Ảnh minh họa: Expats
Cộng hòa Séc, quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên EU cho biết kế hoạch cắt giảm sử dụng khí đốt Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được thông qua và dự kiến có hiệu lực vào đầu tuần tới. Nội dung đạo luật thực thi kế hoạch này sẽ được đăng tải vào đầu tuần và có hiệu lực sau một ngày công bố.
Thỏa thuận này cũng đề nghị toàn bộ các quốc gia EU tự nguyện cắt giảm 15% khí đốt vào mùa đông tới. Quy định trong thỏa thuận cũng có thể có hiệu lực bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, tuy nhiên sẽ có một số điều khoản mở cho một số quốc gia và ngành cụ thể. Tất cả các quốc gia ngoại trừ Hungary và Ba Lan đã thông qua luật này. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ cần sự ủng hộ tối thiểu 15 quốc gia trở lên để có thể được triển khai.
Hungary - quốc gia đang đàm phán để mua thêm khí đốt từ Nga là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận vào tuần trước và đặt nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của các quy tắc của EU cũng như cảnh báo những ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng của các quốc gia.
Ba Lan cũng phản đối đạo luật này cho dù đã ủng hộ thỏa thuận vào tuần trước. Ba Lan cho rằng đạo luật này được đưa ra vẫn còn những điểm khiếm khuyết về cơ sở pháp lý và cho biết các quyết định này sẽ ảnh hưởng đến việc phối kết hợp năng lượng của các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan cũng cho biết ý tưởng áp đặt giới hạn khí đốt đối với các nước là "hoàn toàn đi ngược lại về an ninh năng lượng và vấn đề dân chủ".
Ủy ban châu Âu cũng đang khẩn trương đánh giá khả năng áp dụng mức giá trần khí đốt tuy nhiên vẫn chưa làm rõ hình thái mức giá trần này được thực hiện như thế nào. Trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Nga đã cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho EU. Kể từ đó tới nay, Moscow đã cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu, khiến các quốc gia thành viên EU đang gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông tới./.