Không khí trong cuộc họp G7 giữa các nước trong câu lạc bộ giàu có hiếm khi lại chia rẽ như cuộc họp các lãnh đạo tài chính G7 kéo dài 3 ngày qua tại Whistler, bang British Columbia - Canada.
Sau khi bị cô lập tại cuộc họp mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chua chát là "một G6 +1 bởi Mỹ một mình chống lại tất cả và gây ra nguy cơ bất ổn kinh tế", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 2-6 còn bị 6 thành viên còn lại G7 đưa ra một tuyên bố yêu cầu ông truyền đạt sự lo ngại và thất vọng nhất quán về thuế tới ông chủ Nhà Trắng.
Các lãnh đạo chụp hình tập thể tại cuộc họp G7 ở Whistler, bang British Columbia, Canada. Ảnh: Reuters
Mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm của Mỹ đã bắt đầu áp đặt lên Mexico, Canada và liên minh châu Âu (EU) trong tuần này sau khi lệnh miễn trừ tạm thời hết hạn.
"Chúng tôi lo ngại rằng những hành động như vậy thực sự không giúp ích gì cho những nền kinh tế của chúng tôi, chúng thực ra đang phá hoại và cả sáu quốc gia đều nhất quán quan điểm này tới Bộ trưởng Mnuchin"- Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nói trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp G7 kết thúc.
Tuyên bố trên, do Canada soạn thảo, cũng kêu gọi hành động quyết đoán để giải quyết tranh chấp thuế quan tại Thượng đỉnh lãnh đạo G7 bắt đầu vào ngày 8-6 tới tại Charlevoix, Quebec.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho hay các cuộc thảo luận trực tiếp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giúp giải quyết vấn đề, mặc dù Tokyo từ chối chấp nhận bất cứ yêu cầu hạn ngạch nhập khẩu nào.
"Tôi đã tham dự các cuộc họp này nhiều lần. Nhưng đây là lần rất hiếm thấy khi sự chống đối Mỹ lại thống nhất cao tới mức này" - ông Aso nói với các phóng viên.
Chia sẻ sau cuộc họp, ông Mnuchin cho biết ông không nằm trong sự đồng thuận thương mại của 6 quốc gia nói trên và khẳng định rằng Tổng thống Trump tập trung vào tái cân bằng các quan hệ thương mại của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng bác bỏ bình luận từ một số quan chức G7 rằng Mỹ đang phá vỡ các luật lệ thương mại quốc tế bằng thuế quan và nhường lại vị trí lãnh đạo hệ thống thương mại và kinh tế toàn cầu mà nước này đã dày công xây dựng sau Thế chiến II.
"Tôi không nghĩ rằng Mỹ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Ngược lại, tôi cho rằng chúng tôi đang nỗ lực lớn trong cải cách thuế ở Mỹ - điều vốn có tác động không thể tin được lên nền kinh tế của chúng tôi"- ông Mnuchin nói.