LỜI NGỎ
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhận định, Trái Đất đang rơi vào vòng xoáy của "sóng thần tuyệt chủng", rất nhiều loài sinh vật đang chết dần đi. Không nhiều người hiểu rằng, một khi đa dạng sinh học của hành tinh bị xáo trộn, thì con người sẽ phải đối mặt với những thảm họa đáng sợ gì từ sự mất cân bằng sinh thái.
Series bài viết liên quan đến các loài động vật, thực vật tuyệt chủng/có nguy cơ tuyệt chủng là một trong những nỗ lực cung cấp thông tin đến độc giả, nhằm khơi dậy tình yêu thiên nhiên, qua đó giúp chúng ta có cái nhìn trìu mến và trân trọng hơn với Trái Đất và sinh vật sống của nó.
Từ lâu, "Tam Quý" gồm răng nanh hổ, vảy tê tê, mỏ sừng Tê Điểu được xem là dấu hiệu của sự giàu có, quyền lực và sang trọng mà giới thượng lưu từ hàng trăm năm nay săn lùng bằng được để mang bên mình như một thứ trang sức xa xỉ, hiếm có.
Cùng với thời gian, khi Tam Quý dần trở nên khan hiếm, con người bắt đầu săn lùng đến các loại sản vật khác như ngà voi, ngà kỳ lân biển, vây cá mập (dùng để làm món súp vi cá mập)... khiến cho số lượng các loài này trong tự nhiên suy giảm đáng kể, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.
Bằng một cách nào đó và bằng thứ quan điểm lạ kỳ và ích kỷ rằng nếu sở hữu các bộ phận của các loài quý hiếm thì đẳng cấp của con người ta trở nên cao sang hơn. Đó là lý do, ngà hải mã cũng là mục tiêu săn lùng nghiêm trọng của các tay thợ săn.
Hải mã (còn gọi là con Moóc, hải tượng, voi biển) mặc dù chưa bị xếp vào danh mục những loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng trong nhiều thế kỷ, số lượng của chúng đã giảm rất nhiều.
Một con hải mã đực có cặp sừng dài. Nguồn: Internet
Ban đầu, hải mã là nguồn cung cấp thịt, mỡ, da và xương cho người dân bản đại vùng Vòng Bắc Cực nhưng từ thế kỷ 19 trở đi, những tay thợ săn Bắc Cực bắt đầu săn lùng hải mã để lấy ngà, bán cho giới thượng lưu với giá hời.
Đặc trưng dễ nhận biết nhất của loài hải mã có thể nặng đến 1,7 tấn này là cặp ngà lớn cùng bộ ria mép hiếm có. Theo các nhà khoa học, ngà hải mã phát triển từ cặp răng nanh. Cặp ngà của một con hải mã Thái Bình Dương đực trưởng thành có thể đạt chiều dài đến 1 mét. Ngà răng hải mã trắng giống như đá cẩm thạch.
Giá của một chiếc ngà hải mã dài 1 mét?
Chạm khắc ngà hải mã là một loại hình nghệ thuật dân gian quan trọng đối với người dân Bắc Cực từ thời tiền sử, trong đó có người Inuit, Inupiaq và Yupik của Greenland và Bắc Mỹ; người Chukchi và Koryak của Nga.
Đến thời Trung Cổ, nghệ thuật chạm khắc ngà hải mã trở nên phổ biến ở châu Âu, với các trường phái chạm khắc đáng chú ý ở Kholmogory và Tobolsk. Phần lớn nghệ thuật chạm trổ Anglo-Saxon đều sử dụng ngà hải mã ở Bắc Âu trong thế kỷ 11 và 12. Người Bắc Âu cũng chạm khắc các vật phẩm bằng ngà hải mã, đặc biệt là các quân cờ Lewis.
Ngà hải mã đã điêu khắc. Nguồn: American History
Việc buôn bán ngà hải mã đã diễn ra hàng trăm năm ở các vùng rộng lớn ở Bắc Bán Cầu liên quan đến các nhóm như người Bắc Âu, người Nga, người châu Âu khác, người Inuit, người Greenland và Eskimos.
Vào những năm 1600, người Hà Lan đã giao dịch với người Inuit, điển hình là hàng kim loại để đổi lấy ngà voi, da hải cẩu và các mặt hàng khác.
Theo chính phủ Mỹ, người bản địa Alaska (bao gồm cả người Ấn Độ, người Eskimo và Aleuts) được phép thu hoạch hải mã để sinh hoạt miễn là việc thu hoạch không lãng phí.
Tại Nga, Moscow là một trung tâm lớn cho việc buôn bán ngà hải mã, cung cấp hàng hóa cho một thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc.
Tuy vậy, thương mại quốc tế liên quan đến ngà hải mã bị hạn chế phần nào bởi ông ước về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Tại Canada, chính phủ ban hành một lệnh cấm xuất khẩu quốc tế của ngà hải mã từ 17 cộng đồng người Nunavut. Bộ Thủy sản và Đại dương Canada hạn chế xuất khẩu ngà hải mã và các sản phẩm liên quan khác từ các cộng đồng này.
Ngày nay, một mét ngà hải mã chất lượng có giá hơn 340 USD (bằng ~ 8 triệu/1 mét ngà).
Hiện nay, số lượng của loài hải mã đang tăng dần ở mức chậm nhưng môi trường sống bị đe dọa (biến đổi khí hậu, ô nhiễm âm thanh...) khiến chúng sống phân tán. Các loài hải mã hiện nay chỉ còn con số hàng chục nghìn cá thể trên các vùng biển Bắc Cực.
Bài viết sử dụng nguồn: Independent, National Geographic
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.