Doanh nhân tuổi Tuất giàu nhất sàn chứng khoán: 20 người sở hữu hơn 64.000 tỷ đồng

Lam Thiên |

Nổi bật trong những cái tên sinh vào năm Tuất đang nắm giữ nhiều tài sản nhất trên sàn chứng khoán là CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trong danh sách 200 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tính đến phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Dậu, lượng doanh nhân tuổi Tuất chiếm hơn 10%. Họ đang sở hữu khối tài sản hơn 64.000 tỷ đồng, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, hàng không, bất động sản tới bán lẻ.

Các doanh nhân tuổi Tuất nổi bật trong nhóm này gồm có: CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo; Cha con chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn – Bùi Cao Nhật Quân; Chủ tịch Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang, và Chủ tịch địa ốc Hòa Bình Lê Viết Hải.

Nguyễn Thị Phương Thảo (Canh Tuất 1970)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những doanh nhân nữ nổi bật nhất Việt Nam và châu Á trong năm 2017 khi trở thành nữ tỷ phú Đông Nam Á đầu tiên lọt vào danh sách của Forbes. Vào tháng 3/2017, tài sản của bà được ước tính chỉ là 1,7 tỷ USD, nhưng sau 1 năm, con số này đã tăng lên gấp đôi, đưa bà vào top 1000 người giàu nhất hành tinh.

Tháng 11/2017, Forbes công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Việt Nam góp mặt một cái tên là CEO Vietjet Air, đứng tại vị trí thứ 55, tăng 7 bậc so với năm 2016.

Hiện 48 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Chủ tịch Sovico Holding, Chủ tịch hội đồng thành viên Hướng Dương Sunny và Phó chủ tịch HDBank. Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yết của Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) sau khi hãng bay này lên sàn vào tháng 2/2017. Ngày 5/1/2018, HDBank, một trong những mũi nhọn kinh doanh của nữ tỷ phú này, cũng được niêm yết.

Sở hữu hãng hàng không giá rẻ tư nhân thành công nhất Việt Nam là Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã mất tới 10 năm nghiên cứu các mô hình hàng không giá rẻ như Southwest, Ryan Air và AirAsia, trước khi chính thức nhận được giấy phép đầu tư Vietjet vào năm 2007. Tuy nhiên, giá dầu cao đã buộc bà phải trì hoãn kế hoạch khởi động. Năm 2010, bà Thảo đạt được thỏa thuận liên doanh với AirAsia nhưng khi tiến hành lại gặp vướng mắc, khiến liên doanh đổ vỡ.

Một năm sau, bà tự mở hãng hàng không riêng. Hãng bay này tăng trưởng rất thần tốc. Chỉ trong giai đoạn 2012 - 2016, Vietjet Air chiếm được 29% thị phần nhờ sức tăng trưởng của ngành giao thông vận tải, với động lực là kết quả kinh doanh kém hiệu quả của đối thủ chính, Vietnam Airlines. Hiện tại, Vietjet chiếm tới hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi ngay năm thứ hai cất cánh.

Bùi Thành Nhơn (Mậu Tuất 1958) – Bùi Cao Nhật Quân (Nhâm Tuất 1982)

Novaland Group lên sàn từ cuối năm 2016 và sớm trở thành một trong những doanh nghiệp địa ốc có vốn hóa lớn nhất trên sàn. Ông chủ của Novaland – doanh nhân Bùi Thành Nhơn – được xem là một trong những triệu phú USD ẩn danh nhiều năm trên thương trường. Ông nổi danh nhờ bất động sản, nhưng ngành kinh doanh ban đầu lại là thuốc thú ý.

Tốt nghiệp đại học tại Mỹ, ông Nhơn quay về Việt Nam kinh doanh thuốc thú ý thông qua công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn. Sau này, công ty được tách thành 2 tập đoàn lớn là Novaland Group và Anova Corporation, chuyên kinh doanh bất động sản tại thị trường miền Nam và sản xuất thuốc thú y, hóa chất, nguyên liệu dược…

Con trai ông Nhơn là Bùi Cao Nhật Quân – sinh năm 1982 – là một trong những triệu phú USD trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại. Doanh nhân 36 tuổi này từng giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT và Phó tổng giám đốc Novaland trước khi rời ghế vào tháng 5/2017. Ông Quân tốt nghiệp cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học Western Washington - Hoa Kỳ và đã giữ chức Phó Tổng giám đốc của Novaland Group từ năm 2007 đến nay.

Dù số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp không nhiều nhưng gia đình doanh nhân Bùi Thành Nhơn lại gián tiếp là chủ sở hữu của 69% cổ phần Novaland thông qua các công ty liên quan là Novagroup và Diamond Properties, tương đương 34.000 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Đạt (Canh Tuất 1970)

Sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 đều là học sinh trường chuyên. Khi học xong lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh.

Ông khởi nghiệp từ ngành buôn bán ô tô, sau đó chuyển sang bất động sản. Bước ngoặt của sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, nơi ông là một trong những cổ đông sáng lập và giữ chức vụ tổng Giám Đốc từ năm 2004. Phát Đạt dưới sự điều hành của ông nổi lên nhờ thành công của dự án EverRich I. Từ đây, ông mở rộng thêm chuỗi 2 dự án khác cùng lấy tên EverRich.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Đạt là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản lên tới 1.641 tỷ đồng. 2 năm sau, tổng tài sản trên sàn của vị này đã là hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng vị trí của ông lại lùi 3 bậc, nằm trong top 11 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2016, giới đầu tư xôn xao thông tin con trai ông Đạt là Nguyễn Tấn Danh thu lãi 26 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng lướt sóng cổ phiếu của gia đình. Trong công ty gia đình trị, doanh nhân 9X này cũng sớm giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị.

Lê Văn Quang (Mậu Tuất 1958)

Xuất thân là kỹ sư nuôi tôm làm trong doanh nghiệp Nhà nước, ông Lê Văn Quang quyết định ra mở đại lý riêng thu mua tôm cho doanh nghiệp tư nhân từ năm 1988. Nắm bắt thời thế thị trường, ông kiếm được tiền từ việc mua lại tôm thẻ từ nông dân để chế biến thành phẩm (còn vỏ, bỏ đầu), kiếm lời vài USD mỗi kg.

Năm 1992, ông nắm trong tay 120 triệu đồng, mở ra Xí nghiệp chế biến cung ứng hàng xuất khẩu Thuỷ hải sản, rồi không ngừng tăng vốn, mở rộng đầu tư trước khi chính thức niêm yết vào cuối năm 2006.

Tuy nhiên, năm 2015, công ty này bất ngờ huỷ quyết định niêm yết cổ phiếu do chờ đợi cơ hội được một nhà đầu tư Nhật Bản mua lại một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Kế hoạch thất bại do Minh Phú không gom đủ lượng cổ phiếu để không trở thành công ty đại chúng, khiến Minh Phú quay lại trên sàn UpCom từ ngày 16/10/2017.

Kế hoạch với đối tác Nhật thất bại không làm nhịp phát triển của Minh Phú chậm lại. Công ty này vẫn là nhà sản xuất thuỷ sản lớn nhất Việt Nam và lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu 527 triệu USD năm 2016 và hơn 734 triệu USD năm 2017.

Lê Viết Hải ((Mậu Tuất 1958)

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau một thời gian làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP.HCM, năm 1987, ông Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. 3 năm sau, văn phòng nhỏ bé này đã hoàn thành một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ, đó là khách sạn Riverside. Từ cột mốc ấy, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center…

Ngoài thất bại vì không giành được hợp đồng tại Landmark 81, ông Hải lại là người đứng sau thành công của các siêu dự án hàng đầu như tháp truyền hình Bình Dương 252m, tòa nhà Keangnam 72 tầng, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay và siêu tháp Vietinbank Tower.

Là ông chủ của một công ty lớn, nhưng ông Lê Viết Hải được biết đến là người luôn có sự dịu dàng đến mức lãng mạn. Ông Hải rất mê đàn hát. Hình ảnh Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp lớn top 5 trong ngành mặc comple và ôm đàn ghi ta say mê cất lên những giai điệu do ông tự sáng tác về Hòa Bình và về người vợ hiền gắn bó nhiều năm là hình ảnh ấn tượng với bất kỳ ai từng được gặp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại