FLC lại bị cưỡng chế do nợ thuế chưa tới 190 triệu đồng

Dy Khoa |

Tập đoàn FLC bị một chi cục thuế tại tỉnh Gia Lai cưỡng chế thuế tại hai tài khoản mở tại hai ngân hàng thương mại.

Hôm 6/10, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) có văn bản công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Trong văn bản này, thay mặt Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền cho biết công ty nhận được các quyết định của Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa - Mang Yang vào ngày 5/10.

Cụ thể, Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa - Mang Yang ban hành hai quyết định số 6910 và 6911 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tại Gia Lai và tài khoản mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh tại Gia Lai.

Cả hai văn bản này nêu lý do cưỡng chế là do công ty nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.

Tổng số tiền bị cưỡng chế trong lần này là 189.033.587 đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/9-29/10.

FLC lại bị cưỡng chế do nợ thuế chưa tới 190 triệu đồng - Ảnh 1.

Dự án FLC Hilltop Gia Lai. Ảnh: FLC.

Trước có, ngày 28/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã ra thông báo nhận được ba quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. Cục Thuế tỉnh này cưỡng chế hơn 457,7 tỷ đồng, theo ba quyết định. Lý do được Cục Thuế tỉnh Quảng Bình nêu tương tự văn bản của Chi cục Thuế khu vực thuộc Gia Lai ở trên là do vi phạm quy định của Luật Quản lý Thuế.

Khi đó, cơ quan thuế tỉnh Quảng Bình đã thi hành quyết định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại các ngân hàng: Ngân hàng OCB - Chi nhánh Hà Nội, VIB - Chi nhánh quận 1 và BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân.

Vào đầu tháng 9, FLC cũng đã nhận ba quyết định cưỡng chế thuế của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. Tổng số tiền yêu cầu cưỡng chế là hơn 448 tỷ đồng. Cũng từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, hồi đầu tháng 8, Tập đoàn FLC bị nhận quyết định cưỡng chế thuế với số tiền gần 224 tỷ đồng.

Trong tháng 9, FLC bị Cục Thuế TP Hà Nội ra 9 quyết định, gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng. Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương có 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với FLC.

FLC đã có đơn vị kiểm toán, chờ đại hội cổ đông

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC từ ngày 9/9 do tập đoàn vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Trong thư gửi cổ đông sau đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Lê Bá Nguyên lý giải tập đoàn đã nhiều lần gửi giải trình kiến nghị đến các cơ quan quản lý, để làm rõ các nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp.

Trong đó, chủ yếu là những khó khăn, thách thức về lựa chọn đơn vị kiểm toán mới sau khi Công ty TNHH Kiểm toán, tư vấn Đất Việt - đơn vị từng ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Tập đoàn FLC - bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán từ ngày 30/3.

"Nhằm tháo gỡ khó khăn này, FLC mong sớm nhận được sự can thiệp, chỉ đạo hoặc hỗ trợ cần thiết từ cơ quan quản lý để có thể thực hiện việc kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính năm 2021 của tập đoàn trong sớm nhất, để có đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022", thư gửi cổ đông nêu rõ.

Tập đoàn nỗ lực để phối hợp giải trình cũng như xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định, nhằm sớm đưa cổ phiếu FLC ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc hạn chế giao dịch.

Đối với sự việc bất khả kháng và ngoài ý muốn trên, Tập đoàn FLC mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của cổ đông cũng như sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để tập đoàn có thể thực hiện đúng các lộ trình dự kiến, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, cổ đông và góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

FLC lại bị cưỡng chế do nợ thuế chưa tới 190 triệu đồng - Ảnh 2.

FLC đã tìm được đơn vị kiểm toán. Ảnh minh họa.

Cuối tháng 9, bà Bùi Hải Huyền - Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, ký văn bản số 550 gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cũng ban hành nghị quyết số 61 về việc thay đổi đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của công ty.

Theo các văn bản này, Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng thuê Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Tư vấn UHY kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của công ty thay cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán An Việt.

Lý do Tập đoàn FLC quyết định đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính là do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự thực hiện dịch vụ kiểm toán theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Tư vấn UHY là đơn vị thành viên của UHY International - hãng kiểm toán có trụ sở tại London (Anh), đã hoạt động tại Việt Nam 16 năm.

Theo kế hoạch ban đầu, FLC chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Nhưng cuối tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng của Đất Việt.

FLC lại bị cưỡng chế do nợ thuế chưa tới 190 triệu đồng - Ảnh 3.

Bà Bùi Hải Huyền vẫn là Tổng Giám đốc FLC.

FLC chịu biến động nhân sự cấp cao

Gần đây, Tập đoàn FLC có nhiều xáo trộn về nhân sự. Trưa 4/10, Tập đoàn FLC công bố thông tin bổ nhiệm hai phó tổng giám đốc mới của tập đoàn này, gồm các ông Lê Doãn Linh và Nguyễn Chí Công. Hai vị này giữ chức vụ phó tổng giám đốc FLC từ ngày 5/10.

Trước đó, chỉ trong 80 ngày, Tập đoàn FLC có đến ba vị phó tổng giám đốc lần lượt rời vị trí. Gần đây nhất, ngày 30/9, Tập đoàn FLC nhận được đơn đề nghị thôi giữ chức vụ phó tổng giám đốc công ty của bà Võ Thị Thuỳ Dương. Chỉ một ngày sau, Hội đồng quản trị của công ty đã ra Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐQT-FLC ngày 01/10/2022 về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ phó tổng giám đốc công ty của bà Võ Thị Thuỳ Dương kể từ ngày 1/10.

Trước đó, ngày 14/7 bà Vũ Đặng Hải Yến từ chức. Sau đó hai tháng, ngày 15/9, ông Lã Quý Hiển cũng đã không còn là phó tổng giám đốc của Tập đoàn FLC. Đa số các vị rời chức danh này để đưa ra lý do cá nhân, không nêu lý do cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại