Kỳ vọng của giới chức quân sự Israel
"Ngay sau khi chấp nhận vào trang bị, máy bay F-35 Adir sẽ hoạt động quy mô lớn ở một số mặt trận tại Trung Đông", Tư lệnh Không quân Israel, tướng Amikam Norkin tuyên bố trong buổi lễ tiếp nhận chính thức máy bay chiến đấu thế hệ 5. Lãnh đạo Không quân Israel cũng nhấn mạnh, F-35 sẽ giúp Israel giải quyết và đáp ứng "những thách thức mới xuất hiện trong khu vực".
Với việc chấp nhận máy bay F-35A vào trang bị, Không quân Israel đã trở thành lực lượng không quân đầu tiên ở Cận Đông sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
"Dù Lockheed Martin đưa ra mức giá rất cao cho máy bay F-35 dành cho Israel, nhưng bù lại chúng tôi lại được can thiệp sâu vào thiết kế của máy bay. Cùng với đó, khả năng chiến đấu của máy bay thế hệ thứ 5 này rất ấn tượng.
Trong cuộc diễn tập Red Flag 2017 diễn ra hồi tháng 2, một chiếc F-35 đã thể hiện khả năng bắn hạ tới 15 chiếc F-16, dòng máy bay chiến đấu có trong trang bị nhiều quốc gia trên thế giới", tướng A. Norkin đánh giá.
Theo quan điểm của tướng A. Norkin, dù Israel sở hữu lực lượng không quân hùng hậu, nhưng việc các quốc gia Cận Đông trong vài thập kỷ qua liên tục tăng ngân sách mua sắm quốc phòng đã làm Tel aviv mất ưu thế không quân vốn có.
Nhưng ưu thế này sẽ được khôi phục khi Israel là quốc gia đầu tiên tại Cận Đông và có thể là duy nhất trong nhiều năm tới sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35.
F-35 được trang bị công nghệ tàng hình giúp qua mặt các hệ thống ra-đa giám sát hiện đại nhất. Giới chức Không quân Israel đánh giá, F-35 có đủ năng lực để vượt qua các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300 do Liên Xô, Nga phát triển. Những tổ hợp phòng không như vậy hiện có trong biên chế Quân đội Ai Cập và Iran.
Tuy nhiên, F-35 liệu có đáp ứng được kỳ vọng của giới chức quân sự Israel hay không sẽ do kết quả thực chiến của nó xác định!
F-35I chỉ là khởi đầu…
Israel và hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin ký thỏa thuận đầu tiên liên quan tới máy bay F-35 vào năm 2011. Cụ thể, Tel aviv mua 19 máy bay F-35 với giá 145 triệu USD/máy bay. Hợp đồng này được bổ sung thêm vào năm 2014, khi Israel đặt mua thêm 14 máy bay F-35 với giá 110 triệu USD/máy bay.
Mới đây nhất là vào năm 2016, Israel hoàn thành kế hoạch mua 50 máy bay F-35 khi đạt thỏa thuận với hãng Lockheed Martin mua nốt 17 máy bay F-35 với mức giá 80 triệu USD/máy bay. Hợp đồng cả gói này sẽ hoàn thành vào năm 2024. Trong tương lai, Israel có thể nâng số lượng máy bay F-35 đặt mua lên 100 đơn vị.
Theo thông tin được công bố, 19 chiếc F-35 đầu tiên Israel đặt mua là phiên bản F-35A dành cho không quân, tương tự như loại trang bị cho Không quân Mỹ. Số máy bay F-35 còn lại sẽ là bản sửa đổi F-35I Adir theo yêu cầu của Quân đội Israel.
Biến thể F-35I Adir theo yêu cầu của Quân đội Israel.
Một trong những điều kiện quan trọng trong thỏa thuận mua máy bay F-35 của Israel với phía Mỹ là Tel aviv được phép can thiệp sâu với hệ thống điều khiển và kết cấu của máy bay. Kết quả của quá trình này là biến thể F-35I Adir (theo tiếng Hebrew là Mighty One – tạm dịch: Người mạnh nhất) ra mắt.
Trong biến thể này, hệ thống điện tử trên khoang của máy bay F-35 do Israel Elbit Systems tái trang bị lại để phù hợp với yêu cầu tác chiến và các loại vũ khí nội địa của Israel. Cơ cấu cánh của phiên bản F-35I cũng được Israel Aerospace Industries sửa đổi, nhưng không rõ quá trình này được thực hiện tại Israel hay ngay tại nhà máy của Lockheed Martin ở Mỹ.
Cùng với F-35I, giới phân tích quân sự căn cứ vào động thái gần đây của Tel aviv dự đoán, Quân đội Israel sẽ sớm đặt mua biến thể F-35B. Không giống như phiên bản F-35A và F-35I, biến thể F-35B dù có hạn chế về khối lượng cất cánh, nhưng lại có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Thiết kế của F-35B cũng phù hợp hoạt động trong điều kiện dã chiến khắc nghiệt với đường bằng không được chuẩn bị. Với Israel, thế mạnh của F-35B là khả năng đột kích để tung các đòn tấn công bất ngờ ở bất kỳ địa điểm nào. Với các loại vũ khí tấn công chính xác cao, phóng ngoài tầm phòng không do Israel tự phát triển, F-35B sẽ như "hổ thêm cánh".