Nguồn tin của Bloomberg cho biết, EU sẽ loại bỏ nhiều ngân hàng của Nga và Belarus ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong đó bao gồm cả ngân hàng Sberbank, nguồn tin giấu tên cho biết.
Trước đó, Mỹ và Anh cũng đã áp các lệnh trừng phạt đối với Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga.
Được biết, quyết định về các lệnh trừng phạt mới này có thể sẽ sớm được đưa ra vào tuần tới trong cuộc họp của các đại sứ khối này. Đây sẽ là gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga kể từ sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Các lệnh trừng phạt của EU yêu cầu phải được 27 quốc gia thành viên thông qua. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Hungary vẫn phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu Nga.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ lâu vốn phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu và khí đốt của Nga, nhưng mới đây đã bất ngờ "quay xe" tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận dầu Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF rằng Berlin sẽ không cản trở lệnh cấm vận dầu mỏ, nhưng bày tỏ đó là phương tiện hiệu quả nhất để gây tổn hại cho Tổng thống Vladimir Putin.
Ngoại trưởng Đức Baerbock hôm 21/4 thông báo nước này sẽ dừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay như một phần trong nỗ lực thoát phụ thuộc năng lượng Nga. Nga chiếm khoảng 35% nguồn nhập khẩu dầu và 55% nguồn nhập khẩu khí đốt của nước này. Giới chức Đức trước đó cũng đề xuất mục tiêu tới giữa năm 2024 có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.
Sự thay đổi của Đức có thể làm tăng khả năng các nước EU sẽ đồng ý về lệnh cấm vận theo từng giai đoạn với dầu mỏ Nga.
Dòng chảy dầu thô của Nga đến Châu Âu đã giảm, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Bloomberg cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga sẽ tác động đáng kể đến nguồn thu của Nga vì EU là khách hàng tiêu thụ lớn nhất đối với dầu thô và các nhiên liệu của Nga. EU nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu cả khối nhập khẩu. Năm 2019, gần 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu của khối này đến từ Nga.
Để cắt giảm doanh thu từ dầu thô của Nga, các biện pháp khác đã được thảo luận bao gồm áp mức giá trần, đặt cơ chế thanh toán đặc biệt và áp đặt thuế quan. Belarus cũng sẽ được đưa vào lệnh cấm này.
Cuộc thảo luận trừng phạt dầu Nga diễn ra trong bối cảnh EU và Moscow đang có những bất đồng về việc thanh toán nhập khẩu khí đốt. Trước đó, Tổng thống Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, nếu không sẽ "khóa van" cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, EU cho rằng yêu cầu này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của khối.
Mới đây, Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt nguồn cung khí đốt do không tuân thủ điều khoản thanh toán mới của Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, các quốc gia khác vẫn tự tin họ có thể giữ cho dòng khí đốt được lưu thông.
Theo Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Khí sạch, EU đã nhập khẩu khoảng 44 triệu euro (46 triệu USD) các nhiên liệu hóa thạch từ Nga kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra. EU cũng đang xem xét xử lý dầu vận chuyển qua tàu chở dầu và qua đường ống theo nhiều cách khác nhau, với việc xử phạt sau này sẽ dễ dàng hơn.
Các biện pháp này nhằm đạt được doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga càng nhiều càng tốt mà không dẫn đến bất ổn trên thị trường toàn cầu. Giá dầu tăng đột biến có thể thúc đẩy thu nhập mà Moscow nhận được từ việc bán hàng thay vì coi đó là một sự trừng phạt.
Ngoài ra, theo nguồn tin, các đề xuất khác được thảo luận như một phần của gói trừng phạt mới bao gồm hạn chế dịch vụ tư vấn và các dịch vụ dựa trên đám mây, cũng như mua bất động sản. Bên cạnh đó, EU cũng có thể trừng phạt thêm nhiều cá nhân bao gồm các quan chức quân đội, giới tài phiệt Nga và những người có liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.