F-35I bay vào Iraq tấn công kho tên lửa Iran?
Ngày 19 và 28/7, Không quân Israel được cho là đã tiến hành không kích nhằm vào các kho chứa vũ khí và tên lửa ở đông-bắc Baghdad, Iraq. Điều đáng chú ý là trong cuộc không kích đầu tiên, căn cứ của Iraq đã bị tiêm kích tàng hình F-35I của Israel tấn công.
Những thông tin trên do tờ báo bằng tiếng Ả Rập Asharq Al-Awsat (trụ sở tại London) dẫn các nguồn ngoại giao phương Tây cho biết hôm 30/7.
Hiện có rất ít chi tiết về hai cuộc không kích được tiết lộ (chưa vụ nào được xác nhận chính thức). Chỉ biết rằng các cuộc tấn công này đều nhằm vào một căn cứ nằm sâu bên trong không phận Iraq, cách biên giới Iran khoảng 80km. Và đây là dấu hiệu cho thấy Israel đã mở rộng quy mô các chiến dịch chống Iran trong khu vực.
Tiêm kích F-35I của Israel. Ảnh: IAF
Quả thực, theo tờ Haaretz, "trong năm qua, Israel được cho là đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và tổ chức phiến quân Hezbollah tại Syria".
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Israel (IAF) tấn công các mục tiêu gần biên giới Iran tới vậy và cũng là lần đầu tiên Israel không kích Iraq kể từ cuộc tấn công năm 1981 nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Saddam Hussein.
Tờ Al-Sharq Al-Awsat đưa tin Israel đã tấn công một doanh trại ở tỉnh Salah-Din, tây bắc Iraq bằng F-35I. Điều này mâu thuẫn với các báo cáo ban đầu cho rằng "thủ phạm" là máy bay không người lái.
Cuộc tấn công được cho là đã khiến một số sĩ quan Hezbollah, cùng các thành viên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) thiệt mạng. Theo các báo cáo, mục tiêu của cuộc tấn công là nơi chứa các lô tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất, được giấu trong các xe tải đông lạnh thực phẩm.
Trả lời Breaking Defense, Thiếu tướng Amos Yadlin, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iraq là huyết mạch hậu cần đối với Iran, cho phép Tehran vận chuyển vũ khí và đưa lực lượng tới Syria, cũng như Lebanon.
Ông Yadlin tin rằng các báo cáo về sự can thiệp của Israel nhiều khả năng là đúng. "Dường như Israel thực sự đang hành động ở Iraq", ông Yadlin nói, "Nhưng không ngạc nhiên nếu Israel không nhận trách nhiệm đối với cuộc tấn công này, bởi nó có thể làm phức tạp hóa tình hình đối với Mỹ.
Tôi sẽ không đề cập đến cuộc tấn công nào cụ thể, nhưng tôi có thể nói rằng F-35 là mẫu máy bay lý tưởng để thực hiện cuộc tấn công như vậy".
Cuộc tấn công thứ hai của Israel, theo Al-Awsat, là vào doanh trại Ashraf, trụ sở cũ của nhóm vũ trang đối lập Những tay súng thánh chiến Iran của nhân dân (‘People’s Mujahedin of Iran", MEK) ở phía bắc Baghdad. Cuộc tấn công được cho là nhằm vào một nhóm cố vấn Iran và một lô tên lửa đạn đạo khác.
Các cuộc tấn công trên diễn ra sau khi một số nguồn tin Israel hồi đầu tháng này cảnh báo rằng Iran đang xây dựng một căn cứ dự trữ hậu cần tại Iraq dành cho các loại tên lửa mà nước này định triển khai tại Syria hoặc Lebanon để tấn công Israel.
Mặc dù các doanh trại ở bắc Baghdad nằm cách xa tương đối biên giới Syria nhưng phần lớn các sa mạc hoang vắng nối giữa Baghdad và Syria từ lâu đã bị những kẻ buôn lậu khai thác.
Những điểm kỳ lạ
Theo nhà phân tích David Cenciotti của Aviationist, để xác định xem các tiêm kích F-35I Adir của Israel có thực sự được sử dụng trong một, hoặc thậm chí là cả hai vụ không kích hay không thì chúng ta cần tìm hiểu một chút về lộ trình bay, cũng như lực lượng hỗ trợ cho chúng.
Chẳng hạn, khoảng cách giữa căn cứ không quân Nevatim (Israel) và doanh trại Ashraf là trên 1.000km, do đó F-35I sẽ cần được tiếp dầu trên không để tấn công mục tiêu rồi an toàn trở về nếu chúng kích hoạt "cấu hình tàng hình" và không mang theo thùng dầu phụ treo ngoài.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các kênh bằng tiếng Ả Rập, đưa tin về sự xuất hiện của F-35I trong các sứ mệnh tại Syria, Iraq hoặc Iran.
Năm ngoái, tin tức về một nhiệm vụ của F-35I Israel tại Iran đã lan khắp các mạng xã hội.
Theo một "nguồn thạo tin" trao đổi với tờ Kuwaiti Al-Jarida, hai tiêm kích tàng hình F-35I đã bay qua Syria và Iraq mà không bị phát hiện, sau đó xâm nhập vào không phận Iran, thực hiện các nhiệm vụ bay trinh sát trên các thành phố Bandar Abbas, Esfahan và Shiraz.
Tuy nhiên, nhà phân tích Cenciotti cho rằng có rất nhiều điểm kỳ quặc ở đây:
Một là, theo vài nguồn tin, tờ Al-Jarida thường được sử dụng để đưa ra những thông điệp tuyên truyền của Israel.
Chẳng hạn, khi đưa tin về việc Mỹ bật đèn xanh cho Israel ám sát tướng Soleimani (của IRGC) hồi tháng 1/2018, tờ Haaretz viết:
"Tờ Al-Jarida, trong những năm gần đây, đã tung ra những câu chuyện ‘độc quyền’ từ Israel, dẫn theo một nguồn tin tại Jerusalem nói rằng ‘có một thỏa thuận giữa Mỹ và Israel" xác định tướng Soleimani là mối đe dọa đối với lợi ích của cả hai quốc gia trong khu vực’.
Giới Ả Rập cho rằng tờ báo này được sử dụng như một bàn đạp của Israel để truyền đạt thông điệp tới các quốc gia khác ở Trung Đông".
Tờ Al-Jarida được xem là kênh truyên truyền của Israel.
Thứ hai, Không quân Israel đang vận hành hơn 7 chiếc F-35 (ít nhất 9 chiếc) và tầm hoạt động (khoảng 2.000km) không cho phép chúng duy trì chế độ tàng hình (không có thùng dầu phụ treo ngoài) để bay tới Iran hai lần mà không cần dừng chân hoặc tiếp dầu trên không.
Và trên hết, mặc dù một số nhà phân tích đánh giá việc F-35 tham gia vào các sứ mệnh thực tế sẽ sớm xảy ra do Không quân Israel đã tuyên bố khả năng sẵn sàng hoạt động của chiếc F-35I đầu tiên từ ngày 6/12/2017 nhưng khó có khả năng nhiệm vụ như trên, nếu có thật, sẽ bị rò rỉ ra ngoài.
Có nhiều đồn đoán cho rằng F-35I đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu Syria nhưng cho tới nay vẫn chưa có xác nhận chính thức về việc chúng đã thực hiện bất cứ nhiệm vụ tác chiến nào.
Theo ông Cenciotti, tin tức về nhiệm vụ của F-35 tại Iran khi ấy có thể chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, nhằm gửi thông điệp tới các đối thủ của Israel.
Còn về các thông tin mới nhất này, trước mắt chúng ta xác định được rằng, F-35 đã được sử dụng trong một cuộc tấn công tầm xa, cách không xa biên giới Iran. Mặc dù chưa thể nói được nhiều điều nhưng tạm thời có thể tóm gọn một số điểm:
1. Vị trí mục tiêu đòi hỏi F-35 phải tiếp nhiên liệu trên không (hoặc mang thùng dầu phụ), ngay cả khi nó dùng tới vũ khí tầm xa. Bán kính chiến đấu được công bố của F-35A là 590NM. Khoảng cách (theo đường thẳng) giữa căn cứ không quân Nevatim và căn cứ mục tiêu là khoảng 520NM.
Song, trên thực tế, lộ trình bay từ điểm khởi hành tới căn cứ mục tiêu không thẳng mà là một con đường có liên quan đến nhiều sân bay dân sự/quân sự, đường không và tiềm ẩn một số mối đe dọa khác.
Mặc dù trong trường hợp này, vẫn có khả năng F-35 hoạt động được ở rìa bán kính chiến đấu của chúng khi không được tiếp dầu trên không và mang theo vũ khí tầm xa nhưng điều này khó xảy ra. Khả năng cao hơn là F-35 đã thực hiện tiếp dầu trên không ở không phận đối tác/đồng minh.
2. Không rõ một hay nhiều chiếc F-35I tham gia nhiệm vụ lần này.
3. Dựa vào những gì tờ báo Ả Rập đưa ra, thì lần này F-35 thực hiện thả bom, thay vì giữ vai trò bị động là thu thập thông tin tình báo.
4. Sự tham gia của F-35 vào các cuộc không kích vẫn chưa chính thức được xác nhận.
Dai dẳng cuộc chiến chống Iran
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và một số quan chức cấp cao của nước này đã lên tiếng cảnh báo Iraq về việc cho phép binh lính IRGC hoạt động trong lãnh thổ của họ.
Trả lời phóng viên hôm 30/7, Nghị sĩ Lindsey Graham cho hay, ông đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ lưỡng đảng đối với thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ và Israel, nó sẽ được điều chỉnh theo các mối đe dọa hiện hữu, tương tự như Điều khoản thứ 5 của NATO (phản ứng tập thể để đáp trả cuộc tấn công vào một trong các quốc gia thành viên).
Graham cho biết ông đã đề cập vấn đề này với Tổng thống Donald Trump nhưng không nói rõ ông Trump có tiếp nhận ý tưởng này hay không.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các nghiên cứu An ninh Quốc gia (tại Tel Aviv) - Eldad Shavit và Sima Shine cho rằng mối quan hệ giữa Baghdad và Washington đã suy yếu kể từ khi chính phủ mới của Iraq lên nắm quyền vào tháng 10/2018.
Chính phủ do người Shiite đứng đầu hiện đang dựa vào sự ủng hộ của các nhóm người Shiite ủng hộ Iran.
Chính quyền Trump vẫn đang tìm cách để chặt đứt các giao dịch năng lượng giữa Iraq và Iran, mặc dù Baghdad vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí gas và điện nhập khẩu từ quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, áp lực từ Mỹ mang lại những kết quả lẫn lộn.
Đối lập với quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria và Afghanistan, ông Trump vẫn chưa có ý định rút 5.200 quân Mỹ khỏi Iraq.
Iran xem sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích của nước này và đã truyền đạt một thông điệp răn đe rõ ràng tới Baghdad liên quan tới những hậu quả của một cuộc đối đầu quân sự.
"Iraq nhận được nhiều sự hỗ trợ về tài chính và những thứ khác từ Iran", ông Shavit nói, "Và vì thế nước này hạn chế trong các hành động chống lại Tehran. Iran xem Iraq như một mặt trận chiều sâu chiến lược của họ" để chống lại Mỹ.