Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU ngày 17/10. Ảnh: ec.europa.eu
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 18/10, Hội đồng Đối ngoại châu Âu đã quyết định thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU tại Ukraine (EUMAM Ukraine). Đặc biệt, với sự giúp đỡ của phái bộ này, quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện cách xử lý vũ khí do phương Tây cung cấp cho Kiev.
Đây được cho là thay đổi lớn trong hoạt động của Liên minh châu Âu. Do cuộc xung đột Ukraine - Nga, EU đang ngày càng chuyển đổi từ một tổ chức phi quân sự sang một liên minh giải quyết các vấn đề quốc phòng, không dựa vào NATO và Mỹ như trước đây.
Tại Luxembourg, nhiều quyết định quan trọng đã được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại châu Âu. Cụ thể, ngày 17/10, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí thành lập phái bộ EUMAM Ukraine với sứ mệnh hỗ trợ quân sự để đào tạo 15.000 nhân viên Ukraine tại các quốc gia thành viên khác nhau.
Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết: "Hôm nay chúng tôi tăng cường hỗ trợ Ukraine tự bảo vệ mình. Phái đoàn hỗ trợ quân sự của EU sẽ huấn luyện Lực lượng vũ trang Ukraine để họ có thể tiếp tục chiến đấu". Kế hoạch này có nghĩa là cả tân binh và nhân viên chuyên môn của Ukraine sẽ được đào tạo ở EU trong hai năm tới.
Ý tưởng về Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU lần đầu tiên được ông Borrell đưa ra hồi tháng 8 theo yêu cầu từ Ukraine. Một nhà ngoại giao EU mô tả kế hoạch này là "hoàn toàn mới và rất quan trọng".
Thông cáo chung sau cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU cho biết: "Mục đích của nhiệm vụ là giúp tăng cường khả năng của Lực lượng vũ trang Ukraine trong tiến hành các hoạt động quân sự một cách hiệu quả nhằm cho phép Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình trong các biên giới được quốc tế công nhận, thực hiện hiệu quả chủ quyền của mình và bảo vệ dân thường".
Một số quốc gia EU đã hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng Ukraine trên cơ sở song phương mặc dù điều này dường như chỉ hạn chế trong đảm bảo phía Ukraine có thể vận hành các thiết bị quân sự mà các quốc gia thành viên EU này viện trợ.
Nhưng với phái bộ mới trên, hỗ trợ quân sự của EU được thiết lập để mở rộng phạm vi đào tạo với cơ cấu chỉ huy rõ ràng, đồng thời điều phối cung và cầu giữa Ukraine và các nước EU cũng như với các đối tác và đồng minh khác đã đào tạo cho quân đội Ukraine như Canada, Anh và Mỹ.
Hoạt động của phái bộ sẽ thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) tại Brussels và phái bộ sẽ mở cửa cho các quốc gia thứ ba tham gia.
Hiện vẫn chưa rõ EU sẽ cung cấp nhân sự, giảng viên và hình thức huấn luyện cũng như cách thức, địa điểm để quân đội Ukraine ra vào EU như thế nào. Số lượng quân đội Ukraine được huấn luyện cũng có thể tăng lên.
Chẳng hạn, Anh đã huấn luyện 10.000 quân Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào ngày 24/2 và đang cung cấp các căn cứ không quân để Canada thực hiện huấn luyện riêng cho 10.000 quân Ukraine khác. Huấn luyện của Mỹ cho Ukraine diễn ra ở Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu cuối tuần trước đã thông báo rằng nước này sẽ huấn luyện khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine.
"Ireland có các chương trình kỹ năng thích hợp mà tôi nghĩ có thể hữu ích về mặt huấn luyện, đặc biệt là về kiểm soát chất nổ, chống thiết bị nổ tự chế IED. Có rất nhiều, hàng nghìn quả mìn được rải trên khắp Ukraine, mà tôi nghĩ là Ireland có thể là một phần trong việc giúp huấn luyện quân đội Ukraine để đối phó một cách an toàn", Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết.
Nhiệm vụ hỗ trợ quân sự của EU dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 100 triệu euro trong hai năm.
Các bộ trưởng ngoại giao EU cũng đã thông qua giải ngân đợt thứ sáu nguồn vốn từ Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF). Trước đây, EPF chủ yếu chi trả cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của EU ở châu Phi. Số tiền 500 triệu euro bổ sung này sẽ đưa tổng kinh phí viện trợ cho Ukraine thông qua EPF - để Kiev mua vũ khí - lên tới 3,1 tỷ euro. Trong số 500 triệu, khoảng 490 euro dành cho việc mua, bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị quân sự do EU cung cấp cho Ukraine.
Như vậy, EU, chứ không chỉ NATO hay các nước châu Âu riêng lẻ, tham gia trực tiếp và chính thức vào hoạt động hỗ trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine. Vladimir Schweitzer, Trưởng phòng nghiên cứu chính trị và xã hội tại Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bình luận rằng việc thành lập phái bộ EUMAM Ukraine ở một mức độ nhất định sẽ thay đổi phương thức hoạt động của EU từ kinh tế, vốn là hướng đi chính của EU, sang thành phần quân sự-chính trị.
Mặc dù đây là một thay đổi rất quan trọng trong hoạt động của tổ chức này nhưng không thể gọi là bước đột phá hoàn toàn mang tính cách mạng. “Trên thực tế, đã có một liên minh quân sự thống nhất các quốc gia châu Âu. Không thể tách NATO và EU. Cả hai tổ chức đều bao gồm các quốc gia về cơ bản là giống nhau", ông Schweitzer kết luận.