FPT sẽ chi 100 triệu USD để M&A tại Mỹ và Nhật Bản

Linh Anh |

FPT, tập đoàn công nghệ và viễn thông lớn nhất tại Việt Nam theo vốn hoá thị trường, đang đẩy mạnh các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường trong nước.

Chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg sáng 8/12, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết FPT đang chuẩn bị chi 100 triệu USD cho 2 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ở Nhật Bản và Mỹ (mỗi vụ 50 triệu USD).

Sau 2 thương vụ này, FPT tiếp tục có định hướng đẩy mạnh hoạt động M&A ở nước ngoài nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường trong nước. Ông Bình chia sẻ sự quan tâm đặc biệt đến khu vực châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

FPT là một trong số những công ty, tập đoàn của Việt Nam đang lập kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy doanh thu và phát triển thị trường.

tiêu của FPT là các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông hoặc dịch vụ tài chính. Theo kế hoạch, hai thương vụ ở Nhật và Mỹ sẽ được chốt trong năm nay.

“Chúng tôi tìm kiếm các cơ hội M&A trên khắp thế giới. Chúng tôi muốn trở nên chuyên sâu hơn trong lĩnh vực chuyên môn”, ông Bình chia sẻ. Trước đó, thương vụ M&A nước ngoài đầu tiên của FPT là thâu tóm công ty RWE IT Slovakia từ năm 2014.

Việc mua bán và sáp nhập nhằm mục tiêu đưa doanh thu ở nước ngoài của FPT lên tới 1 tỷ USD vào năm 2020, so với mức 203,3 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2016. Theo ông Bình, FPT tạo ra doanh thu 1,8 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng) trong năm 2015.

Ông Bình cũng khẳng định Việt Nam có thể gặt hái được những thành công to lớn như của Ấn Độ trong lĩnh vực gia công phần mềm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng số, đang diễn ra.

Lợi thế lớn của Việt Nam là trong số 94 triệu dân, có 65% người dưới 27 tuổi được sinh ra trong kỷ nguyên của Internet và gắn bó nhiều với Internet.

Ngoài ra, Việt Nam đang dành nhiều quan tâm tới khởi nghiệp. Chính phủ có những chính sách để thúc đẩy và tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên là một nước mạnh về IT cũng như một nền kinh tế mạnh dựa trên IT.

“Chúng tôi có chính phủ điện tử, thành phố thông minh và các quỹ thúc đẩy khởi nghiệp. Thách thức lớn nhất để Việt Nam có thể gặt hái được những thành công như Ấn Độ là vấn đề giáo dục. Hiện nay có nửa triệu kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng cần 1 triệu người vào năm 2020", ông Bình nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại