Cơ hội có lợi cho Bắc Kinh?
Ngày 12/9, Tổng thống Duterte bất ngờ đưa ra tuyên bố yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra khỏi đảo Mindanao, miền Nam nước này. Duterte còn cho biết sẽ sớm điều chỉnh lại chính sách ngoại giao của Philippines.
"Chừng nào còn bám chặt lấy Mỹ, chừng đó Philippines còn chưa bình yên", Tổng thống Philippines đổ lỗi khi cho rằng chính Mỹ đã khơi mào các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở khu vực miền Nam nước này.
Nhưng Duterte cũng nhấn mạnh, ông không phải là "tay sai" của nước Mỹ và việc ông lên nắm quyền nhằm đưa quan hệ Manila và Washington bước vào "trạng thái mới".
Giới phân tích nhận định, việc Duterte tuyên bố trục xuất quân đội Mỹ mang lại hy vọng, cơ hội lớn và ưu thế hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh trong tương lai về vấn đề biển Đông.
Theo đó, nếu Trung Quốc nhân cơ hội này mời Tổng thống Duterte đến thăm và tăng cường viện trợ kinh tế cho Manila, rất có khả năng Bắc Kinh sẽ gián tiếp đẩy nhanh việc "trục xuất" quân đội Mỹ và khiến Washington mất đi ưu thế chiến lược ở biển Đông.
Binh lính Mỹ trong một cuộc diễn tập trên biển Đông. (Ảnh: bcnn2.com)
Trong quá khứ, sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã dần rút quân khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines.
Tuy nhiên đến năm 2010, cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã chủ trương bắt tay và tìm sự hậu thuẫn của Washington nhằm ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng cũng như củng cố lợi ích của Manila ở biển Đông.
Mỹ - Philippines đã nhanh chóng ký thỏa thuận đồn trú mới và nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ đồng minh thân thiết nhằm giữ thế cân bằng với Trung Quốc tại khu vực này và Washington dần trở thành nỗi đe dọa lớn nhất của Bắc Kinh tại biển Đông.
Bởi dựa vào các căn cứ quân sự luôn được coi như những căn cứ hậu cần vững chắc ở Philippines, các hạm đội tàu Mỹ chỉ cần trong vài giờ tập trung lực lượng nếu chiến tranh xảy ra ở biển Đông.
Trung Quốc: Trục xuất quân đội Mỹ là yêu cầu thiết thực
Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc Tổng thống Duterte đòi "trục xuất" lực lượng Mỹ không nên bị suy diễn quá đà bởi đây là yêu cầu thiết thực trong cuộc chiến chống khủng bố ở miền Nam nước này.
Hứa chỉ ra, ngày 22/6 vừa qua, Tổ chức khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền nam Philippines đang bắt giữ 7 ngư dân Indonesia làm con tin đến nay vẫn chưa thả tự do.
Đặc biệt, một thời gian dài trước đó, rất nhiều ngư dân Malaysia và Indonesia đã bị tổ chức này bắt giữ khiến Manila chịu rất nhiều áp lực đến từ Kuala Lumpur và Jakarta.
Theo Hứa Lợi Bình, với lịch sử hơn 50 năm đồn trú tại Philippines, quân đội Mỹ đã gây ra mâu thuẫn và "kết oán" với lực lượng vũ trang người Moro - nòng cốt phong trào Hồi giáo ly khai ở Philippines.
Việc binh lính Mỹ hiện diện lâu dài tại khu vực này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến quá trình chống chủ nghĩa khủng bố và khiến cuộc chiến này của Tổng thống Philippines trở nên phức tạp hơn.
Vì vậy, Hứa cho rằng xét trên một khía cạnh nhất định, việc Duterte "đuổi" lực lượng Mỹ là nhu cầu thiết thực trong cuộc chiến chống khủng bố chứ không phải cố ý chống lại quân đội Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Ảnh: lexpress.fr)
Ông Hứa nhận định: "Chính phủ mới của Tổng thống Duterte đã có sự điều chỉnh mới trong chính sách ngoại giao với Washington.
Trong 6 năm nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã thực hiện chính sách "thân Mỹ". Từ kinh nghiệm nắm quyền của Aquino cho thấy, chính sách này không còn phù hợp lợi ích quốc gia căn bản của Manila.
Do đó, ông Duterte hoàn toàn chính xác khi điều chỉnh chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm nhưng mức độ điều chỉnh đến đâu không phải là điều dễ đoán....
Tuy nhiên, những năm gần đây hai bên đã ký một số hiệp định tăng cường quốc phòng nên Manila muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Washington là điều vô cùng khó khăn."
Nhưng học giả Trung Quốc cho hay, việc điều chỉnh này giúp chính sách ngoại giao của Philippines phù hợp với toàn bộ chính sách đối ngoại của ASEAN - chiến lược cân bằng với các nước lớn. Đây chính là hướng mà Duterte đang tích cực đi theo.
Duterte: Nguyên nhân gây mâu thuẫn Mỹ-Philippines?
Theo Hứa Lợi Bình, chính sách "thân Mỹ" không đem lại sự an toàn tuyệt đối cũng như tương lai kinh tế, ngược lại khiến Manila khó khăn hơn khi phải đối đầu với Bắc Kinh trên biển Đông.
"Tất cả những lời hứa trước khi trúng cử như giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh và nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của Duterte đỏi hỏi đến sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc", ông này nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc cho rằng Philippines đang gặp khó khăn trong một số vấn đề như cuộc chiến chống ma túy.
Trong khi đó, Tổng thống Duterte đánh giá cao hành động trợ giúp xây dựng các trung tâm cai nghiện cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong vấn đề này của Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Duterte đang gây chú ý do những phát ngôn gây sốc và cách thức giải quyết vấn đề theo cách riêng biệt. (Ảnh: Reuters/VCG)
Hứa cho rằng, Duterte là người "rất trọng lời hứa, vô cùng trượng nghĩa và tràn đầy tinh thần anh hùng".
Bề ngoài, những phát ngôn gây sốc khác xa với quan điểm chính trị gia truyền thống của Duterte luôn khiến dư luận bất ngờ nhưng trên thực tế triết lý chính trị và phương thức xử lý của Duterte lại rất thiết thực.
Do xuất thân là một luật sư nên Duterte nắm chắc về luật pháp quốc tế nhưng là một chính trị gia phương Đông nên Tổng thống Philippines mang trong mình bản sắc chính trị riêng biệt nên cách giải quyết vấn đề của ông cũng đa dạng và đặc biệt.
"Duterte có cách tiếp cận riêng của mình cho nên phương diện này có thể gây xung đột với Washington", Hứa kết luận.
Theo giới quan sát, Tổng thống Philippines không nhất thiết chọc giận Mỹ bởi điều này chỉ mang lại tình thế bất lợi cho Manila. Bên cạnh đó, Duterte lại có thể dùng danh nghĩa "theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập" để bắt tay với Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng, nếu kế hoạch trục xuất quân đội Mỹ được thực thi thì đây chính là cơ hội vàng mà Duterte trao cho Trung Quốc. Khi đó, một cái bắt tay chủ động đàm phán từ Bắc Kinh là đủ để "đuổi" Mỹ khỏi biển Đông.