Tranh luận lại nổ ra khi VARS vừa tiếp tục được áp dụng trong trận giao hữu mới rồi giữa Pháp và Tây Ban Nha khi trọng tài 2 lần thay đổi các quyết định của mình dựa vào VARS.
FIFA đã chính thức cho ứng dụng VARS ở World Club World Cup và rất có thể sẽ chính thức đưa công nghệ này vào ứng dụng trên phạm vi rộng rãi hơn ở các giải đấu cấp CLB khác cũng như các giải cấp ĐTQG như World Cup, EURO hay Copa America. Câu hỏi đặt ra ở đây là VARS có thực sự là bước tiến hay là bước lùi của bóng đá?
Trong quần vợt, người ta từ lâu đã ứng dụng công nghệ hawk-eye (mắt diều hâu) vào việc xác định các tình huống bóng và công nghệ này được các tay vợt cũng như giới chuyên môn nói chung chấp nhận rộng rãi và hưởng ứng nhiệt liệt.
Họ coi hawk-eye là “trọng tài” công tâm và hoàn toàn đáng tin cậy khi các trọng tài bằng xương bằng thịt không kịp quan sát hoặc không ở vị trí thuận lợi để quan sát rồi từ đó đưa ra quyết định về điểm rơi của bóng sau một cú đánh với tốc độ quá cao.
Nhưng liệu một sự ứng dụng tương tự trong bóng đá bằng VARS mà FIFA đã và có thể cho áp dụng rộng rãi hơn trong tương lai liệu có phải là lựa chọn đúng đắn hay không?
Bóng đá không phải là tennis dù môn nào cũng lấy con người làm trung tâm. Một trong những nguyên nhân sâu sa khiến một trận đấu bóng đá trước nay có thể mãi mãi ở lại trong tâm trí chúng ta là bởi những kịch tính, sự căng thẳng và hấp dẫn của nó. Mà kịch tính, căng thẳng và hấp lực vĩnh cửu ấy đến từ đâu?
Nó không chỉ bắt nguồn từ những pha xử lý bóng điệu nghệ, những đường chuyền, cú sút, bàn thắng... đẹp như tranh. Nó còn bắt nguồn từ cả những sai lầm, tranh cãi sau những quyết định của trọng tài.
Bóng đá là trò chơi do con người tạo ra, chi phối và điều khiển nên nó mãi mãi gắn chặt với con người, không chỉ là những người chơi trực tiếp (các cầu thủ) mà cả những người điều khiển cuộc chơi ấy (các trọng tài).
VARS làm bóng đá mất đi kịch tính và sự hấp dẫn vốn có
Trọng tài cũng chỉ là con người mà con người thì không ai “miễn dịch” với sai lầm. Thế nên, sai lầm là một phần tất yếu của các trận bóng đá và chính nó làm cho trận đấu trở nên hấp dẫn, kịch tính khi có thể thúc đẩy những cuộc tranh luận bất tận sau những quyết định nào đó của các “ông vua” áo đen.
Hãy hình dung xem bạn cảm thấy thế nào khi một trận đấu qua đi mà chúng ta không có gì khác hơn để nói ngoài những bàn thắng, pha bóng đẹp? Một trận đấu như thế bạn có thể thấy hấp dẫn. Nhưng nếu mọi trận đấu đều diễn ra với một kịch bản giống hệt nhau như thế thì bạn sẽ thấy thế nào?
Bóng đá như cuộc sống. Nó cần sự đa dạng, góc cạnh và nhiều dư vị. Khi các trọng tài đưa ra quyết định dựa trên VARS, họ không còn là chính họ nữa và khi đó bóng đá cũng không còn là bóng đá với bản thể vốn có của nó. Sự chính xác đi kèm với sự tẻ nhạt và công thức đơn điệu ngự trị cuộc chơi.
Hãy hình dung xem bạn cảm thấy thế nào khi trận đấu bị gián đoạn vì trọng tài phụ thuộc vào VARS?
Nó khiến cảm hứng của chúng ta hao hụt đi. Nó làm cho các trọng tài không còn tự tin với các quyết định tiếp theo của mình nữa. Và nó khiến chính các cầu thủ không còn tin vào các quyết định của trọng tài khi VARS cho thấy là họ đã sai lầm. Quá nhiều vấn đề nảy sinh từ một ứng dụng công nghệ của FIFA.