Nếu một người sao Hỏa đặt chân lên Trái đất và nhận được câu hỏi: Dựa trên khả năng quan sát của mình, thành phố nào là chủ nhà Olympic năm nay thì rất có thể người đó sẽ trả lời là "Hàng Châu (Trung Quốc)".
Đó là tình huống giả tưởng Economist đưa ra để nhấn mạnh "sự chu đáo" của Trung Quốc trong vai trò chủ trì G20 năm nay.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp.
Theo Economist, Rio de Janeiro (Brazil) rất chật vật để tổ chức Olympic mùa hè nhưng Hàng Châu thì ngược lại. Rõ ràng Trung Quốc đang nỗ lực để cho thế giới thấy mình đã hiện đại tới mức nào.
Thực ra, dù giữ nguyên trạng, Hàng Châu chắc chắn vẫn sẽ khiến bạn bè quốc tế ấn tượng.
Cách Thượng Hải 40 phút tàu tốc hành, Hàng Châu là một trong những thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, hội nghị G20, diễn ra trong 2 ngày 4-5 sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc có một sự kiện tầm cỡ như vậy trong vòng 8 năm. Và Chính phủ Trung Quốc đương nhiên không bỏ qua cơ hội này.
Bầu trời xanh
Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang hoàng, thay đổi diện mạo của thành phố, giới chức Trung Quốc cũng áp dụng hàng loạt biện pháp để giải quyết những vấn đề thường thấy ở các thành phố lớn.
Bầu trời trước và trong hội nghị APEC 2014 tại Thiên An Môn.
Để có một bầu trời xanh (theo nghĩa đen), Trung Quốc đã quyết định đóng cửa hàng loạt công xưởng, nhà máy, nguồn cơn của ô nhiễm không khí. Theo Quartz, hàng trăm nhà xưởng trên khắp 5 tỉnh xung quanh đều tạm dừng hoạt động cho tới khi G20 kết thúc.
Thực ra, "kế sách" này không mới. Nó đã được Trung Quốc áp dụng năm 2014, khi chủ trì hội nghị APEC.
Chi phí cao hơn Olympic 2016?
Các cơ quan công quyền sẽ đóng cửa trong vòng 7 ngày. Chính quyền Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân "noi gương" .
Cư dân Hàng Châu thì được nhận khoản tiền có tổng giá trị lên tới 10 tỉ Nhân dân tệ (NDT) - tương đương 1,5 tỉ USD dưới dạng vé du lịch để tới các thành phố khác du lịch.
Economist cho hay: Giới chức Trung Quốc không hề phàn nàn về chi phí cho công tác chuẩn bị G20 nhưng có tin đồn rằng Hàng Châu đã tiêu tốn khoảng 160 tỉ NDT (24 tỉ USD).
Nếu đây là sự thật thì đây là một con số đáng kinh ngạc, vượt xa số tiền mà Rio chi cho Olympic mùa hè vừa qua (khoảng 5-6 tỉ USD).
Tuy nhiên, Hàng Châu không công nhận thông tin này. Chính quyền thành phố cho biết, ngân sách năm nay chỉ có 120 tỉ NDT.
Học tiếng Anh cấp tốc
Trong khi sự kiện diễn ra, nhiều khả năng cư dân của thành phố sẽ gặp nhiều khách du lịch trên đường phố. Và để đảm bảo "đôi bên" có thể trao đổi được, Hàng Châu đã quyết định phát cho cư dân những tờ bí kíp cầm tay, ví dụ như "Học nhanh: 100 câu tiếng Anh".
Bí kíp "Học nhanh: 100 câu tiếng Anh". Ảnh: Chilingo
Cuốn bí kíp đề nghị cư dân sử dụng những câu tiếng Anh đơn giản như "Hangzhou, a paradise on earth" (Hàng Châu, thiên đường nơi địa giới) để giới thiệu về thành phố của mình.
Thậm chí, bí kíp còn "tối ưu" và tiện lợi cho những người không biết tiếng Anh tới mức cách đọc được phiên âm bằng tiếng Hoa để người dân có thể phát âm.
Một số trung tâm bồi dưỡng tiếng Anh cấp tốc cũng được tổ chức. Người lớn, trẻ nhỏ đều có thể tham gia. Họ chỉ phải học tổng cộng 7 câu tiếng Anh để chào hỏi và chỉ đường.
Một lớp học cấp tốc tại Hàng Châu. Ảnh: Global Times
Cả thành phố Hàng Châu dường như đang rất hào hứng với sự kiện quốc tế này. Người dân thì vui mừng vì môi trường sống được cải thiện.
Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, 96,8% cư dân Hàng Châu hài lòng vì G20 được tổ chức ở thành phố của mình. Đây là mức độ ủng hộ mà rất ít "chủ nhà" Olympic có được.