EU dần cạn kiệt kho vũ khí, Ukraine chuyển sang phụ thuộc vào Mỹ

Mai Trang |

Khi thế giới sắp bước sang năm 2023 và cuộc xung đột ở Ukraine trải qua hơn 10 tháng, EU đã thể hiện sự đoàn kết trong việc hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga nhưng đồng thời cũng là sự phụ thuộc của khối vào Mỹ.

Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao. Ảnh: AFP

Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao. Ảnh: AFP

Xung đột Nga – Ukraine đào sâu sự phụ thuộc Mỹ của EU

Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây đã không thể ngăn các quốc gia EU hỗ trợ Ukraine, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các quốc gia EU đã liên tục cung cấp viện trợ cho Kiev.

Trong những ngày tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một dự luật chi tiêu bao gồm khoản viện trợ gần 45 tỷ USD cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ một lần nữa nhấn mạnh vai trò của nước này trong việc viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine và kiềm chế Nga.

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU gần đây đã cam kết chi thêm hàng tỷ euro để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột, nhưng họ vẫn chú ý đến những tín hiệu từ Mỹ về các câu hỏi trọng tâm trong những tháng tới của cuộc xung đột, như Ukraine cần bao nhiêu vũ khí để giành lại vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát?

Phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đến mức độ nào có thể gây nguy cơ leo thang căng thẳng? và Ukraine nên cân nhắc những thỏa hiệp nào nếu không thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga?

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng, bằng cách cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng cho EU, ông có thể làm suy yếu cam kết giúp đỡ Ukraine của các nước châu Âu.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine là sự kiện nổi bật mới nhất xảy ra ở trong châu Âu trong 15 năm qua, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến những thách thức của làn sóng di cư ồ ạt, việc Anh rời khỏi EU và đại dịch Covid-19. Các nước EU thường bị chia rẽ nghiêm trọng trong các cuộc khủng hoảng trước đó, khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về sự ổn định của khối khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.

Theo Wall Street Journal, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy nguồn lực quân sự của châu Âu đang ở mức thấp sau 3 thập kỷ cắt giảm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Dự trữ vũ khí và đạn dược tương đối hạn chế của các nước châu Âu đã khiến Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quân sự của Mỹ.

Hàng tỷ euro viện trợ tài chính EU cam kết chuyển cho Ukraine đã phần lớn chưa thể hoàn thành trong năm nay do tranh cãi về cách chi trả khoản viện trợ này, khiến Ukraine phải phụ thuộc vào Mỹ về hỗ trợ ngân sách dân sự.

Vào đầu tháng 12, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy châu Âu phụ thuộc vào Mỹ trong đảm bảo an ninh của chính mình.

"Tôi phải thành thật rằng châu Âu hiện không đủ mạnh. Chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu không có Mỹ", bà nhận định, đồng thời kêu gọi châu Âu gia tăng năng lực phòng thủ, bao gồm tăng cường sản xuất vũ khí.

Thủ tướng Phần Lan nói thêm, bà đã trao đổi với nhiều chính trị gia ở Mỹ, những người đều bày tỏ quan điểm rằng châu Âu nên tăng cường sức mạnh.

"Mỹ đã cung cấp rất nhiều vũ khí, rất nhiều viện trợ tài chính, rất nhiều viện trợ nhân đạo cho Ukraine và châu Âu vẫn chưa đủ mạnh. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang củng cố những năng lực đó khi nói đến khả năng phòng vệ của châu Âu, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu".

Giới hạn của Mỹ trong viện trợ cho Ukraine

Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 21/12, Tổng thống Joe Biden đã công bố đợt viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine. Đợt viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất này của Mỹ dành cho Ukraine sẽ mở rộng khả năng của quân đội Ukraine và giúp Kiev tiếp tục thực hiện các cuộc phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.

Tuy nhiên, dường như đây vẫn chưa phải là những gì Ukraine mong muốn nhất. Washington vẫn do dự trong việc gửi xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa chính xác tầm xa cho Kiev.

Nhiều quan chức Mỹ, cũng như một số quan chức Pháp và Đức, cho rằng Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy lùi hoàn toàn quân đội Nga nếu thiếu sự hỗ trợ quân sự của NATO. Tuy nhiên, việc NATO đổ vũ khí vào Ukraine có thể gây ra nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã thúc giục Ukraine cân nhắc đàm phán, khiến giới chức Kiev không hài lòng vì tin rằng họ có thể giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn nữa.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã chỉ ra sự hoài nghi ngày càng tăng trong các thành viên đảng Cộng hòa về chi tiêu quân sự cho Ukraine.

Các đồng minh Đông Âu và Bắc Âu của Ukraine lo ngại rằng sự thận trọng của chính quyền Tổng thống Biden về việc trang bị vũ khí mạnh hơn cho Ukraine, trong bối cảnh châu Âu đang có kho vũ khí hạn chế, có thể khiến Ukraine khó đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng Nga.

Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết, mục tiêu của các đồng minh phương Tây phải là "khôi phục hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", cũng như hạn chế khả năng đe dọa các nước láng giềng của Nga. "Bất kỳ mục tiêu nào khác đều gây nguy hiểm cho cả Ukraine và EU".

"Chúng ta cần tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột này. Hỗ trợ hạn chế sẽ khiến nước này gặp khó khăn", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại