'Nỗ lực của nước nhỏ vẫn sẽ tạo ra khác biệt lớn trong chống biến đổi khí hậu'
Tương tự như việc các con sông của Brazil cung cấp năng lượng thủy điện, hay như các đứt gãy trong vỏ trái đất cung cấp cho Indonesia năng lượng địa nhiệt, Việt Nam cũng đặt kỳ vọng vào nguồn ánh nắng dồi dào và bờ biển nông sẽ cung cấp năng lượng sạch, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân và tăng trưởng GDP năm 2019 đạt mức 7% đã chứng kiến mức tiêu thụ năng lượng đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010, trong khi trung bình sản lượng điện người Việt Nam sử dụng chỉ bằng một nửa so với quốc gia láng giềng là Trung Quốc.
Song, những nỗ lực của các quốc gia nhỏ phát triển công nghiệp vẫn có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Steve Liberatore, người đứng đầu chiến lược thu nhập cố định của ESG tại Nuveen (công ty quản lý tài sản tại Hoa Kỳ) lý giải: "Việc bổ sung một dự án năng lượng tái tạo vào lưới điện của quốc gia đang phát triển sẽ bù đắp hay thay thế tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch cao hơn so với nước phát triển".
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN’s Emissions Gap Report 2020), thành công trong việc quản lý quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ giúp các nước đang phát triển có bước nhảy vọt vượt ra ngoài các công nghệ sử dụng nhiều carbon, vốn làm nền tảng cho các quốc gia giàu có hơn.
Lý do Việt Nam cần tập trung vào trang trại gió ngoài khơi
Với trường hợp của Việt Nam, vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam là nơi lý tưởng để đặt các tuabin gió ngoài khơi, vốn rất quan trọng đối với kế hoạch của quốc gia nhằm tăng tỷ trọng điện từ gió và mặt trời từ 10% vào năm 2019 lên 42% hòa lưới điện quốc gia vào năm 2045.
Thu Vũ, một nhà phân tích tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, một tổ chức nghiên cứu ở Ohio, nhận định, mãi đến năm 2018, Việt Nam không có bất kỳ dự án điện mặt trời quy mô nào và rất ít dự án điện gió.
Tuy nhiên, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam vẫn chưa đánh giá cao tốc độ chuyển đổi năng lượng, bà Vũ cho hay. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), sản lượng từ năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam lần lượt tăng 237% và 60% vào năm 2020, nâng tỷ trọng của các nguồn này lên 25%, đi trước gần một thập kỷ so với kế hoạch.
Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) khẳng định, mặc dù hầu hết các dự án điện gió hiện có đều nằm trên đất liền, nhưng những quy định về hạn chế đất đai đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải tập trung vào các trang trại gió ngoài khơi.
Bờ biển phía nam của Việt Nam không thiếu gió. Với tốc độ trung bình hơn 10m/s, vùng lãnh hải của Việt Nam nằm trong top 10% những nơi có nhiều gió nhất trên hành tinh.
Adrian Dempsey, Giám đốc tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mainstream Renewable Power - công ty năng lượng Ireland có hoạt động tại Việt Nam, cho biết: "Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có tốc độ gió tốt nhưng lại bị hạn chế bởi biển sâu".
Vùng biển ngoài khơi ở các tỉnh Bình Thuận và Sóc Trăng - nơi các nhà phát triển, bao gồm Mainstream, có kế hoạch xây dựng các trang trại điện gió trị giá hàng tỷ USD ngoài khơi - cũng tương đối nông, với độ sâu từ 20m đến 50m.
Cải thiện tình thế "tiến thoái lưỡng nan"
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng sản xuất 475GW điện gió ngoài khơi mỗi năm tại vùng biển từ bờ ra đến 200km, gấp khoảng 20 lần tổng công suất tiềm năng của quốc gia về điện gió trên đất liền. Song, mặc dù có tiềm năng cung cấp năng lượng tại Việt Nam, rất ít dự án nước ngoài quy mô lớn được thêm vào trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, chủ yếu là do sự phức tạp về quy định và rủi ro đầu tư.
Bà Vũ thông tin: "Mục tiêu năm 2030 đối với gió ngoài khơi được giới hạn ở mức 2GW-3GW. Điều này cho thấy Chính phủ vẫn đang cân nhắc". Bà cũng lưu ý rằng chi phí của các dự án ngoài khơi cao hơn so với gió trên bờ hoặc gần bờ.
Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, công ty năng lượng tái tạo của Anh, nêu rõ để giảm chi phí, Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Việt Nam có thể liên kết tích điện với các thành phố phía bắc, xây dựng các trạm biến áp và đặt dây cáp dọc theo đáy biển để sản xuất ngoài khơi hoặc tìm các giải pháp thay thế. Enterprize đang thử nghiệm chuyển đổi năng lượng gió và nước biển thành hydro.
Mặc dù vậy, thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng đi kèm với những rủi ro. Năm 2019, Chính phủ khuyến khích đầu tư bằng cách ưu đãi thuế, từ đó lưới điện đã được bổ sung thêm 4,46GW từ 82 nhà máy năng lượng mặt trời, dẫn đến cung vượt quá cầu, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng.
Đó là một ví dụ điển hình về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm Việt Nam phải đối mặt: nếu sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu mà không cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải, công suất bổ sung có thể bị lãng phí.
Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, cần đầu tư 128,3 tỷ USD trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và bổ sung công suất phát điện vào thập kỷ tới, bao gồm cả nguồn vốn từ nước ngoài. Ông William Gaillard, Phó chủ tịch của nhà sản xuất tuabin gió Vestas, tin rằng Việt Nam đã trở thành "hình mẫu" cho các quốc gia khác. "Kết hợp giữa biểu giá FIT hấp dẫn, cùng các mục tiêu và quy trình cấp phép minh bạch đã là yếu tố quan trọng trong việc 'mở khóa' thị trường này", ông kết luận.