Gần 1 tuần thảo luận về lệnh trừng phạt dầu Nga, EU vẫn "bế tắc": 4 quốc gia chưa đồng ý

Hồng Anh |

Các biện pháp trừng phạt của EU cần có sự đồng thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Euronews, các cuộc đàm phán về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đã kéo dài gần 1 tuần, nhưng các quốc gia thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Bulgaria và các quốc gia thành viên chưa đồng ý và yêu cầu có cơ chế đặc biệt để họ có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu mỏ trong nước.

Chi tiết gây tranh cãi lớn nhất vẫn là mốc thời gian đầy tham vọng mà Ủy ban châu Âu vạch ra: từ bỏ nhập khẩu toàn bộ dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng, và từ bỏ nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu tinh chế của Nga vào cuối năm nay.

Do phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của Nga, 4 quốc gia kể trên cho rằng họ không thể thay đổi nhà cung cấp trong một khoảng thời gian gấp gáp đến vậy mà vẫn tránh được ảnh hưởng đối với nền kinh tế của họ.

Ngoại trưởng Hungary Zoltán Kovács cho biết trong một tuyên bố ngắn với Euronews: "Vẫn chưa có đề xuất nào mà chúng tôi có thể chấp nhận và lập trường của Hungary vẫn không thay đổi".

Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã so sánh đề xuất của Brussels như một "quả bom nguyên tử" kinh tế vì nó phớt lờ "hoàn cảnh" của Hungary.

Euronews trích dẫn các nguồn tin ngoại giao am hiểu tình hình cho biết EU dường như đã đạt được một thỏa hiệp bước đầu, cho phép Hungary và Slovakia được lùi thời hạn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga vào cuối năm 2024, tức muộn hơn hai năm so với điều Brussels đã đề xuất.

Gần 1 tuần thảo luận về lệnh trừng phạt dầu Nga, EU vẫn bế tắc: 4 quốc gia chưa đồng ý - Ảnh 1.

EU "bế tắc"?

Là quốc gia phụ thuộc 100% vào dầu nhập khẩu Nga, Slovakia lập luận rằng nhà máy lọc dầu duy nhất của họ, Slovnaft, chỉ có thể hoạt động với một loại dầu nặng của Nga. Chính phủ Slovakia ước tính rằng việc thay thế công nghệ để xử lý một loại dầu thô nhẹ hơn sẽ đòi hỏi việc đầu tư 250 triệu euro, trong thời gian 4-6 năm.

Người phát ngôn của chính phủ Slovakia cho biết nước này đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tuy nhiên nếu như một lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga được thông qua vào cuối năm nay, thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc đang cố gắng đàm phán gia hạn thời gian áp đặt lệnh cấm vận đến tháng 6/2024, thời điểm nước này dự kiến sẽ kết nối với Đường ống dẫn dầu Transalpine (TAL), kết nối cảng Trieste của Italy với Đức qua dãy núi Alps.

Tuần trước, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala đã đến Berlin gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm an ninh năng lượng.

Những lo ngại từ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc chủ yếu xuất phát từ thực tế là các quốc gia này đều kết nối với đường ống Druzhba, một đường ống khổng lồ do Nga vận hành mà họ mô tả là "di sản của Liên Xô".

Các nhà máy lọc dầu địa phương của các quốc gia này trong nhiều thập kỷ đã vận hành dây chuyền sản xuất dựa trên nguồn cung cấp dầu đều đặn qua đường ống Druzhba, trong khi không có nhiều nỗ lực nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Bulgaria cũng yêu cầu EU có chính sách miễn trừ để đổi lấy lá phiếu tán thành lệnh cấm vận của nước này.

"Gazprom đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria do chúng tôi từ chối thanh toán cho Nga bằng đồng rúp", người phát ngôn của Cơ quan đại diện thường trực của Bulgaria tại EU nói với Euronews.

"Trong bối cảnh này, chúng tôi muốn được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận nhắm đến dầu Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất, giống như Hungary và Slovakia", phía Bulgaria cho hay.

Khác với Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc là các quốc gia không giáp biển, Bulgaria có lối vào Biển Đen - đồng nghĩa với con đường dễ dàng hơn để tiếp cận các nhà cung cấp thay thế và lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.

Tuy nhiên người phát ngôn của chính phủ Bulgaria cho biết nhà máy lọc dầu Burgas, thuộc sở hữu của công ty đa quốc gia năng lượng Nga LUKOIL, sẽ không thể hoạt động "hoàn toàn" nếu không có dầu của Nga.

"Nhà máy lọc dầu là cơ sở sử dụng lao động lớn nhất trong khu vực và việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu sẽ gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng ở thành phố lớn thứ tư của Bulgaria, và giá nhiên liệu cũng tăng", quan chức này nói thêm.

Các biện pháp trừng phạt của EU cần có sự đồng thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Các cuộc đàm phán giữa các đại sứ EU bắt đầu vào giữa tuần trước sau khi Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen công bố đề xuất trước Nghị viện châu Âu. Sau hơn một tuần, đề xuất vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên EU.

Ủy ban và Chủ tịch Hội đồng EU (hiện chiếc ghế luân phiên thuộc về Pháp) khẳng định tất cả 27 nước đều "đoàn kết" với đề xuất về gói trừng phạt mới nhất và EU đã đạt được "tiến bộ quan trọng" trong những ngày qua.

"Chúng tôi cần hoàn thiện gói trừng phạt này càng sớm càng tốt", một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết các cuộc thảo luận hiện đang tập trung vào các giải pháp "đoàn kết" cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, một quan chức từ một quốc gia theo đường lối cứng rắn nói với Euronews rằng việc miễn trừ không phải là một "ý tưởng hay", vì nó gây ra "mối đe dọa đối với các quy tắc cạnh tranh" và phải kèm theo các khoản thuế bổ sung và lệnh cấm bán dầu của Nga cho các nước khác.

Tình thế bế tắc trong nội bộ EU được ghi nhận 1 ngày sau khi nhóm G7 ra tuyên bố cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc của họ vào năng lượng Nga, bao gồm cả dầu mỏ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại