Gia đình tôi từng là một điển hình của quan niệm trọng nam khinh nữ bởi bố mẹ tôi nuông chiều con trai út vô cùng. Cưới muộn nên sinh con cũng muộn, bố mẹ tôi dự định đẻ liên tục đến khi có thằng cu nối dõi mới thôi. May sao đứa thứ 2 đúng ý nguyện nên bố mẹ ngừng sinh luôn, dành hết tâm sức nuôi dạy chị em tôi nên người.
Khi biết đứa lớn chào đời là con gái thì cả gia đình tôi đều hơi thất vọng. Tuy nhiên ông bà bố mẹ vẫn thương tôi, cho ăn học đủ đầy và không bao giờ để tôi thiếu thốn gì cả. Đến lúc thằng Huy xuất hiện thì tôi dần nhận ra em trai luôn được cả nhà thiên vị.
Ăn cơm nó luôn được mẹ gắp cho miếng ngon, đùi với cánh gà đều của nó tất. Quần áo nó được mẹ mua cho rất nhiều. Sợ tôi biết nên mẹ còn mua giấu, khi nào tôi không ở nhà thì mẹ mới lấy ra cho em trai mặc. Nó lên cấp 2 được bố thưởng cho cái xe đạp, còn tôi lên cấp 2 vẫn phải đi bộ hoặc đi nhờ bạn học cùng xóm vì lý do “con gái đạp xe không an toàn”.
Tiền lì xì Tết của Huy luôn nhiều hơn tôi gấp đôi gấp 3 lần. Lý do thì bởi nó vừa là con út vừa là con trai. Tính tôi từ bé đã không thích so đo nên chẳng quan tâm chuyện ấy lắm, nhưng thằng Huy thì cậy được chiều nên hay khoe mẽ bắt nạt chị.
Càng lớn Huy càng hư, đến tuổi dậy thì nó nổi loạn đến mức bố mẹ tôi cũng ngán. Dần dần người lớn trong nhà không yêu quý nó nữa. Ông bà bố mẹ suốt ngày than phiền mắng mỏ em trai tôi. Nó ham chơi hơn ham học nên kết quả suýt trượt tốt nghiệp cấp 3. Ngày nào nó cũng đàn đúm với hội bạn xấu, còn học thói hút thuốc, đua xe, đánh nhau và mấy trò tệ nạn khác khiến nhà tôi phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền đi đền với trả nợ thay Huy.
Cực chẳng đã bố tôi quyết định cho thằng con út đi nghĩa vụ quân sự. 2 năm rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt giúp Huy cao lớn rắn rỏi hơn, tính nết cũng bớt nghịch phá hơn. Ngày nó ra quân cả nhà ai cũng mừng, nghĩ rằng Huy sẽ thay đổi và tu chí làm ăn hơn trước. Nhưng không ngờ là ai cũng nhầm.
Chẳng phải tự dưng người xưa nói câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Sau khi về nhà một thời gian thì thằng Huy lại chứng nào tật ấy. Nó cùng bạn cũ tụ tập ăn nhậu suốt ngày. Bố mẹ giục đi tìm việc kiếm tiền thì nó bảo đừng ai kiếm chuyện với nó.
Lúc ra quân mang về một khoản tiền thì Huy đem hết đi “đầu tư” kinh doanh gậy bi-a với bạn. Nó khẳng định kiểu gì cũng giàu, vì nghề mở quán bi-a đang ăn nên làm ra. Nhưng được 1 tháng thì lỗ chỏng gọng, nó lại về xin tiền bố mẹ bù nợ hết chỗ nọ đến chỗ kia. Đống gậy nó vác về chẳng ai thèm mua. Ngày nào cũng có người gọi bắt trả lãi, có hôm bố mẹ tôi còn bị lũ đầu gấu xăm trổ chặn ở cửa đòi tiền.
Chán thằng Huy quá nên bố mẹ tôi mặc kệ không quan tâm nữa. Tôi từng trách móc bố mẹ vì thiên vị em trai, nhưng giờ thấy họ khổ sở vì thằng con phá gia chi tử thì trong tim cũng xót xa vô cùng. Thương bố mẹ một thì giận thằng Huy mười. Sao nó có thể sống vô dụng như thế chứ? Nhìn những nhà có con trai trong xóm ai cũng thành đạt viên mãn, lấy vợ sinh con hạnh phúc mỗi ngày, bố mẹ tôi chỉ biết lặng lẽ rơi nước mắt.
Mẹ chuyển sang gửi gắm ước nguyện vào tôi, bảo tôi nhanh lấy chồng rồi sinh cho họ thật nhiều cháu. Chỉ có điều ấy mới giúp họ cảm thấy được an ủi đôi chút. Tuy tiền bạc bố mẹ tích cóp bao năm đã bị thằng Huy bòn rút khá nhiều nhưng vẫn đủ để tổ chức cho tôi một đám cưới tử tế. Tôi bảo mẹ cứ yên tâm vì tôi tự lo cho mình được. Còn thằng Huy là đàn ông phải tự làm tự chịu, bố mẹ chẳng việc gì phải khổ cực vì nó nữa.
Sau lần khởi nghiệp thất bại bị bạn bè người thân quay lưng, em trai tôi có vẻ bắt đầu ân hận. Nó nhốt mình trong phòng mấy ngày liền không ra ngoài. Đêm cả nhà ngủ thì nó lặng lẽ ra ngoài bới cơm nguội ăn rồi ngồi suy nghĩ vẻ sâu sắc lắm. Tôi ra bếp uống nước hỏi xem nó làm gì, nó không gây sự như mọi khi mà chỉ hỏi một câu rằng "Liệu bố mẹ còn tin em nữa không chị?".
Quãng thời gian nó phá phách thì tôi ghét nó lắm, nhưng giây phút nó hỏi câu ấy thì lòng tôi chùng xuống. Tự dưng tôi cũng thấy thương em trai. Và đến hôm sau thì tôi hiểu tại sao nó lại hỏi như vậy.
Trong bữa cơm trưa Huy thông báo với cả nhà rằng nó sẽ tu chí làm ăn, sẽ kiếm tiền trả nốt số nợ hơn trăm triệu. Dĩ nhiên ông bà nội và bố mẹ tôi đều tỏ thái độ không tin tưởng và im lặng chẳng nói gì. Tôi hỏi nó dự định làm việc gì để trả nợ. Nó đặt bát xuống mâm rồi bảo mẹ cho nó vay tiền lần cuối cùng, nó sẽ mua cái xe máy rồi đăng ký làm shipper công nghệ.
Một thằng quen lười biếng ăn chơi lại chủ động đòi làm công việc dãi nắng dầm mưa. Ôi đúng là tin chấn động! Cả nhà trợn tròn mắt nhìn Huy, mẹ tôi lắc đầu quầy quậy bảo không tin nó nữa, nhất quyết không cho nó xu nào. Huy năn nỉ muốn gãy lưỡi mà mẹ vẫn không cho, nó quay sang cầu cứu tôi nhưng thực lòng thì tôi cũng hơi e ngại nửa muốn giúp nửa không.
Lần này thằng em có vẻ nghiêm túc nên mẹ tôi bắt đầu dao động. 2 ngày sau bỗng dưng mẹ đưa cho Huy 30 triệu bảo nó mua cái xe đàng hoàng mà đi, nó mừng lắm cầm ngay lập tức. Tôi thắc mắc tại sao mẹ làm vậy, mẹ liền giải thích khiến tôi nể phục vô cùng.
Ban đầu mẹ nghĩ rằng Huy nói dối. Nó lừa mẹ nhiều lần để lấy tiền mang đi chơi bời rồi nên lần này mẹ không muốn ném tiền qua cửa sổ nữa. Song Huy nhắn tin cho mẹ rất dài, nó bảo hối hận vì quá ngỗ ngược, hứa từ giờ sẽ thay đổi nên mẹ hơi mủi lòng. Mẹ quyết định sẽ cho nó vay nhưng theo cách rất cao tay. Đó là hoán đổi người cho vay nợ. Mẹ biết nếu là tiền của mẹ thì khả năng sẽ mất luôn nên mẹ bảo Huy 30 triệu ấy mượn của bác Phú. Bác là anh trai ruột của mẹ, là người duy nhất khiến thằng Huy sợ vì bác rất khó tính.
Mẹ nhờ bác giữ bí mật giúp, bố tôi biết chuyện cũng không nói gì. Tháng đầu chạy shipper khá vất vả nhưng em trai tôi không hề nản chí. Nó chạy xe đến tận đêm mới về, ăn uống tắm rửa xong là đi ngủ.
Ngày nào cũng thế, rồi nó trả được 3 triệu đầu tiên đúng hẹn cuối tháng cho bác Phú. Nó hẹn sẽ trả hết nợ mua xe cho bác trong vòng 6 tháng. Bác chuyển khoản trả lại cho mẹ tôi. Nhận được món tiền đầu tiên con trai tự kiếm bằng mồ hôi công sức, mẹ tôi đã ngồi ngoài ban công khóc suốt buổi tối.
Mong là Huy đã thực sự hối cải. Có lẽ nó cũng đã thấy tóc bố mẹ đều bạc trắng từ bao giờ rồi...