Trước giờ trong văn hóa Việt Nam, ở những câu chuyện cổ dân gian, ta hay gặp những người đàn bà đứng trước cửa nhà, tốc váy chửi cả thiên hạ, chửi người nào vừa ăn cắp con gà, quả trứng của bà ấy. Hình ảnh người đàn bà đứng trước cửa nhà chửi đổng không lạ gì trong văn hóa làng xã Việt Nam.
Có lẽ, gã đàn ông duy nhất được phép chửi đổng, chỉ có Chí Phèo của Nam Cao trong tác phẩm "Làng Vũ Đại ngày ấy", và thiên hạ hay nói sau lưng "Chắc nó trừ mình ra."
Nhưng từ khi facebook xuất hiện, bạn sẽ thường xuyên gặp những gã đàn ông, con trai đứng chống nạnh chửi đổng khắp thiên hạ bằng những dòng trạng thái của anh ta. Hắn chửi, người đi qua đọc vào ai cũng nhột (trừ cái kẻ mà hắn đang chửi).
Trước đây, đàn ông mà đã ghét ai thì thường lạnh lẽo cho đi, chứ không phí thời gian chửi đổng. Bởi việc chửi nhau không phải việc của đàn ông.
Trong gia đình, người đàn ông làm những gì khó khăn nhất, không oán than, không trách móc, không than phiền. Làm những gì thầm lặng nhất sau lưng, và người phụ nữ ở phía sau sẽ yên tâm sống.
Nhưng Facebook đang làm hư đàn ông!
Những luân thường đạo lý của một triết lý đàn ông đã bị đảo lộn ở facebook này. Bạn thỉnh thoảng sẽ gặp những gã độc giả đàn ông sẵn sàng chửi một anh chàng nào đó viết bài hơi ủy mị là "đàn bà".
Khi ấy, tôi từng chứng kiến một gái comment ngay bên dưới câu chửi ấy: "Vậy anh chửi người ta kiểu đó thì anh là đàn ông chắc?".
Facebook là nơi ta hay gặp những nhóm đàn ông tụ tập vào nhau để nói xấu sau lưng một gã đàn ông khác. Trước giờ, điều chỉ xảy ra ở các nhóm nữ.
Facebook khiến đàn ông sống lá mặt lá trái, họ sẵn sàng trước mặt thì ngọt nhạt, mà sau lưng thì mỉa mai nhau. Dù cho thượng đế sinh ra đàn ông nói ghét là ghét, nói yêu là yêu chứ không phải đi đóng kịch.
Những con người lạnh lùng nhất, đơn giản nhất với triết lý "không chơi thì thôi, ở lại khó chịu", lại bị chửi. Bởi vì khi không chấp nhận kiểu sống hai mặt ấy, họ lại trở thành mũi công kích của những gã đàn ông đã bị họ loại trừ.
Cá biệt hơn, chúng ta hay gặp một nhóm những con người hú hét với nhau rất sướng khi chê bai một kẻ khác, dù bản thân họ không hề quen biết hoặc tương tác với người kia.
Facebook, có lẽ là nơi mọi thứ không đủ lạnh lùng để tạm biệt, chỉ dám đứng từ xa để biên status chửi đổng.
Thực tế, ở đây ta cần đặt câu hỏi. Giá trị đàn ông của anh ở đâu? Lòng kiêu hãnh của anh ở đâu mà phải đi bám víu và khổ sở thế? Khi bạn chỉ biết đứng sau lưng người ta và chỉ trỏ này kia, thì có nghĩa bạn đang thấp kém hơn người ta rất nhiều.
Facebook đã biến đàn ông thành đàn bà.
Chú ý: "Đàn bà không xấu nhưng đàn ông có tính đàn bà thì xấu." Nguyên tắc đàn ông là cột chống gia đình, còn phụ nữ là người quán xuyến hậu phương và giữ tiền bạc. Bởi tính cách phụ nữ là chi li tính toán, còn đàn ông là sảng khoái.
Xin hãy nhớ phụ nữ dù miệng bảo rằng "Em mê trai đẹp", nhưng cuối cùng, họ vẫn yêu bờ vai vững chắc hơn. Khi chứng kiến kiểu chửi hoang tàn bát ngát của những cậu trai dùng facebook, phụ nữ chỉ nhếch mép chứ không đánh giá đó là cá tính.
Những chuyện trên dù sao cũng chỉ liên quan đến việc đối nhân xử thế chưa trưởng thành của cá biệt một số người. Bên cạnh những con người trẻ con như thế, ta vẫn luôn gặp những con người điềm đạm trên facebook.
Việc đỉnh cao nhất của "đảo lộn giá trị đàn ông" là các câu chuyện "trả thù tình". Khi bị bạn gái chia tay thì lồng lộn lên, điên cuồng, giết cô ấy hoặc tự giết mình, không thì nhắn tin phá hoại, đe dọa, hoặc đăng những status, phát tán những ảnh nóng để khiến cô gái đó bị tổn thương.
Tại sao? Anh là đàn ông cơ mà. Lòng kiêu hãnh, tinh thần và sự hy sinh của phái mạnh ở đâu rồi?
Và đây, là việc phát hiện bạn gái đi tòm tem với người khác. Thế là các anh quay video lại cảnh nói chuyện để đăng facebook, lấy những cái likes và những cái view. Từ khi nào "cặp sừng mọc lên đầu" trở thành niềm tự hào của cánh đàn ông vậy?
Năm xưa, vua Ba Tư Shahriyar vì hoàng hậu ngoại tình mà giết gần hết trinh nữ ở đất nước, khiến cho nàng Sheherazade phải kể câu chuyện "Nghìn lẻ một đêm", hòng xoa dịu cơn thịnh nộ. Còn bây giờ, cái view, cái like facebook đã khiến đàn ông thích quay video chuyện mình bị "cắm sừng".
Mọi giá trị đã bị đảo lộn.
Trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Casablanca, tôi rất thích nhân vật nam chính.
Đoạn cuối phim có một hình ảnh rất cảm động. Rick nhìn từ sau lưng, nhìn về bóng hình của người phụ nữ anh yêu nhất đang chuẩn bị lên máy bay cùng chồng cô ấy.
Anh vẫn để một tay vào túi, như khi rút súng bắn gã đại tá người Đức để giải cứu cô, hiện thân của sự thầm lặng bảo vệ. Anh đáng lẽ có được cô, và có rất dễ dàng, bởi cô yêu anh, chọn ở cạnh anh, nhưng anh không làm thế.
Rick là kiểu mẫu đàn ông tài năng, thông minh, đa cảm và biết hy sinh. Đàn ông như Rick là một người đàn ông lý tưởng, cũng là người hiếm hoi khó tìm lại được trên facebook hỗn mang như bây giờ.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả