Trung Quốc từ cứng rắn "ở mức độ bình thường"
Đây là một thông tin xấu cho các nhà đầu tư. Một cuộc đối đầu quân sự sẽ làm phương hại đến sự hội nhập, tăng trưởng kinh tế của khu vực và làm tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu – đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia vẫn chưa định hình được một nền kinh tế định hướng trong nước.
Các tranh chấp ở biển Đông bắt đầu từ mâu thuẫn khu vực giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, nhưng căng thẳng nhanh chóng mở rộng phạm vi thành một cuộc chiến kinh tế và sức mạnh quân sự mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hai năm trước, Trung Quốc đã củng cố (cái gọi là) "chủ quyền ở biển Đông" bằng hành động tăng tốc xây dựng phi pháp đảo nhân tạo trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước động thái bành trướng của Bắc Kinh, Mỹ tăng cường sự hiện diện của hải quân của mình quanh các đảo nhân tạo trái phép và nâng cấp khả năng tên lửa phòng thủ của mình ở Hàn Quốc.
Ban đầu, Trung Quốc phản ứng giới hạn ở một vài chỉ trích gay gắt rằng Mỹ "vi phạm luật pháp quốc tế" và cố gắng thuyết phục các đồng minh ngoại giao bằng sáng kiến Ngân hàng đầu tư cơ cở hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng
Sau đó, Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng và củng cố yêu sách chủ quyền phi lý bằng thông báo sẽ triển khai các tàu ngầm hạt nhân đến khu vực biển Đông để "ngăn cản" sự hiện diện của Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói, "các tên lửa hạt nhân chiến lược là nền tảng cho một sự răn đe quân sự".
Cũng theo tờ này, "Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược 'răn đe hạt nhân hiệu quả' với ít đầu đạn hơn các cương quốc phương Tây. Mặt khác, Trung Quốc là nước duy nhất trong các cường quốc hạt nhân thông báo không ưu tiên tấn công trước. Điều đó nghĩa là chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc là nhằm duy trì khả năng đáp trả."
Hoàn Cầu khẳng định: "Chiến lược răn đe hạt nhân của Bắc Kinh phải thực tế và có hiệu quả, đủ để gây ảnh hưởng quan trọng đến chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ Mỹ.
Cũng giống như khi bất cứ nước nào đánh giá về sức mạnh của Mỹ, ngay lập tức sẽ nghĩ đến các tàu sân bay và không mạo hiểm khơi mào đối đầu quân sự với Washington".
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam. (Ảnh: SCMP)
... Đến thái độ đe dọa hiếu chiến
Trong diễn biến mới nhất, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan hôm 12/7 đã ra phán quyết cuối cùng đối với vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Theo Forbes, phán quyết của PCA có nghĩa là Trung Quốc không thể ban hành một cách hợp pháp các quy định hàng hải riêng của mình ở biển Đông hoặc kiểm soát thương mại đi qua khu vực này, một trong tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất của thế giới.
Xã hội quốc tế hy vọng rằng Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tôn trọng và tuân thủ phán quyết, thay vì lên giọng tuyên bố phán quyết là không có giá trị và tính ràng buộc pháp lý, hoặc khẳng định tiếp tục xây dựng trái phép các đảo nhân tạo.
Hay tồi tệ hơn, các quan chức và tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng tuần tra hàng hải của hải quân nước ngoài có thể kết thúc "trong thảm kịch", theo Reuters.
Trong bài viết đăng trên Forbes hôm 26/7, giáo sư Panos Mourdoukoutas của trường Đại học LIU Post tại New York, Mỹ bình luận về tuyên bố trên:
"Tôi đã đọc đúng chứ (về tuyên bố của Trung Quốc)?
Nếu vậy, nó có vẻ giống như lời thách thức của Triều Tiên khi bác bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của mình và lặp đi lặp lại các cáo buộc và đe dọa chống lại các nước láng giềng và Mỹ."
Các tuyên bố không nhân nhượng của Bình Nhưỡng là một phần nguyên nhân làm leo thang tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, cũng như thế bế tắc của nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo.
"Đây có thực sự là điều Trung Quốc muốn?" - ông Mourdoukoutas đặt câu hỏi.
Từ sau phán quyết của PCA, các tướng lĩnh và giới học giả Trung Quốc cũng phát ngôn "mạnh miệng" hơn trên truyền thông đại chúng.
Thiếu tướng, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Kiều Lương đe dọa:
"Hai tàu sân bay của Mỹ (USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan) sẽ không gặp vấn đề gì nếu chỉ lưu thông hàng hải trên biển Đông nhưng nếu chiến tranh xảy ra, hai tàu này sẽ không có đường về."
Trong khi đó, Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh chính sách quốc gia thuộc Viện nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc, Bành Quang Khiêm cảnh cáo Mỹ:
"Nếu [Mỹ] dám động đến Trung Quốc, chúng tôi sẽ xử lý từng chiếc từng chiếc, một chiếc cũng không tha. Chúng tôi có sức mạnh này."