‘Fast X’ có gì ngoài kinh phí 340 triệu USD?

Sơn Phước |

Bom tấn “Fast X” mang đến cho người xem nhiều cảm xúc với phần hành động, kỹ xảo được đầu tư. Dẫu vậy, kịch bản phim còn quen thuộc với nhiều điểm trừ.

Với kinh phí lên đến 340 triệu USD, Fast X – hay Fast & Furious 10 – là một trong những bom tấn được trông đợi nhất mùa hè năm nay. Đây là phần đầu trong bộ ba phim (trilogy) khép lại thương hiệu hành động, đua xe nổi tiếng sau hơn 20 năm tung hoành màn ảnh rộng.

Sau nhiều phần phim, series đạt thành công thương mại nhưng nhận nhiều ý kiến không tốt về các sáng tạo quá đà, thậm chí phi logic trong kịch bản. Đơn cử như việc phóng xe ra khỏi vũ trụ ở phần 9. Do đó, nhiều người vẫn tò mò không biết ê-kíp có chiêu trò gì để chinh phục khán giả trong những phần cuối cùng.

Màn trả đũa của kẻ thù trong quá khứ

Ở những cảnh quay đầu tiên, phim đưa người xem trở về năm 2011 khi nhân vật chính Dominic (Vin Diesel) cùng đồng đội lên kế hoạch cướp tài sản của ông trùm Hernan Reyes. Vụ cướp từng trở thành chất liệu chính để các nhà làm phim thực hiện Fast Five (2011) – dự án mang tính bước ngoặt của thương hiệu, được nhiều nhà phê bình đánh giá là phần hay nhất trong series, cũng là phần đầu vượt mốc doanh thu 600 triệu USD.

‘Fast X’ có gì ngoài kinh phí 340 triệu USD? - Ảnh 1.

Nội dung phim có nhiều sự liên kết với

Sau sự kiện, Hernan Reyes thiệt mạng khiến con lão là Dante Reyes (Jason Momoa) ôm hận, luôn nung nấu ý định trả thù. Suốt 12 năm, gã tập hợp nhiều đồng minh, lập kế hoạch bài bản để khiến gia đình nam chính phải rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà”, mục tiêu đầu tiên là cậu con trai 8 tuổi của Dominic.

Kịch bản phim đơn giản, vẫn đi theo mô-típ báo thù để tạo nên cuộc chiến thiện - ác quen thuộc. Nhiều tình tiết được sắp đặt nhằm tạo sự kết nối giữa các phần phim. Một số nhân vật cũng trở lại như Jakob Toretto (John Cena) – anh trai Dominic, hay phản diện của phần trước là Cipher (Charlize Theron). Điều này có thể gây khó hiểu với những ai chưa xem các dự án trước.

Ban đầu, ê-kíp muốn khép lại thương hiệu Fast & Furious bằng 2 phần phim. Song, nam chính kiêm đồng sản xuất Vin Diesel tham vọng hơn khi quyết định tạo ra bộ ba phim. Hướng đi này khiến câu chuyện trở nên dài dòng, nhiều tình tiết còn mang tính sắp đặt.

Tình cảm gia đình, tình anh em vẫn là thông điệp chính của phim. Song, vì quá tập trung vào các cảnh hành động nên các biên kịch chưa tạo được một câu chuyện nhiều chiều sâu. Khi phim kết thúc, nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, buộc khán giả phải tiếp tục theo dõi phần sau để tìm câu trả lời.

Đại tiệc hành động, kỹ xảo

Tác phẩm giữ nguyên tinh thần của thương hiệu với những màn rượt đuổi nghẹt thở trên đường. Ngay từ đầu phim, khán giả được chứng kiến cuộc chiến giữa hai phe trên phố thị Rio (Brazil) tấp nập. Trong lúc kéo lê hầm sắt, chiếc xế hộp không ngại nghiền nát mọi thứ xung quanh, tạo cảm giác gay cấn đến nghẹt thở.

Ngồi ghế đạo diễn là Louis Leterrier – người từng góp phần làm nên thành công cho nhiều phim hành động nổi tiếng như Transporter (2002), The Incredible Hulk (2008), Clash of the Titans (2010)… Với kinh nghiệm lâu năm, đạo diễn dễ dàng xử lý các cảnh rượt đuổi, cháy nổ chiếm phần lớn thời lượng 141 phút.

Nhà làm phim chiêu đãi khán giả bằng những phân đoạn hành động diễn ra liên tục với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ. Anh khéo léo sắp đặt ống kính, góc máy để người xem như đang tham gia cuộc chiến cùng các nhân vật.

‘Fast X’ có gì ngoài kinh phí 340 triệu USD? - Ảnh 3.
‘Fast X’ có gì ngoài kinh phí 340 triệu USD? - Ảnh 4.

Phim gây choáng ngợp với các cảnh hành động diễn ra liên tục.

Kinh phí sản xuất Fast X cao hơn phần tiền nhiệm khoảng 70%. Do đó, ê-kíp cũng “chịu chơi” hơn các phần trước. Từ âm thanh cháy nổ đến chất lượng kỹ xảo đều ở mức vượt trội so với các dự án phổ thông ở Hollywood.

Bối cảnh phim liên tục thay đổi để hạn chế cảm giác nhàm chán. Ê-kíp chọn nhiều địa điểm đẹp từ đường phố Rio (Brazil) đến London (Anh), từ Lisbon (Bồ Đào Nha) đến Nam Cực. Tất cả nhằm tạo nên một tác phẩm dễ dàng làm hài lòng những người hâm mộ lâu năm.

Sức hút từ dàn diễn viên ngôi sao

Dự án quy tụ dàn diễn viên đông đảo, từ các ngôi sao thực lực như Helen Mirren, Charlize Theron đến các gương mặt quen thuộc của thương hiệu. Sự trở lại của các diễn viên cũ như Michelle Rodriguez, Jason Statham, John Cena, Scott Eastwood… càng mang đến cho người xem cảm giác hoài cổ.

Vin Diesel giữ vững phong độ khi đóng vai chính Dominic. Anh thể hiện tốt cảnh hành động lẫn các phân đoạn tâm lý, cho thấy hình ảnh của một người cha thương con, sẵn sàng bỏ mặc tất cả để bảo vệ gia đình.

Bên cạnh đó, cũng có một số những gương mặt mới như Brie Larson, Alan Richson, Daniela Melchior,… Đặc biệt, Jason Momoa tỏa sáng khi lần đầu xuất hiện trong series với vai phản diện. Tài tử rũ bỏ hình tượng siêu anh hùng Aquaman để trở thành tên tội phạm có tính cách quái gở. Song, cách xây dựng nhân vật còn cũ nên chưa tạo được bất ngờ.

‘Fast X’ có gì ngoài kinh phí 340 triệu USD? - Ảnh 5.

Jason Momoa gây chú ý với vai phản diện trong phim.

Giống các phần trước, Fast X không nhận được đánh giá tích cực từ phía phê bình. Dự án xếp loại “Thối” trên Rotten Tomatoes với 54% bình chọn. Dẫu vậy, phản ứng của khán giả rất tốt với 84% điểm tích cực. Theo Deadline , phim thu hơn 60 triệu USD toàn cầu trong ngày đầu ra mắt. Tại Việt Nam, dự án cũng đứng đầu phòng vé, “soán ngôi” của Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh.

Nhìn chung, Fast X vẫn là một món ăn tinh thần đậm tính giải trí. Nếu bỏ qua những điểm trừ trong kịch bản, người xem vẫn có thể hài lòng với những cảnh hành động dồn dập, kịch tính. Tuy nhiên, thời lượng phim dài là điểm mà khán giả nên cân nhắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại