Trên danh nghĩa chính thức thì không phải nhưng trong thực chất thì cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp diễn ra ngày 16/4 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc thăm dò dư luận trong toàn thể dân chúng nước này về uy tín cá nhân đương kim tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Tất cả 18 điểm sửa đổi được đưa ra để cử tri xứ Thổ quyết định đều xoay quanh sự lựa chọn giữa dành cho hay không dành cho vị tổng thống này gần như tất cả quyền hành nhà nước, hành pháp mà kiểm soát được tư pháp và chi phối cả lập pháp. Những sửa đổi này sẽ có hiệu lực đầy đủ từ sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.2019.
Chỉ cần đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống này, ông Erdogan có thể cầm quyền tới tận năm 2029 và về lý thuyết có thể đến tận cuối đời. Cứ từ những gì ông Erdogan đã làm từ trước tới nay để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này bằng mọi giá sẽ thấy vị tổng thống hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ rồi đây cũng sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để tiếp tục trị vì xứ này lâu dài.
Tham vọng của ông Erdogan là đi vào lịch sử đất nước này ở thời điểm 100 năm này lập quốc - năm 2023 - với vị thế và được công nhận còn vĩ đại hơn cả người đã khai sinh ra nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại Mustafa Kemal Ataturk.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Erdogan ăn mừng chiến thắng. Ảnh: CNN
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý làm ông Erdogan hài lòng vì đã đưa ông đến bến bờ của mong ước, nhưng vị đắng của chiến thắng lại rất đậm đặc đối với ông khi phe ủng hộ sửa đổi hiến pháp chỉ hơn phe không ủng hộ không nhiều, cụ thể là 51,41 % so với 48,59%.
Như thế có nghĩa là gần một nửa cử tri Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý tập trung quyền lực vào tổng thống Erdogan. Như thế có nghĩa là nội bộ xã hội phân rẽ rất sâu sắc và bất đồng quan điểm rất nghiêm trọng.
Người biểu tình phản đối kết quả trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
Vì những sửa đổi hiến pháp này đi ngược với những nguyên tắc và định hướng được ông Ataturk đưa ra cho thể chế chính trị đất nước khi thành lập nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923, nên sự phân hoá nội bộ xã hội ở mức độ sâu sắc như thế này là bằng chứng cho thấy cuộc trưng cầu dân ý vừa qua còn là trưng cầu dân ý về lựa chọn giữa tương lai hay quá khứ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nền dân chủ ở nước này sẽ thay đổi cơ bản so với trước khi chuyển từ nền dân chủ nghị viện sang thể chế nhà nước có tổng thống thực quyền. Ông Ataturk chủ trương tách biệt nhà nước với Đạo Hồi và gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.
Còn ông Erdogan lại có ý định Hồi giáo hoá nhà nước và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, tìm kiếm vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo chứ không để Thổ Nhĩ Kỳ bị Phương Tây hoá. Cho nên thắng lợi mới này của ông Erdogan khiến Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, trong khi lại làm hài lòng tân tổng thống Mỹ Donald Trump. EU phê phán Erdogan còn Trump điện đàm chúc mừng ông.
Ông Erdogan đã thắng trong canh bạc quyền lực này nhưng phía trước là tương lai hay quá khứ cho Thổ Nhĩ Kỳ lại là câu hỏi và câu chuyện khác.
Kết quả trưng cầu dân ý này củng cố vị thế và nền tảng quyền lực cho tổng thống, nhưng khiến những mâu thuẫn trong xã hội và đối kháng trên chính trường trở nên sâu sắc và quyết liệt hơn.
Nguy cơ khủng bố gia tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế không sáng sủa, chiến sự ở Syria và Iraq, vấn đề người Kurd và mối bất hoà với EU - tất cả những điều ấy đều là biểu hiện của môi trường chính trị an ninh bên ngoài và kinh tế, xã hội bên trong hiện chẳng thuận lợi và tốt đẹp gì cho Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan, báo hiệu toàn những khó khăn và thách thức, bất ổn và bất lợi đối với đất nước này trong thời gian tới.
EU chắc sẽ không cắt đứt nhưng sẽ ngưng trệ hoặc kéo dài quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc kết nạp nước này làm thành viên.
EU và NATO vừa phải duy trì quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ vừa xét nét nước này về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.
Nếu ông Erdogan tới đây thực hiện ý định khôi phục hình phạt tử hình mà EU coi đó là chỉ giới đỏ thì mối quan hệ giữa Ankara với Brussels sẽ khủng hoảng thực sự.
Sửa đổi hiến pháp là cải cách chính trị có ý nghĩa rất quyết định đối với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ làm thay đổi không chỉ có đất nước này mà còn tất cả những chuyện và những mối quan hệ của bên ngoài với nước này hay có liên quan đến nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ không khôi phục lại được tầm vóc của Đế chế Ottoman khi xưa, nhưng nếu không làm khuynh đảo thì cũng đủ khuấy động mạnh cả khu vực, châu Âu và thế giới Hồi giáo.