Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AA
UKRAINE MUỐN EU TRỪNG PHẠT NGA NẶNG HƠN
Gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu Âu EU nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực từ 21/7. "Các biện pháp gia tăng và kéo dài của EU đối với Điện Kremlin đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Moscow. Chúng tôi sẽ duy trì áp lực cao chừng nào còn cần thiết", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ trên Twitter.
Tuy nhiên, tờ Guardian (Anh) cho biết, tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra lo lắng về các động thái gia tăng của EU, nơi mối quan tâm chính trong những ngày gần đây là nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong mùa đông này.
"Vẫn chưa đủ đâu, tôi thẳng thắn nói với các đối tác của mình", ông Zelensky nói trong bài phát biểu vào đêm muộn sau khi EU phê chuẩn gói trừng phạt mới nhất. Tổng thống Ukraine cho rằng, lệnh trừng phạt của EU cần nặng hơn để Nga phải trả giá cao hơn, buộc Moscow chấp nhận giải quyết xung đột bằng phương thức hòa bình.
Gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu vàng cũng như 48 cá nhân và tổ chức khác của Nga. Nhóm G7, bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Ý, đã cấm nhập khẩu vàng của Nga nhưng điều đó giờ đây sẽ được thực thi trên toàn EU.
Theo Guardian, gói trừng phạt này được đặt biệt danh là "gói sáu rưỡi" do phạm vi hạn chế. Hôm 18/7, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo ngày càng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của khối có thể tự gây hại cho bản thân.
Có một cuộc tranh luận lớn về việc liệu các biện pháp trừng phạt thực sự có hiệu lực hay không, liệu các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng đến chúng tôi nhiều hơn Nga hay không. Một số nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng các lệnh trừng phạt là một sai lầm.
Ông Josep Borrell. Ảnh: Reuters
ANH TRỪNG PHẠT DẦU VÀ THAN NGA
London đã bổ sung dầu và than vào danh sách cấm nhập khẩu từ Nga, hãng tin RT trích dẫn thông báo dành cho các nhà xuất khẩu do Bộ Ngoại thương Anh công bố hôm 21/7.
"Sửa đổi cấm nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, than đá và các sản phẩm than, vàng và thu mua, cung cấp, giao dịch các mặt hàng này. Hạn chế cũng cấm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, cấp vốn và dịch vụ môi giới liên quan đến những mặt hàng này", thông báo viết.
Lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 10/8, trùng với ngày bắt đầu lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU. Lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12. Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga vào Anh đã được thông báo trước đó có hiệu lực vào ngày 21/7.
Năm 2021, Anh nhập khẩu than và các sản phẩm than của Nga trị giá 267 triệu USD, dầu thô trị giá 1,4 tỷ USD, sản phẩm dầu mỏ trị giá 3 tỷ USD và vàng trị giá 15 tỷ USD, theo dữ liệu của Nhật báo kinh doanh RBC (Nga).
Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với các mặt hàng này của Nga sẽ ảnh hưởng đến 80% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Anh từ Nga, trị giá 24,9 tỷ USD, theo thống kê năm 2021.
Vào tháng 4, chính phủ Anh đã cấm nhập khẩu bạc và trứng cá muối, sắt và thép từ Nga. Sau đó, London đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Nga vào cuối tháng 6, gồm nhiên liệu máy bay, sản phẩm và công nghệ liên quan đến dầu mỏ...
Thông báo mới nhất của Anh được đưa ra một ngày sau khi các nước EU nhất trí về gói trừng phạt thứ bảy nhằm vào Nga.
ĐIỆN KREMLIN NÓI VỀ LỆNH TRỪNG PHẠT
Theo hãng thông tấn Tass (Nga), trong một đoạn phỏng vấn được chiếu trên kênh truyền hình Rossiya-24 (Iran) hôm 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow đã quen với các lệnh trừng phạt từ thời Liên Xô cũ.
Điện Kremlin. Ảnh: Tass
"Điều gì không giết chết bạn sẽ càng khiến bạn mạnh mẽ hơn", người phát ngôn của Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow kỳ vọng các bước đi của EU trong lĩnh vực an ninh lương thực sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón không bị cản trở.
"Một tài liệu do Hội đồng Liên minh châu Âu thông báo kế hoạch mở rộng các biện pháp miễn trừ đối với các lệnh trừng phạt trước đó, nhằm tránh tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu. Thật không may, chúng tôi biết rằng có một khoảng cách rất lớn giữa những lý thuyết và thực tế. Chúng tôi hy vọng rằng các hành động của EU trong lĩnh vực an ninh lương thực sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và các nguyên liệu phục vụ sản xuất không bị cản trở", bà Zakharova nói.
Theo bà, các chính sách kinh tế và năng lượng của phương Tây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
BRAZIL, TRUNG QUỐC CHỈ TRÍCH LỆNH TRỪNG PHẠT VÀO NGA
Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn từ Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin, tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 ở Indonesia, nhóm các nước thuộc khối G7 đã quy kết Nga phải chịu trách nhiệm về việc tăng giá năng lượng và gián đoạn an ninh lương thực.
Phía Nga ngay lập tức phản đối, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, Brazil và Ấn Độ cũng chỉ ra, tình hình ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cảnh báo, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga sẽ gây tổn hại cho toàn thế giới.
Ông nói: "Chính trị hóa nền kinh tế toàn cầu và biến nó thành công cụ hoặc vũ khí, và áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vị thế dẫn đầu trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế sẽ chỉ gây tổn hại đến nước khác và bản thân họ, cũng như gây tổn thương cho toàn thế giới".