EU sẽ “phớt lờ” kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan, kết nạp Ukraine?

Đức Dũng |

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan cho thấy hiệp định liên kết với EU của Ukraine sẽ không thể được phê duyệt.

Brussels, London, Paris và Berlin đã bày tỏ sự thất vọng của mình và dường như chỉ có Litva sẵn sàng đứng ra cứu Ukraine.

Vậy trưng cầu dân ý ở Hà Lan sẽ có những tác động như thế nào đến Ukraine?

Hiệp ước liên kết giữa châu Âu và Ukraine “không thể được phê chuẩn vào thời điểm hiện tại”- đại diện của Chính phủ Hà Lan đã bình luận như vậy sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về khả năng đưa Ukraine gia nhập EU được công bố.

Dù kết quả chính thức cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan sẽ chỉ được công bố vào ngày 12/4 nhưng theo hãng thông tấn Hà Lan BNO News, kết quả bỏ phiếu trên toàn Hà Lan cho thấy khoảng 61,1% phản đối kế hoạch trên và chỉ có 38,1% ủng hộ.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng khá thấp, chỉ đạt 32,2%, quá ngưỡng 30% một chút.

Như vậy, tuyên bố của đại diện Chính phủ Hà Lan hoàn toàn không gây bất ngờ. Dù đại diện Chính phủ Hà Lan vẫn cho rằng đó chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng nó cho thấy nguyện vọng của người dân Hà Lan là phản đối kế hoạch đưa Ukraine gia nhập EU.

“Nếu như kết quả chính thức vẫn đúng như kết quả sơ bộ thì chúng tôi không thể phê chuẩn các hiệp ước liên kết với Ukraine.

Đây không phải là quan điểm chính trị của cá nhân tôi. Rõ ràng những người phản đối (đưa Ukraine gia nhập EU) đã giành chiến thắng.

Quá trình tiếp theo sẽ diễn ra theo từng bước một. Ban đầu, Chính phủ Hà Lan sẽ thảo luận về kết quả trưng cầu dân ý, sau đó là các cuộc tư vấn ở cấp độ Quốc hội và các cuộc tư vấn với các thành viên EU.

Điều này đỏi hỏi phải có thời gian hàng tuần chứ không phải hàng ngày”- Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh trên facebook cá nhân của mình.


Thủ tướng Hà Lan Rutte.

Thủ tướng Hà Lan Rutte.

Brussels bắt đầu gây áp lực

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á-Âu của Nga Vladimir Kornilov, nếu như Chính phủ Hà Lan thực hiện những gì như kết quả trưng cầu dân ý thì EU sẽ thực hiện các bước gây áp lực lên Thủ tướng Rutte.

“Theo những gì tôi biết thì việc gây áp lực đã được bắt đầu. Thủ tướng Rutte đang bắt đầu phải gánh chịu các áp lực từ giới truyền thông và một số chính trị gia khác.

Một số đối tác bên ngoài đã bắt đầu kêu gọi chính phủ Hà Lan hủy bỏ kết quả trưng cầu dân ý. Theo cách hiểu của một số chính trị gia, đây là một hình thức dân chủ”- Konilov mỉa mai.

Tuy nhiên, theo Kornilov, chính bản thân Thủ tướng Rutte đã tuyên bố về việc cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan đã được tổ chức đúng luật.

Điều này đồng nghĩa với việc quá trình phê chuẩn hiệp ước liên kết với EU của Ukraine sẽ không thể được tiếp tục triển khai.

Điều gì tiếp theo?

Theo Kornilov, nếu như Chính phủ Hà Lan ngừng thực hiện quá trình phê chuẩn hiệp ước liên minh của Ukraine thì hiệp ước này sẽ không có hiệu lực và việc áp dụng tạm thời hiệp ước này sẽ phải dừng lại.

“Nếu như một trong số 28 quốc gia thành viên EU từ chối phê chuẩn hiệp ước này thì điều đó có nghĩa là tất cả thành viên EU đều từ chối. Đây là nguyên tắc của EU.

Các chính trị gia Ukraine vẫn đang tự động viên mình rằng Hà Lan bằng một cách nào đó sẽ bị loại khỏi tiến trình phê chuẩn hiệp ước, ví dụ như việc phê chuẩn hiệp ước về khu vực tự do mậu dịch cũng không cần đến sự đồng ý của Hà Lan hay quốc gia EU nào đó.

Tuy nhiên đó chỉ là chuyện cổ tích. Vì vậy, việc phê chuẩn một hiệp ước về quan hệ liên minh đòi hỏi phải có sự thống nhất, được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn”- Kornilov nhấn mạnh.

Như vậy, nếu Chính phủ Hà Lan nhất quán và tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý thì Chính phủ Ukraine và EU sẽ lại phải bắt đầu lại quá trình ký kết thỏa thuận, tìm kiếm các con đường mới nên vấn đề đưa Ukraine khi đó sẽ bị trì hoãn thêm nhiều năm nữa.

Theo Kornilov, nhiều khả năng Mỹ sẽ không “khoanh tay ngồi nhìn”. Điều này thể hiện qua tuyên bố của nhiều chính trị gia Mỹ về việc hiệp định liên minh giữa Ukraine và EU “dù sao vẫn phải hoạt động”.

“Việc gây áp lực lên Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hoàn toàn có thể được thực hiện và thực tế các áp lực đã được bắt đầu. Tuy nhiên, Mark Rutte cũng phải tính đến các áp lực từ bầu cử.

Các đảng phái chính trị ở Hà Lan đã bắt đầu thực hiện các chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội Hà Lan (bầu cử năm 2017). Chính vì vậy, sự tín nhiệm của cử tri là rất quan trọng với từng chính trị gia.

Tôi không nghĩ rằng Rutte sẽ chấp nhận mạo hiểm vì lực lượng đối lập có thể lập đổ ông ấy bất cứ lúc nào” - Kornilov dự đoán tình hình.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Fedor Lukianov thuộc Câu lạc bộ Valdai cho rằng kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào lên các hiệp ước liên kết giữa Ukraine với EU.

“Nếu như Hà Lan từ chối phê chuẩn hiệp ước này người ta sẽ tìm cách nào đó để thúc đẩy việc thực hiện hiệp ước này. Bản thân cuộc trưng cầu dân ý này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng”- Lukianov đánh giá.

Dù mang “ý nghĩa tượng trưng” nhưng cuộc trưng cầu dân ý này thực sự là đòn đánh mạnh vào uy tín chính trị của EU vì “nó cho thấy sự không hài lòng của người dân Hà Lan với các chính sách của EU”.

Tuy nhiên, Lukianov cũng cho rằng châu Âu sẽ không thể gây áp lực lên Chính phủ Hà Lan vì “Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên sáng lập nên EU.

Hà Lan là thành viên của tất cả các hiệp ước từ năm 1951. Thực tế EU cho thấy việc gây áp lực nào đó chỉ có thể được thực hiện với các thành viên mới được kết nạp vào EU hoặc các quốc gia nhỏ không có ảnh hưởng đáng kể nào trong EU.

Đã có một số trường hợp phải tổ chức lại các cuộc trưng cầu dân ý (như ở Đan Mạch, Ireland) để có thể đưa ra một quyết định hợp lý.

Tuy nhiên, đây không phải tiền lệ để áp dụng đối với trường hợp của Hà Lan nếu không muốn tình hình trở nên phức tạp hơn”.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko

EU sẽ vẫn “phớt lờ” kết quả trưng cầu dân ý Hà Lan?

Mặc dù vậy, khả năng các “ông lớn” của EU như Đức và Pháp sẽ “phớt lờ” kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan là không nhỏ nếu như phân tích kỹ các phát biểu của giới lãnh đạo Pháp và Đức.

Tổng thống Pháp F.Hollande, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên sau Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức, đã tuyên bố rằng “Cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan chỉ mang tính chất tham khảo.

Châu Âu sẽ tuân thủ những gì liên quan đến hiệp ước này và chúng tôi, Pháp và Đức sẽ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ “Đối thoại Normady” – chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và tuân thủ các nghĩa vụ của chúng tôi đối với hiệp ước liên minh”.

Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ lo ngại về khả năng kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan sẽ có “các tác động tiêu cực” đến cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 tới tại Anh về việc “ra khỏi hay ở lại EU” của Anh.

Ông Cameron cũng bày tỏ quan điểm của Anh trong việc ủng hộ thực hiện hiệp ước liên minh giữa Ukraine với EU mà không cần tính đến kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan.

Trong khi đó, theo đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu Margaritis Shinas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng không che dấu sự thất vọng đối với kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan và cho biết sẽ nỗ lực để tiếp tục thực hiện hiệp ước này.

Litva được cho là quốc gia sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc đưa Ukraine thực hiện hiệp ước liên kết với EU.

Tổng thống Litva Dalia Gribauskaite đã lên tiếng khẳng định: “Không ai có thể cản trở con đường gia nhập EU của Ukraine vì Ukraine đã và đang luôn luôn là thành viên của châu Âu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại