niên 1980, cử tạ TP.HCM rất khó tuyển chọn VĐV, đặc biệt là VĐV trẻ.

Thi xong xuôi tất cả lại về

Đó là thời bao cấp, nhà nhà, ngành ngành đều khó khăn. Còn hiện tại? Kể từ năm 2003, bộ môn cử tạ TP.HCM đã rất chú trọng đến tài năng trẻ và cử VĐV trẻ dưới 13 tuổi tham dự giải ở TP.HCM.

Nhưng công tác tuyển chọn VĐV tiềm năng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi cũng giống như thời bao cấp, đội tuyển TP.HCM dường như chỉ có thể chọn những cậu bé nghèo, kiểu như Thạch Kim Tuấn hay trước đó là Trần Văn Hóa.

Chẳng phải "con nhà có điều kiện" khác không mê cử tạ. Nhưng quả thật, với cơ sở vật chất và đầu tư hiện tại thì những cậu bé nghèo ít có lựa chọn mới theo nghiệp cử tạ.

Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic - Ảnh 2.

Tất cả những gì mà cử tạ TP HCM có được để tạo ra những Thạch Kim Tuấn chỉ gói gọn trong căn phòng rộng chừng hơn 100m2 ở Trung tâm Thể dục Thể thao Phú Thọ. Trong căn phòng ấy, chỉ có các loại tạ cùng những chiếc ghế tập bổ trợ đã cũ hỏng, bong tróc.

Tạ là bộ môn thể thao nặng nhọc. Trong quá trình tập luyện, các VĐV không chỉ mất sức mà còn rất dễ dính chấn thương. Vậy nên ngoài tạ, các đô cử cần nhiều thiết bị, phòng chức năng hiện đại bổ trợ phục hồi như massage, vật lý trị liệu… cũng như đội ngũ nhân viên y tế, chuyên gia dinh dưỡng…

Tuy nhiên, những thư ấy với cử tạ TP.HCM cũng như các đơn vị tỉnh thành khác lại quá xa xỉ. Với họ, tất cả chỉ có… những quả tạ nặng trĩu.

Bà Nguyễn Thị Kiều Xuân - HLV đội cử tạ TP HCM chia sẻ: "Các vận động viện cử tạ không chỉ cần tạ, mà còn cần rất nhiều trang thiết bị bổ trợ hiện đại khác để đảm bảo thể lực cho các buổi tập kế tiếp, phát triển".

"Những khó khăn trong bộ môn cử tạ khiến bộ môn rất khó trong công tác tìm kiếm đào tạo nhân tố trẻ. Rất nhiều em đã bỏ tập dù có khả năng vì quá cực nhọc và khó khăn thiếu thốn. Những em trụ lại phần lớn là con em những gia đình khó khăn".

Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic - Ảnh 3.

Không chỉ khó khăn về trang thiết bị, cử tạ TP HCM còn không có cơ sở cho các lứa năng khiếu hay dự tuyển ăn ở tập trung như các bộ môn khác, gây rất nhiều khó khăn cho công tác đào tạo.

Chỉ có phòng tập tạ. Các VĐV từ lứa năng khiếu, dự tuyển không có cơ sở vật chất để ăn ở tập trung như các bộ môn khác. Trước mỗi giải đấu, chỉ các VĐV được lựa chọn mới được tập trung lại trong khoảng thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Thanh Phong - HLV cử tạ TP.HCM thổ lộ: "Ngoài các tranh thiết bị bổ trợ, chúng tôi rất cần một nơi ở tập trung cho các VĐV để họ yên tâm và có thể tập một cách chuyên nghiệp".

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, sau mỗi buổi tập, các VĐV trẻ cũng như dự tuyển lại… ai về nhà nấy. Trước mỗi giải đấu, các VĐV đội tuyển mới được ăn ở tập trung trong khoảng thời gian ngắn. Thi đấu xong xuôi thì… tất cả lại về. Về vấn đề này thì có khác gì thời bao cấp?

Ăn canh bụi, cơm hộp mơ huy chương Olympic

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, khoa học đóng vai trò tối quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của các VĐV. Với môn cử tạ, cần nhiều thể lực thì dinh dưỡng lại càng đóng vai trò then chốt.

Sau mỗi buổi tập nặng, từ HLV, tuyển thủ quốc gia, dự tuyển cho đến năng khiếu TP HCM ở Trung tâm Phú Thọ lại rủ nhau đi… ăn cơm bụi, cơm hộp ở các quán ăn bình dân. Người nào nhà gần thì về nhà ăn.

Chế độ ăn của Ánh Viên rất khoa học. Và xem thông tin các chuyên gia dinh dưỡng nói về việc Ánh Viên ngày ăn bao nhiêu con tôm hùm, bao nhiêu thịt bò, bao nhiêu sữa mà cảm thấy "nghẹn" cho những xuất ăn giá 30 nghìn đồng của những VĐV trẻ cử tạ.

Nhưng các đô cử trẻ vẫn cứ hồn nhiên ăn ngon lành, vì họ mệt, mất sức và thực sự đói sau mỗi buổi tập nặng trĩu với tạ và tạ.

Và vì với mức lương cho những VĐV năng khiếu là hơn 5 triệu đồng/tháng, cho VĐV dự tuyển là hơn 7 triệu đồng/tháng, thì suất ăn cơm bụi 30 nghìn đồng và… trà đá thay sữa là hợp lý lắm rồi.

Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic - Ảnh 4.

Suất cơm trưa của vận động viên cử tạ.

Trần Văn Hóa - một đô cử kỳ cựu của cử tạ Việt Nam, gặt hái nhiều huy chương ở đấu trường SEA Games và châu Á hiện cũng chỉ nhận mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng. Trần Văn Hóa bảo: "Anh tính, với mức lương ấy trong thời giá hiện nay, lo cho gia đình còn khó chứ nói gì đến chế độ dinh dưỡng đạt chuẩn".

Cử tạ Việt Nam đang mơ về đấu trường Olympic với cơ sở vật chất thiếu thiết bị bổ trợ và chế độ dinh dưỡng bằng… cơm bụi?

Không phủ nhận thành công của Thạch Kim Tuấn là nhờ đội ngũ HLV tận tâm với nghề, đặc biệt là HLV Huỳnh Hữu Chí, người xem Tuấn như con của mình.

Nhưng Thạch Kim Tuấn là một trường hợp cá biệt, chúng ta không thể chờ đợi những Thạch Kim Tuấn tiếp theo cho cử tạ Việt Nam mơ về đấu trường đỉnh cao, khi mà các VĐV trẻ còn thiếu trang thiết bị và chế độ dinh dưỡng tối thiểu.

Sở dĩ các VĐV trẻ vẫn miệt mài theo nghề, nhễ nhại gánh tạ, mệt nhọc nghe những tiếng tạ rơi chát chúa trong thiếu thốn, khó khăn vì họ kỳ vọng đổi đời, như Thạch Kim Tuấn.

Nhưng mấy ai vượt được thành công thần kỳ như Tuấn? Một câu hỏi đặt ra: trong khó khăn, những VĐV trẻ vì lý do không theo được chuyên nghiệp sẽ đi về đâu, khi mà sự nghiệp học hành của họ gần như bỏ qua để… gánh tạ?

Nên nhớ, để ưu tiên cho tập luyện, thi đấu, Thạch Kim Tuấn mới chỉ học đến lớp 8. Cứ thế, trong khó khăn, họ vẫn hi vọng, ngày qua ngày, luẩn quẩn, mệt mỏi và bế tắc!

Nghịch lý của thể thao

Thành công của Thạch Kim Tuấn cho thấy, cử tạ dường như là môn thể thao duy nhất mà người Việt Nam có khả năng phát triển để cạnh tranh huy chương ở các đấu trường thế giới và Olympic.

Nhưng nghịch lý là ở chỗ, cử tạ lại chưa được nhìn nhận một cách đúng mức. Thậm chí, mức đầu tư cho môn này còn kém xa so với nhiều bộ môn mà ai cũng hiểu, Việt Nam không bao giờ mơ được huy chương Olympic.

Ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết: "Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã quan tâm nhiều hơn đến cử tạ. Phòng tập ở Trung tâm Phú Thọ cũng đã được mở rộng gấp đôi. Tất nhiên, việc đầu tư phải có quy trình và từng bước một".

Ăn cơm bụi, uống trà đá để mơ về... Olympic - Ảnh 5.

Biết đến bao giờ, cử tạ Việt Nam mới nhận được sự đầu tư đúng mức?

Vì theo ông Mai Bá Hùng: "Cử tạ khó khăn lắm. Khác với những môn khác, cử tạ không có tài trợ, toàn là tiền nhà nước bỏ ra đầu tư, điều đó khiến công tác đào tạo trẻ càng khó khăn".

"Hy vọng Thạch Kim Tuấn sẽ đạt thành tích ở Olympic Rio, để kích thích sự quan tâm và đầu tư hơn nữa của mọi người cho cử tạ".

Đúng là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã có sự quan tâm hơn cho bộ môn cử tạ trong khoảng 5-10 năm trở lại đây.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cử tạ Việt Nam cần được nhìn nhận như một bộ môn chiến lược, mũi nhọn ở các kỳ đại hội quốc tế lớn, chứ không phải như "đứa con ghẻ" của ngành thể thao, phải ăn cơm bụi, uống trà đá.

Để mơ một ngày huy hoàng…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại