Trong bài trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha đăng tải ngày 5/11, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh thực trạng quan hệ Nga-EU hiện nay không thể coi là "bình thường".
Ông Lavrov cáo buộc các quan chức quan liêu của Brussels do thiển cận đã theo "chỉ thị" trực tiếp từ Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và "đóng băng" phần lớn các cơ chế đối thoại hợp tác thực tế vốn rất hiệu quả.
Theo nhà ngoại giao Nga, các biện pháp trừng phạt Nga gây thiệt hại hơn 100 tỷ euro cho EU, trong khi Mỹ không bị thiệt hại gì. Do đó, đã đến lúc các chính trị gia châu Âu cần hiểu rằng những hành động đơn phương nói trên không có lợi cho Nga lẫn EU.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Moskva đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trả đũa, tuy nhiên EU phải có hành động tương tự trước.
Đề cập đến quan hệ với phương Tây nói chung, ông Lavrov khẳng định Nga luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây, xây dựng mối quan hệ dựa trên những nguyên tắc luật pháp quốc tế, tôn trọng và chú ý đến lợi ích của nhau.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến Nga và phương Tây bất đồng do một số quốc gia bằng mọi giá duy trì vị thế lãnh đạo của mình trên trường quốc tế, tiếp tục áp đặt "ý chí chính trị" của mình cho các nước khác, cũng như "giải quyết những vấn đề ích kỷ của mình" gây phương hại cho các thành viên cộng đồng quốc tế khác.
Theo ông, tâm lý này đang rất mạnh trong giới quyền uy chính trị ở Washington, nơi vẫn ngoan cố từ chối thừa nhận những thực tế khách quan của trật tự thế giới đa trung tâm đang hình thành, luôn coi Mỹ là bá quyền lãnh đạo, tất cả các nước còn lại phải làm theo "sắc lệnh" của Washington.
Theo Ngoại trưởng Nga, thế lực này cũng coi chính sách đối ngoại độc lập, lập trường tự chủ về những vấn đề then chốt thời đại là mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung.
Do đó, Ngoại trưởng Nga cho rằng phương Tây làm đủ mọi cách để chống phá, từ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương, tăng cường hoạt động quân sự sát biên giới Nga, đến chiến dịch thông tin quy mô lớn chưa từng có tiền lệ.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kể từ năm 2014 sau khi xảy ra các sự kiện tại Ukraine dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông và sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea nên áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Moskva cũng đã áp đặt nhiều biện pháp trả đũa khiến các doanh nghiệp châu Âu bị thiệt hại nặng. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều quốc gia thành viên EU lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.
Link bài gốc tại đây.