Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Ảnh: Sputnik
EU cáo buộc cựu Tổng thống Ukraine đóng vai trò trong việc "làm suy yếu hoặc đe dọa đến sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền và sự độc lập của Ukraine", cũng như "sự ổn định và an ninh" của nước này.
Hội đồng châu Âu không nêu chính xác lý do ông Yanukovich bị đưa vào danh sách trừng phạt mà thay vào đó chỉ gọi ông là "một người ủng hộ Nga". Con trai ông bị cáo buộc "tiến hành các giao dịch với các nhóm ly khai" ở Donbass.
Trước đó, những người có quốc tịch Ukraine duy nhất bị EU trừng phạt là những người làm việc trong các vị trí của chính quyền tại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát được sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ngày 24/2.
Ông Yanukovich đã nhận tị nạn ở Nga sau cuộc đảo chính ở Ukraine vào tháng 2/2014. Năm 2019, tòa án của Ukraine đã tuyên án vắng mặt đối với cựu Tổng thống Yanukovich 13 năm tù vì tội phản quốc. Vào thời điểm đó, ông Yanukovich đã đổ lỗi cho các nhà chức trách Ukraine khi "gây sức ép chưa từng có" lên tòa án và nói rằng quyết định này không có ý nghĩa về mặt luật pháp.
Vào tháng 3 năm nay, một số hãng truyền thông Ukraine đưa tin, Nga đang lên kế hoạch tái bổ nhiệm ông Yanukovich làm Tổng thống Ukraine, song không đưa ra bằng chứng cho nhận định này.
EU cũng từng nhắm vào ông Yanukovich và con trai ông trước đó. Vào tháng 3/2021, Hội đồng châu Âu mở rộng các hạn chế cá nhân áp đặt lên họ từ năm 2014 và đóng băng tài sản của họ. Dù vậy, cựu Tổng thống Ukraine đã giành chiến thắng trong phiên tòa chống lại Hội đồng châu Âu vào tháng 6 năm đó.
Ông Yanukovich vẫn chưa bình luận về quyết định mới nhất của EU.
Hầu hết những người bị phương Tây áp trừng phạt là các chỉ huy quân sự và chính trị gia Nga cũng như những doanh nhân mà phương Tây cho là có quan hệ gần gũi với điện Kremlin cùng gia đình họ./.