Nhưng, điều đặc biệt nhất đó là phương tiện, công cụ trộm két của Kiên. Cho đến nay, dù hơn 10 năm trôi qua nhưng vẫn là "độc nhất vô nhị", không một đối tượng nào học được, cũng không ai có đủ khả năng để áp dụng.
Đó là Kiên chỉ có một mình với chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ nhưng có thể trộm những chiếc két nặng hơn 2 tạ nên khi bắt được hắn, ai cũng bất ngờ.
Hơn 10 năm trong trại giam, là một quãng thời gian khá dài với một con người, nhưng để thi hành hết thời hạn cái án 20 năm. Lê Trung Kiên vẫn còn một quãng đường dài nữa đủ để anh ta trả hết tội lỗi mà mình gây ra.
1. Lê Trung Kiên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Dù học không giỏi giang nhưng Kiên được trời phú cho đôi bàn tay tài hoa. Từ bé, Kiên có thể vẽ, trang trí và làm nhiều việc liên quan đến mỹ thuật mà không phải học hành gì.
Nhờ có Kiên, báo tường của lớp luôn được giải cao của toàn trường. Tuy nhiên, do lười học, ham chơi nên Kiên bỏ học sớm. Bố mẹ biết năng khiếu của con trai nên đã thu xếp cho gã đi học nghề mộc để có nghề kiếm cơm sau này.
Tuy nhiên, học thợ mộc được 1 thời gian, Kiên chán nản vì công việc nặng nhọc, suốt ngày phải bào, đục bụi bặm, ồn ào mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên gã bỏ nghề mộc, bắt đầu cuộc sống lang thang, trộm cắp.
Lúc đầu thì trộm cắp vặt quanh làng xóm, sau thấy "ngon ăn" dễ kiếm tiền nên Kiên mở rộng địa bàn.
Có tiền, Kiên sinh ra cờ bạc, chơi bời và sưu tầm cổ vật. Tuy nhiên, "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", Kiên bị bắt, bị kết án. Lần đó, tưởng rằng sau mấy năm đi tù, Kiên thay đổi tính nết nhưng gã vẫn chứng nào tật ấy.
Ra tù, Kiên lấy vợ, sinh con. Kiên đã đặt cho mình mục tiêu phải làm việc gì đó để giàu có nổi đình nổi đám trong giới giang hồ. Gã quyết định theo "nghề"… trộm két sắt.
Để làm được việc này, Kiên không ngại bỏ tiền ra học kinh nghiệm từ các đàn anh rồi tự sáng tạo ra cách của riêng mình. Các loại đồ nghề, Kiên cũng tự nghiên cứu rồi làm lấy hoặc đặt hàng ở những chỗ tin tưởng theo đúng ý của mình.
Khi vợ hắn sinh đứa con đầu lòng, Kiên đã dành hết tình cảm cho con theo cách của mình, Theo đó, mỗi khi đi đâu, Kiên thường cố gắng mua những món quà con thích nhất đem về, dù món quà đó khó khăn, hiếm hoi đến mấy.
Gã nghe nói trẻ em ăn trứng ngỗng sẽ thông minh nên đã vượt hơn 20km đến tận trang trại nuôi ngỗng để… ăn trộm trứng đem về cho con. Trang trại có rất nhiều tài sản, nhưng Kiên chỉ trộm hơn 30 quả trứng rồi ra về, không màng đến những thứ khác.
Đi trộm két sắt, một đồ vật rất lớn bên trong chứa nhiều tài sản có giá trị nhưng phương tiện của Kiên chỉ là… chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ.
Trước khi định "đột" ở nhà nào, Kiên thường quan sát rất kỹ, thậm chí vào giả vờ mua hàng hoặc hỏi thăm để nghiên cứu nơi để két và tính toán cách đột nhập.
Thời gian hoạt động cũng được Kiên tính toán sít sao, đó là khoảng 2-3h sáng vì đây là thời điểm mọi người ngủ say nhưng cũng là lúc chợ rau ở TP Thanh Hóa bắt đầu hoạt động. Lúc này, Kiên đèo thêm một chiếc sọt giả làm người đi chợ rau chuẩn bị hoạt động.
Với những chiếc xà cầy chuyên dụng, hầu hết các loại cửa như cửa sắt, gỗ, thậm chí cả cửa chống trộm gã cũng cạy được. Vào nhà, nếu két sắt bé thì Kiên vác ra ngoài, những loại két lớn, gã trải chiếu rồi cho két lên sau đó nhẹ nhàng lôi ra ngoài bằng cửa chính.
Mỗi lần trộm xong, Kiên thường đem ra các bãi đất trống để phá két, lấy tài sản. Nếu gia chủ để giấy tờ trong két, hắn "nhân đạo" đem đến tận cửa bỏ lại…
Không có việc làm, thi thoảng ra vào những đám cờ bạc, thường xuyên đạp xe có sọt thồ đi rất sớm nên những người sống cạnh nhà Kiên luôn nghĩ hắn buôn bán rau cỏ gì đó, thu nhập không cao.
Dù vậy, nhưng cuộc sống gia đình Kiên khá vương giả, ăn uống, sinh hoạt hơn hẳn những người dân quanh vùng.
2. Không chỉ cờ bạc, mà Kiên còn có thú chơi ngông khác người. Nhà nghèo nhưng gã có rất nhiều cây cảnh đẹp. Không ai biết Kiên mua ở đâu nhưng những cây cảnh của gã đều giá trị rất cao.
Ngoài yêu con, Kiên dành rất nhiều thời gian chăm sóc, nâng niu cây cảnh, cắt tỉa rất đẹp. Vì vậy Kiên được mọi người gán cho cái tên là "Kiên cây cảnh". Khi khám xét nhà Kiên, lực lượng chức năng không khỏi ngạc nhiên bởi sự bài trí và thú chơi xa xỉ của gã.
Nhìn khuôn viên này, không ai nghĩ đó là nhà của một kẻ sống bằng nghề trộm cắp. Ngôi nhà tên siêu trộm được sắp đặt với nhiều loại bonsai lạ, nhiều cây quý hiếm; ngoài ra, còn có bể cá cảnh phong thủy, sỏi rải lối đi, ghế đá uống café và các loại chim quý.
Nếu nhìn vào đồ vật của Kiên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một đại gia với tài sản nhiều tỷ.
Điều khiến mọi người bất ngờ hơn nữa, đó là một… đường hầm cổ vật được Kiên bố trí ngay sát chân tường rào. Đường hầm dài khoảng 2m, sâu 1m rất kiên cố để giấu các tài sản có giá trị cao và nhiều cổ vật quý.
Sở dĩ Kiên phải làm đường hầm để giấu cổ vật, phần vì sợ kẻ khác trộm lại, phần vì sợ bị cơ quan Công an phát hiện. Chỉ khi đêm xuống, hắn mới bí mật xuống hầm lôi cổ vật ra ngắm để thỏa mãn thú chơi xa xỉ của mình.
3. Như người ta vẫn nói "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", dù là siêu trộm thì cuối cùng Kiên cũng bị bắt. Vì két sắt là tài sản lớn, có những vụ két nặng tới 150 - 200kg nên mọi người cho rằng, kẻ trộm phải là một nhóm đối tượng từ 2 - 3 tên trở lên, đi bằng ôtô.
Thậm chí, có vụ bị hại đã nghi ngờ người trong nhà mình chính là thủ phạm hoặc thông đồng với kẻ trộm để gây án… Trong gần 2 năm, hằng trăm đêm, các trinh sát Công an TP Thanh Hoá đã tuần tra kiểm soát và mai phục ở những nơi thường xảy ra trộm cắp mới bắt giữ được Kiên.
Tài liệu của cơ quan Công an đã xác định, trong thời gian từ năm 2007 đến tháng 4/2009, Lê Trung Kiên đã liên tiếp thực hiện 20 vụ trộm cắp két bạc trên địa bàn TP Thanh Hoá và các huyện lân cận với tổng số tiền và tài sản trị giá hơn 1,3 tỉ đồng.
Điển hình là đêm 1/5/2007, Kiên đột nhập vào nhà ông Tào Bản Giai, ở số 44 Đinh Công Tráng, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, lấy trộm một két sắt bên trong có 20.000 euro và 57 triệu đồng tiền mặt.
Đêm 15/6/2008, Kiên đột nhập nhà anh Phạm Bạch Thủy, ở 18 Xuân Diệu, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa lấy trộm két bạc cỡ lớn, bên trong chứa 200 triệu đồng và nhiều trang sức bằng vàng (trị giá khoảng 50 triệu đồng)...
Với mức án 20 năm tù giam, buộc bị cáo phải bồi hoàn số tiền hơn 1,3 tỉ đồng cho nhiều người bị hại, Lê Trung Kiên được thi hành án ở Trại giam số 5.
Tại đây, thời gian đầu, Kiên được bố trí làm công việc như các phạm nhân khác tại phân trại dành cho các phạm nhân có mức án dài.
Sau khi phát hiện khả năng của Kiên, cán bộ quản giáo đã đề nghị cho Kiên được được làm việc đúng sở trường của gã là làm những việc liên quan đến thẩm mỹ, mỹ thuật như vẽ báo tường, vẽ tranh tuyên truyền cổ động, trang trí và đặc biệt là chăm sóc cây cảnh đúng với tên gọi của hắn "Kiên cây cảnh".
Lê Trung Kiên cắt tỉa cây cảnh tại Trại giam số 5. |
4. Gặp lại Kiên sau hơn 10 năm, gã vẫn thế, lặng lẽ, trầm tĩnh trước công việc của mình. Kiên tỉ mỉ tỉa những cành cây để uốn dáng mà không để ý đến ánh nắng đã chiếu gần đến đỉnh đầu. Sắp đến giờ nhập trại buổi trưa nên Kiên càng cố sức để "bắt" nốt cành cây và dáng theo ý mình.
Kiên cho biết, ở trong trại là thời gian để gã tự tu dưỡng bản thân, phát huy năng khiếu được ông trời ban cho để sử dụng vào việc có ích, hi vọng nay mai ra tù sẽ sống bằng chính sức lao động của mình.
"Thật ra làm các việc bằng năng khiếu hội hoạ, mỹ thuật mặc dù không giàu có nhưng không phải vất vả nắng mưa. Trước đây, em từng làm thợ mộc, đắp chậu hoa, trồng cây cảnh. Em cũng thích những công việc đó.
Những lúc rỗi rãi, em đều dành công sức của mình để chăm sóc, cắt tỉa cây. Nhưng vì ham mê cờ bạc lại cần có nhiều tiền để sống nên em mới đi trộm. Lúc đầu, cũng nghĩ "kiếm" vài vụ rồi thôi nhưng khi kiếm đồng tiền dễ dàng quá, lại không thể dứt ra được".
Khi tôi hỏi về "đường hầm cổ vật" Kiên cho biết, đó là những thứ mà Kiên rất thích. Có những thứ Kiên trộm được, có thứ lùng mua được. "Em bị bắt, thứ bị thu, thứ mất mát hết. Nói chung của "phù vân" không giữ được chị ạ".
Trong câu chuyện của mình, Kiên luôn nhắc đến cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. "Cháu học giỏi lắm, ngoan nữa, em bảo vợ đừng dẫn con lên thăm, vì không muốn nó bị ấn tượng với người bố tội lỗi. Em mong cháu học hành đến nơi đến chốn, dùng trí tuệ để kiếm sống.
Khi con người đã trong vòng lao lý, mới thấm hết được giá trị của tự do. Những người như em càng luôn muốn con mình lương thiện. Vì thế, em luôn cố gắng cải tạo, để trả hết nợ nần mình đã gây ra. Để con mình sẽ không còn phải xấu hổ về người cha tù tội...".
Suy nghĩ của Kiên, chắc chắn cũng là suy nghĩ của bất cứ người làm cha, làm mẹ nào, nhất là những người từng phạm tội. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của tự do, giá trị của của con người lương thiện đối với gia đình và chính bản thân mình.