F-35 – Thương vụ nhiều bê bối

TIẾN LONG |

Ngày 22-5 mới đây, Israel tuyên bố đã đưa máy bay tàng hình F-35 tác chiến tại chiến trường Syria, trở thành quốc gia đầu tiên đưa F-35 vào thực chiến. Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ và Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Lockheed Martin đã đạt được thỏa thuận tiếp tục chuyển giao máy bay F-35 cho Bộ Quốc phòng sau nhiều lần ngưng trệ.

Trước đó, dù gần như chắc chắn nắm trong tay gần 406 tỷ USD trong các hợp đồng mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ, Lockheed Martin phản đối việc họ phải trả khoản tiền ước tính từ 119 đến 180 triệu USD để giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan.

Như vậy, việc nối lại tiếp nhận máy bay chiến đấu F-35 vừa qua của Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là hứa hẹn sẽ sớm giải quyết được bất đồng về chi phí thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm khắc phục vấn đề ăn mòn một số chi tiết trên máy bay F-35 được phát hiện trước đó.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Văn phòng Chương trình máy bay chiến đấu kết hợp (JPO) thuộc Lầu Năm Góc Joe DellaVedova không tiết lộ bên nào sẽ phải chịu gánh nặng chi phí vốn khiến cho hợp đồng quân sự này từng nhiều lần đi vào bế tắc.

Tất cả những gì JPO hé lộ chỉ là quân đội Mỹ, các đối tác quốc tế và Lockheed Martin đã tiến hành một kế hoạch hành động toàn diện để khắc phục các lỗi sản xuất nhằm giảm thiểu tác động đến quá trình vận hành F-35. “Kế hoạch khắc phục này sẽ đảm bảo tiêm kích F-35 sẽ được trang bị một hệ thống vũ khí chất lượng với giá cả phải chăng”, phát ngôn viên JPO lưu ý.

Rắc rối từ kỹ thuật đến hợp đồng

Ngày 12 tháng 4, Lockheed Martin cho biết đã có bất đồng với JPO liên quan tới chi phí bảo trì F-35. Điều này khiến Chính phủ Mỹ quyết định tạm dừng tiếp nhận các tiêm kích thế hệ thứ 5 này, cho dù các dây chuyền sản xuất của tập đoàn Lockheed Martin vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo tập đoàn này, hơn 200 máy bay F-35 đã được bàn giao cho Lầu Năm Góc bị cho là xuất hiện nhiều “lỗi sản xuất”. Kiểm định chất lượng hồi cuối năm ngoái cho thấy có dấu hiệu ăn mòn trên một số chiến đấu cơ F-35A “vừa mới ra lò” tại căn cứ Không quân Hill, bang Utah, miền Tây nước Mỹ.

JPO tuyên bố: “Chính phủ đã tạm dừng tiếp nhận máy bay F-35 để đảm bảo quân đội Mỹ sẽ có các chiến đấu cơ có chất lượng tốt nhất. Chúng tôi hy vọng vấn đề này sẽ được nhanh chóng giải quyết”. Tập đoàn Lockheed Martin cũng bày tỏ mong muốn các bất đồng sẽ sớm được dàn xếp và tuyên bố sẽ vẫn bàn giao 91 chiếc F-35 cho Lầu Năm Góc vào cuối năm nay.

Tập đoàn Lockheed Martin từng nhiều lần thừa nhận những vấn đề mà họ vấp phải trong việc sản xuất máy bay F-35, trong đó có “yếu tố con người” như việc lớp sơn phủ bên ngoài vẫn phải do các công nhân trực tiếp đảm nhận.

Giữa tháng 4, Lầu Năm Góc cho biết 49% trong số 280 chiếc F-35 bàn giao cho quân đội Mỹ xuất hiện cả lỗi phần cứng và phần mềm. Riêng phần mềm, khoảng 276 “lỗ hổng” đã được phát hiện trong khi bay.

Tính trung bình, Lầu Năm Góc phát hiện khoảng 20 lỗi/tháng. Do đó, tới thời điểm hiện tại, chỉ 142 tiêm kích thế hệ mới này đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Không quân Mỹ.

Nhận nhiều sự chỉ trích

Ngày càng có nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích chương trình mua máy bay F-35.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào đầu tháng 4, Phó Đô đốc Paul Grosklags, người đứng đầu Bộ Tư lệnh đặc trách Hệ thống Không lực Hải quân (Naval Air Systems Command) cho rằng lỗi ăn mòn “là một sai sót của nhà thầu và họ phải là người đền bù các chi phí khắc phục”.

Lỗi ăn mòn phát hiện của F-35 có thể dẫn tới việc phải thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất để những vấn đề tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.

Giám đốc chương trình F-35, Phó Đô đốc Mat Winter, chỉ trích quá trình sản xuất diễn ra chậm chạp và thiếu minh bạch về chi phí.

Ông nói: “Tôi không hài lòng với thái độ làm việc của Lockheed Martin. Giá F-35 đang giảm, nhưng gần như không đáng kể. Chúng tôi không biết chi phí thực tế để sản xuất một chiếc F-35 là bao nhiêu cũng như số lượng máy bay không đủ tiêu chuẩn chất lượng và những lỗi nào trong dây chuyền sản xuất cần phải được sửa chữa”.

Ông lưu ý rằng Lockheed Martin lẽ ra đã có thể “bày tỏ thái độ hợp tác hơn rất nhiều nhưng họ lại không làm như vậy, bởi vì đó là thủ thuật đàm phán của họ”.

Đô đốc Winter cho biết chi phí cho mỗi chiếc F-35A trong tổng số 66 chiếc thuộc lô hàng thứ 10, bao gồm khung, động cơ và phụ phí, là 94,3 triệu USD. Tính ra, chi phí đã giảm hơn 7%/máy bay, vượt mục tiêu giảm 6-7% của JPO.

Lô hàng thứ 9 đã đem lại cho Lockheed Martin một hợp đồng trị giá 6,1 tỷ USD trong năm 2016. Theo ông Winter, mặc dù hợp đồng cho lô hàng thứ 11 gồm 130 máy bay và các lô hàng thứ 12 và 13 đang được xúc tiến để chi phí sẽ còn tiếp tục giảm, nhưng ông từ chối đưa ra các con số hoặc ước tính cụ thể.

Theo ông, Bộ Quốc phòng Mỹ không tìm cách áp đặt một hợp đồng đơn phương trong thời gian tới, nhưng cũng cảnh báo rằng nếu tốc độ giảm giá của F-35 chỉ như hiện tại thì kế hoạch ​​tăng số lượng đặt hàng và tiếp nhận F-35 từ 280 lên hơn 800 chiếc vào cuối năm 2021 sẽ trở thành “gánh nặng” cho ngân sách quốc phòng Mỹ.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 3 vừa qua, phát biểu liên quan đến những đồn đoán rằng số lượng đơn đặt hàng F-35A có thể sẽ giảm 1/3 nếu chi phí vận hành và bảo trì không giảm 38% trong vòng 10 năm tới, Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ tuyên bố cam kết sẽ tiếp tục mua 1.763 tiêm kích F-35A theo kế hoạch nhưng đang cố gắng giảm chi phí bảo trì của Chương trình F-35 do nhà thầu Lockheed Martin đề nghị.

Tướng Goldfein nói: “Chúng tôi đang rất quan tâm đến chi phí vận hành và bảo trì của dòng máy bay này”. Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Ellen Lord đã cho rằng mức chi phí bảo trì hiện tại của F-35 là không thể chấp nhận được.

Mặc dù không đi sâu vào chi tiết, Tướng Goldfein muốn chi phí vận hành và bảo trì F-35 phải tương đương với chi phí cho máy bay thế hệ thứ 4 F-16 hoặc F-18.

Ông Goldfein cũng thừa nhận Không quân Mỹ đang muốn gây áp lực lên Lockheed Martin để tập đoàn này giảm chi phí vận hành và các chi phí phát sinh khác. Không quân Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của F-35; chính vì vậy, bất kỳ sự cắt giảm mua sắm nào đều có thể tăng giá thành cũng như chi phí vận hành và bảo trì máy bay.

Điều này gây nhiều bất lợi cho Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ và các khách hàng quốc tế đang có kế hoạch mua F-35.

Một số khách hàng nước ngoài cũng tỏ ra lo lắng về giá thành và chi phí bảo trì của F-35. Không còn nhiều người tranh luận về tính năng của nó; thay vào đó, họ lo lắng liệu có đủ khả năng đưa F-35 vào vận hành khi cần thiết hay không.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 27 tháng 3, Stephen Lovegrove, Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng Anh cho biết Chính phủ Anh hài lòng với hiệu suất hoạt động của dòng máy bay F-35 và cam kết sẽ không từ bỏ kế hoạch mua 138 chiếc F-35B, phiên bản có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Tuy nhiên, ông cũng ngụ ý không ai hoàn toàn chắc chắn về chi phí vận hành và duy trì, nhấn mạnh rằng nước Anh sẽ phải duy trì sự tập trung tuyệt đối trong vấn đề này nhằm giảm các loại chi phí cho F-35. “Từ nhiều tháng nay, đã có một số đối tác của chương trình F-35 tỏ ra không hài lòng với việc phải phụ thuộc vào các kho bãi truyền thống trong bảo trì và sửa chữa F-35.

Họ cho rằng hệ thống kho bãi như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, giảm tốc độ phản ứng khi có tình huống xảy ra, khiến các giai đoạn bảo trì quan trọng nhất bị lệ thuộc vào Mỹ và sẽ rất khó để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở châu Âu hoặc Thái Bình Dương”, ông Lovegrove nhận định.

Theo ước tính, đơn hàng F-35 của Lầu Năm Góc trị giá hơn 400 tỷ USD trong khi chi phí vận hành và bảo trì F-35 được dự đoán ở mức cao hơn rất nhiều, khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, để cả ba phiên bản của F-35 có thể tiếp tục vận hành và đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu trong vòng 50 năm tới.

Các nhà phân tích cho rằng cách ước tính như vậy là một sai lầm. Thứ nhất, trong lịch sử Không quân thế giới, chưa từng có dự án vận hành máy bay chiến đấu nào có thể kéo dài tới 50 năm.

Thứ hai, sau khi tiến hành phân tích chi phí dựa trên các mẫu máy bay hiện tại, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) đã kết luận máy bay F-35 đã được thiết kế bảo đảm thuận tiện hơn cho việc bảo trì.

Thứ ba, việc ước tính giá nhiên liệu và phụ tùng thay thế trong một khoảng thời gian dài như vậy là không thực tế. Lầu Năm Góc gần như không thể ước tính chi phí nhiên liệu trong vòng hai hoặc ba năm tới, chứ chưa nói là 50 năm.

Dù ước tính của GAO có chính xác hay không, điều dễ nhận thấy là các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ đều tỏ ra lo lắng về chi phí đắt đỏ của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này.

Nói cách khác, Lầu Năm Góc có tầm nhìn khá “hạn chế” vào cách nhà thầu Lockheed Martin chi tiêu số tiền đó. Cũng có thể, họ sử dụng ước tính này như một “cú hích” với tập đoàn Martin Lockheed, do họ không hài lòng về thủ thuật đàm phán và sự thiếu minh bạch về chi phí của nhà thầu.

Trong khi hai bên đều có những tính toán cũng như chiến lược đàm phán riêng và đã đi đến thỏa thuận trong thời điểm hiện tại, sẽ phải mất một thời gian tương đối dài nữa để dòng máy bay F-35 hiện đại có thể xóa bỏ tai tiếng cả về chi phí lẫn kỹ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại