EU lên kế hoạch chặn Trung Quốc, Mỹ thâm nhập ảnh hưởng kinh tế

Hoài Thanh |

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng hộ trước các công ty nước ngoài được chính phủ trợ cấp. Đây là bước đi đánh dấu nỗ lực đột phá của khối nhằm khẳng định “quyền tự trị chiến lược” trước Trung Quốc và Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế của EU.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/6 đã đưa ra các đề xuất để xử lý vấn nạn mà tổ chức này coi là bóp méo thị trường, khởi nguồn từ các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp.

Kế hoạch mới hướng đến mục tiêu ngăn chặn công ty nước ngoài có các khoản trợ cấp, vay, ưu đãi thuế hay các hình thức trợ cấp nhà nước khác mua lại doanh nghiệp hoặc cạnh tranh hợp đồng với các công ty trong EU.

Nhiều nhà quan sát cho rằng bước đi này nhằm vào các công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty Mỹ.

Những đề xuất hạn chế này được đưa ra sau khi một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Italy, thắt chắt hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ các công ty trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, không để số này rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ. Ý tưởng này cũng phù hợp với bước thay đổi quan điểm trong vài năm gần đây của EU trước Trung Quốc - nước được khối xem là một đối thủ kinh tế, chính trị.

Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch EC phụ trách chính sách cạnh tranh và kĩ thuật số, cho rằng EU cần có các công cụ phù hợp để bảo đảm trợ cấp nước ngoài không bóp méo thị trường khối. EU có kiểm soát và minh bạch với trợ cấp nhà nước, nhưng liên quan trợ cấp nước ngoài hiện vẫn chưa có biện pháp kiểm soát.

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày mức độ lệ thuộc của EU vào hàng hóa y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, khi mà nhiều nước trong khối nháo nhào tìm kiếm nguồn cung khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, thậm chí áp dụng biện pháp chưa có tiền lệ về cấm xuất khẩu các mặt hàng này để bảo đảm nguồn cung trong nước. Chính điều này đã thúc đẩy giới chức EU suy tính lại về chính sách đầu tư ở châu Âu.

“Sân chơi công bằng tại một thị trường đơn nhất là điểm cốt lõi trong sáng kiến này. Đề án sẽ giúp các công ty của EU hoạt động và cạnh tranh toàn cầu, từ đó thúc đẩy quyền tự trị kinh tế mở của EU”, ông Thierry Breton - ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp - bày tỏ quan điểm.

Trong ngày 15/6, EC đã áp dụng biện pháp chưa có tiền lệ khi áp thuế trừng phạt đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc có cơ sở đặt bên ngoài đại lục. Hai công ty sản xuất sợi quang có nhà may đặt tại Ai Cập thuộc quyền sở hữu của hai tập đoàn Trung Quốc là Jushi và Zhejiang Hengshi Fiberglass Fabrics được xác định là đã nhận được trợ cấp nhà nước để hạ giá thành cạnh tranh trước các công ty châu Âu.

Giới chức EU khẳng định, công cụ mới không nhắm đến một nước hay một hình thức trợ cấp riêng biệt nào. Các hình thức trợ cấp khác của Trung Quốc với các công ty nội địa cũng sẽ bị kiểm soát như là trợ cấp tài chính, ví dụ như bảo lãnh vay vốn – điều sẽ làm lợi cho các công ty Mỹ.

Theo đề xuất mới, EC sẽ đảm nhận điều phối hợp tác với các cơ quan đặc trách cạnh tranh của các nước thành viên để rà soát bất kỳ công ty nước ngoài nào có dấu hiệu dựa vào trợ cấp nhà nước để tạo ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh của châu Âu.

Nếu bị phát hiện có hành vi bóp méo thị trường, các công ty nước ngoài sẽ buộc phải trả lại trợ cấp, bán tài sản hoặc cho phép các công ty của EU tiếp cận công nghệ được cấp phép. EU và cơ quan đặc trách cạnh tranh từng nước đều có thẩm quyền yêu cầu cung cấp tài liệu và xử phạt các công ty không tuân thủ.

Hoạt động mua bán, sáp nhập từ các công ty nước ngoài có trợ cấp nhà nước cũng được kiểm soát chặt hơn. Theo đó, bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vòng ba năm trước khi mua bán, sáp nhập mà đã nhận trợ cấp nhà nước bên ngoài EU đều phải thông báo cho EC.

Cơ quan này sau đó sẽ quyết định để các bên hoàn tất thương vụ này, hay sẽ phải cần thêm một số điều kiện khác – ví như áp đặt quy định về thoái vốn. Yêu cầu này sẽ được áp dụng với các thương vụ mua bán, sáp nhập có trị giá từ 100 triệu euro (112 triệu USD) trở lên.

Một lĩnh vực khác cũng được EU điều chỉnh, đó là mua sắm công. Theo đề xuất mới, EC sẽ bịt lỗ hổng hiện tại về cho phép các công ty nước ngoài được nhà nước hậu thuẫn thắng thầu trước các doanh nghiệp châu Âu một khi họ có giá bỏ thầu thấp hơn. Biện pháp kiểm soát này sẽ được áp dụng cho các dự án của quốc gia và dự án do EU tài trợ vốn.

Những đề xuất mới sẽ phải được chính phủ các nước thành viên EU thông qua. Nhưng một số quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Italy trong vài tuần trở lại đây đều phát đi những ý kiến tương tự, ngầm cho thấy dự thảo quy định mới có thể sớm thành hiện thực và EC có kế hoạch thông qua dự luật vào năm 2021.

Phát ngôn viên Phái đoàn Trung Quốc tại EU bày tỏ, chính quyền Bắc Kinh hy vọng biện pháp mới của EU sẽ không tính đến việc “tạo dựng rào cản thương mại mới dưới vỏ bọc trợ cấp”. Nhân vật này cho rằng, tại thời điểm các quốc gia đang hợp sức chống COVID-19, EU cần tránh phát đi những tín hiệu tiêu cực đối với thế giới bên ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về đề xuất mới của EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại