Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ bàn giao dây chuyền sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên trong khuôn khổ dự án LNG 2 Bắc Cực do Novatek điều hành. Ảnh: Sputnik
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở mức kỷ lục từ Nga trong năm nay, bất chấp mục tiêu của khối này là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Theo phân tích dữ liệu ngành của Global Witness, một tổ chức phi chính phủ, trong bảy tháng đầu năm nay, Bỉ và Tây Ban Nha là những nước mua LNG lớn thứ hai và thứ ba của Nga sau Trung Quốc.
Nhập khẩu tăng vọt
Nhìn chung, nhập khẩu khí siêu lạnh của EU đã tăng 40% từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm 2021 - trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Bước nhảy vọt này xuất phát từ việc EU không nhập khẩu đủ lượng LNG trước chiến sự ở Ukraine do khối này phụ thuộc vào khí đốt thông qua đường ống của Nga.
Tuy nhiên, Financial Times cũng chỉ ra rằng, mức tăng này mạnh hơn nhiều so với mức tăng trung bình toàn cầu xét về việc nhập khẩu LNG từ Nga.
Phân tích của tổ chức Global Witness dựa trên dữ liệu từ công ty phân tích Kpler chỉ ra rằng EU đang nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn khoảng 1,7% so với thời điểm nhập khẩu năng lượng kỷ lục vào năm ngoái.
Global Witness cho biết chi phí LNG nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 7 theo giá thị trường giao ngay lên tới 5,29 tỷ euro.
Jonathan Noronha-Gant, nhà vận động nhiên liệu hóa thạch cấp cao tại Global Witness, chia sẻ: “Thật sốc khi các nước ở EU đã nỗ lực rất nhiều để loại bỏ khí đốt hóa thạch của Nga qua đường ống chỉ để thay thế nó bằng loại tương đương nhưng được vận chuyển bằng tàu.”
"Việc năng lượng đến từ đường ống hay đến từ tàu không quan trọng - bởi nó vẫn có nghĩa là các công ty châu Âu đang chuyển hàng tỷ USD tới Nga."
Ảnh: Novatek
Lo ngại phụ thuộc
Hầu hết khối lượng LNG của Nga tới châu Âu đến từ liên doanh Yamal LNG - do công ty Novatek (Nga) sở hữu phần lớn cổ phần. Các bên khác nắm giữ cổ phần gồm có TotalEnergies của Pháp, CNPC của Trung Quốc và một quỹ nhà nước Trung Quốc.
FT nhận định, cùng với việc mang lại hàng tỷ euro doanh thu cho Nga vào thời điểm EU tiếp tục thắt chặt các trừng phạt đối với Moscow, mức nhập khẩu LNG khiến EU có thể gặp khó trước bất cứ quyết định đột ngột nào của Điện Kremlin về việc cắt giảm nguồn cung giống như cách Moscow đã làm đối với khí đốt vận chuyển qua đường ống.
Bỉ nhập khẩu khối lượng lớn LNG của Nga vì cảng Zeebrugge của nước này là một trong số ít điểm trung chuyển LNG của châu Âu đón từ các tàu chở dầu phá băng được sử dụng ở vùng cao phía bắc cho đến các tàu chở hàng thông thường.
Các nhà phân tích cho biết, công ty Natology của Tây Ban Nha và Total của Pháp cũng đang tiếp tục có các hợp đồng mua số lượng lớn LNG của Nga. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách EU đã kêu gọi các công ty châu Âu không mua mặt hàng này.
Bộ trưởng năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera. Ảnh: Pool Moncloa/César P Sendra
Bộ trưởng năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết hồi tháng 3 rằng, LNG nên bị trừng phạt. Kadri Simson, ủy viên năng lượng của EU cũng bày tỏ quan điểm, khối “có thể và nên loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga càng sớm càng tốt, đồng thời vẫn lưu ý đến an ninh nguồn cung”.
Các quan chức EU đã chỉ ra nỗ lực tổng thể nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga cho tới năm 2027. Tuy nhiên các quan chức cũng cảnh báo rằng lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu LNG có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng giống năm 2022 khi giá khí đốt EU đạt mức cao kỷ lục.
Theo dữ liệu của Kpler, LNG của Nga chiếm 21,6 triệu mét khối, tương đương 16% trong tổng số 133,5 triệu mét khối LNG nhập khẩu của EU, khiến Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ 2 của khối, sau Mỹ.
Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, cho biết khả năng các chính phủ phải ra lệnh đóng cửa ngành công nghiệp vì thiếu khí đốt trong mùa đông này là “gần như bằng không”.
Tuy nhiên, ông Gloystein cũng nói thêm, EU phải cắt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt thêm 10%. "Nếu chúng ta không giảm mức tiêu thụ khí đốt một cách có hệ thống từ 10-15%, hàng năm chúng ta lại có nguy cơ tiếp tục phải chạy trong cuộc đua [về nguồn cung] này."