Đường tới trại giam của nguyên Bí thư thị xã Bến Cát

Phú Lữ - Công Bình |

Ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) đã bị Tòa án tuyên phạt 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 28-5, ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên phạt 10 năm tù; Nguyễn Quang Lộc (nguyên Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp) 11 năm tù; Nguyễn Huy Hùng (nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Các bị cáo lĩnh án trọng vụ án này vì liên quan tới việc mua khu đất và tài sản có giá trị hơn 80 tỷ đồng với giá 8,7 tỷ đồng.

Bí thư thị xã mua đất giá "bèo"

Theo nội dung vụ án, từ năm 2005 - 2008, bà Hồ Thị Hiệp (chết năm 2016, thường trú quận 10, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất gỗ An Tây (Công ty An Tây, xã An Tây, thị xã Bến Cát) thế chấp đất, nhà xưởng, biệt thự, máy móc thiết bị sản xuất gỗ để vay trên 72 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) Tây Sài Gòn thông qua 6 bản hợp đồng.

Tổng giá trị đất và tài sản trên đất gồm hơn 20 ha đất, nhà xưởng, máy móc của Công ty An Tây vào thời điểm năm 2008 được định giá là 80 tỷ đồng. Do Công ty An Tây mất khả năng chi trả nên năm 2011, ngân hàng đã niêm phong toàn bộ tài sản thế chấp nói trên để phát mãi.

Sau đó, ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc) và Nguyễn Quang Lộc (Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng của Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) thực hiện các thủ tục phát mãi tài sản để xử lý nợ với phương thức cho bà Hiệp tự bán.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Hồng Khanh đang là Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát và một số người thân trong gia đình đã đứng ra mua toàn bộ số tài sản của Công ty An Tây với giá 8,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định, ông Khanh khi đó đã thỏa thuận thống nhất với cán bộ ngân hàng là các ông Hùng, ông Lập và bà Hiệp trích 50% trong số tiền 8,7 tỷ đồng đưa lại cho bà Hiệp, phần còn lại trả lại ngân hàng.

Cơ quan điều tra đã chứng minh số tiền ông Khanh trực tiếp đưa cho bà Hiệp khoảng 4,1 tỷ đồng, trong khi số tiền này đáng ra phải được thu hồi và nộp cho Nhà nước.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này Công ty An Tây còn nợ ngân hàng tổng cả gốc và lãi với số tiền trên 106 tỷ đồng, chưa thu hồi được.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn từ năm 2012 tới 2015, bị cáo Nguyễn Huy Hùng đã chỉ đạo cho bị cáo Nguyễn Quang Lộc trực tiếp xử lý tài sản thế chấp của Công ty An Tây để thu hồi nợ.

Cáo trạng khẳng định Hùng, Lộc đã câu kết với bà Hiệp và ông Khanh xử lý tài sản thế chấp trái với quy định của pháp luật.

Cụ thể, Hùng, Lộc đã để cho bị cáo Khanh mua lại diện tích trên 125.440m² đất (trong đó có 20.000m² đất công nghiệp) của bà Hiệp có trị giá trên 33,8 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi được số nợ gần 7,8 tỷ đồng.

Ông Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền gần 2,9 tỷ đồng, số tiền còn lại gây thất thoát cho Nhà nước trên 26 tỷ đồng…

Chứng cứ thu thập được đã đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo Khanh đồng phạm với bị cáo Hùng và Lập về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ngày 10-8-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bị can Khanh.

Theo kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỷ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, ông Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền 4,3 tỷ đồng và giá trị thiệt hại ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 36 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn buông lỏng quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Hiệp thế chấp cho ngân hàng để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng…

Tại phiên tòa, bị cáo Khanh phủ nhận hoàn toàn cáo trạng mà Viện KSND truy tố vì cho rằng, việc mua bán đất giữa bị cáo và bà Hiệp là giao dịch dân sự. Theo bị cáo Khanh, biết bà Hiệp thông qua một người môi giới bất động sản.

Sau khi đi xem đất, hai bên gặp nhau để thỏa thuận giá và phương thức thanh toán chứ không hề thỏa thuận với ngân hàng.

Việc ký thỏa thuận ba bên giữa ngân hàng, bà Hiệp và bị cáo là để biết chắc rằng phía ngân hàng cho bà này xử lý tài sản thế chấp. Ngân hàng phải chịu trách nhiệm với việc bà Hiệp bán đất và phải có trách nhiệm đưa "sổ đỏ" cho bị cáo sau khi hoàn thành giao dịch mua bán…

Trước đó, trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Bình Dương nhận thấy có vấn đề chưa được làm rõ nên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương bảo lưu quan điểm và đề nghị truy tố các bị can với tội danh như trên.

Đường tới trại giam của nguyên Bí thư thị xã Bến Cát - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh.


Xét xử đúng người, đúng tội

Theo các luật sư bào chữa tại các phiên tòa, mấu chốt của vụ án là kết quả giám định chữ ký cho thấy bà Nguyễn Hiệp Hảo (hiện định cư tại Mỹ, con gái bà Hiệp) không ký vào các giấy ủy quyền cho mẹ mình là bà Hiệp để thế chấp vay ngân hàng.

Điều đó có thể dẫn tới hệ quả là các hợp đồng vay vốn với ngân hàng có khả năng vô hiệu, dẫn tới hệ quả là các hành vi trong giai đoạn xử lý tài sản thế chấp có thể không phạm tội.

Chính vì thế, tại các phiên tòa lần trước bị hoãn theo yêu cầu của các luật sư bào chữa cho bị cáo Khanh vì các luật sư cho rằng thiếu chứng cứ quan trọng là tài liệu ủy thác tư pháp (lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo) do Công an tỉnh Bình Dương gửi Bộ Tư pháp Mỹ (Cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI) để nhờ tương trợ và tài liệu này được cho là có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Theo các luật sư, bà Hảo là người góp vốn trong hai công ty (Công ty An Tây, Công ty Gỗ Mỹ Hiệp) nên quá trình thế chấp, xử lý nợ với ngân hàng và bán tài sản cho ông Khanh, cần phải xem xét có sự đồng ý của bà Hảo hay không. Bà Hảo có yêu cầu gì trong quá trình xét xử của vụ án và xử lý nợ, tài sản?...

Đường tới trại giam của nguyên Bí thư thị xã Bến Cát - Ảnh 3.
Đường tới trại giam của nguyên Bí thư thị xã Bến Cát - Ảnh 4.

Khu đất và biệt thự mà bị cáo Khanh và người nhà đã mua với giá "bèo".


Trong khi đó, HĐXX cho rằng tài liệu của FBI là tài liệu mật không được sao chụp mà chỉ cho các luật sư tiếp cận, đọc tại phiên tòa bằng bản dịch tiếng Việt, trong phần tranh tụng.

Nhưng trong phiên tòa mới nhất (xét xử ngày 20-5-2020 và sau một tuần nghị án, HĐXX đã tuyên án ngày 28-5-2020), theo nhận định của HĐXX, cáo trạng truy tố của Viện KSND là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Tại tòa, các bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra những luận điểm, luận cứ cho rằng các bị cáo bị oan, đề nghị HĐXX tuyên vô tội và trả tự do tại tòa là không có căn cứ.

Lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa cũng đủ căn cứ chứng minh các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong đó, bị cáo Khanh có vai trò giúp sức. Và tòa xác định ngân hàng là bị hại trong vụ án này.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt ba bị cáo mức án như trên. HĐXX cũng tuyên hủy 4 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Hiệp và bị cáo Khanh, yêu cầu tịch thu xung công quỹ Nhà nước hơn 3,8 tỷ đồng trong số tiền hơn 7,9 tỷ đồng ngân hàng trả lại cho bị cáo Khanh…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại