‘Đường dài mới biết ngựa hay’: Chiến tranh thương mại đang tăng sức mạnh cho đồng tiền Trung Quốc?

Phương Anh |

Tỷ lệ các cá nhân, tổ chức và ngân hàng trung ương nước ngoài sở hữu đồng tiền Trung Quốc đang ngày càng tăng, theo SCMP.

Theo SCMP, cuộc chiến thương mại do Mỹ bắt đầu thực tế lại đang giúp Trung Quốc đạt được một trong những mục tiêu tài chính dài hạn họ vẫn hằng mong đợi – tăng sức sử dụng đồng tiền Trung Quốc – đồng nhân dân tệ (yuan) trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế.

Cuối quý 2 năm 2018, giá trị tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ của các cá nhân và tổ chức nước ngoài đã lên đến 4,9 nghìn tỷ yuan (717 tỷ USD), theo ICBC International, chi nhánh ngân hàng đầu tư Hong Kong của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc. Trong đó, tỷ lệ cổ phiếu và trái phiếu bằng đồng yuan do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tăng lần lượt 2,5 và 3%.

Trong khi đó, số tài sản bằng đồng nhân dân tệ của các ngân hàng trung ương tăng trong quý thứ 3 liên tiếp lên 1,39% so với quý đầu tiên của năm 2018, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF bắt đầu ghi lại sự phân bổ đồng nhân dân tệ của các ngân hàng trung ương.

Theo SCMP, đồng tiền Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài mới bắt kịp được đồng tiền Mỹ, chứ chưa nói đến thay thế đồng USD ở vị trí đồng tiền được ưa chuộng trong các giao dịch quốc tế.

Dù vậy, áp lực mà Trung Quốc và một số đối tác thương mại đang phải chịu vì những lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến một số bên nghĩ lại về sự phụ thuộc của họ vào đồng USD.

Đồng nhân dân tệ đang được quốc tế hóa

Cách tiếp cận theo kiểu đối đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc, Nga, Iran và một số nước khác, có thể củng cố cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc quốc tế hóa đồng tiền và xây dựng vị thế siêu cường trên thế giới, các nhà phân tích nhận định.

Trung Quốc nỗ lực để đồng nhân dân tệ được chấp nhận ngày càng nhiều trên toàn cầu, vược qua mục đích sử dụng ban đầu chỉ như một loại tiền thanh toán.

Quyết định kết nối các thị trường chứng khoán Hong Kong và các sàn giao dịch của Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường vốn nước này.

Việc các giao dịch nước ngoài đối với cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc gia tăng sẽ giúp chính phủ mở rộng phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ với mục đích đầu tư, bên cạnh thanh toán thương mại.

Bên cạnh đó, với lợi thế nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ bằng các hợp đồng “xăng dầu nhân dân tệ” (petroyuan).

“Những nước sản xuất và bán dầu qua các hợp đồng này và được trả bằng tiền Trung Quốc bắt đầu đưa lợi nhuận trở lại trong trái phiếu chính phủ Trung Quốc, và điều này sẽ còn tiếp tục trong hàng chục năm tới” – một chuyên gia nhận định.

Trung Quốc đã đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng Mỹ trong cuộc chiến thương mại trả đũa, nhưng đến nay vẫn tránh đánh thuế dầu. Một số nhà nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu quay lưng với những hợp đồng dầu thô bằng USD.

Theo truyền thông quốc tế, Tập đoàn Hóa dầu Dongming – một công ty tinh chế ở Shangdong, Trung Quốc gần đây đã hủy các kế hoạch mua bán dầu thô với Mỹ và đổi sang các nhà cung cấp Tây Phi hoặc Trung Đông, những hợp đồng có khả năng sẽ được định giá bằng nhân dân tệ.

Theo các chuyên gia, những nước như Iran sẽ hoan nghênh nếu có thể chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và được thanh toán bằng nhân dân tệ. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ không tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và tiếp tục nhập dầu của nước này.

Trong khi đó, những nước như Pakistan và các nước Đông Nam Á đang nhận được những khoản vay bằng nhân dân tệ từ Trung Quốc trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” cũng có lý do để thanh toán các giao dịch thương mại với cùng một đồng tiền.

“Trung Quốc đang làm việc với các nhà xuất khẩu dầu và tài nguyên để thanh toán bằng nhân dân tệ” – chuyên gia Tan Ming-kiu cho biết.

Ngày càng ít phụ thuộc vào dollar Mỹ

Theo bài phân tích của chuyên gia Jack Wang trên SCMP, việc tỷ lệ cá nhân và tổ chức nước ngoài sở hữu tài sản bằng đồng tiền Trung Quốc tăng lên cho thấy một chiến dịch của Bắc Kinh khiến đồng nhân dân tệ ngày càng ít phụ thuộc vào đồng tiền Mỹ.

Tháng 8/2018, đồng nhân dân tệ giảm giá tháng thứ 5 liên tiếp so với đồng dollar Mỹ. Những đồng tiền khác của Indonesia, Ấn Độ, Argentina và Turkey giảm mạnh mẽ hơn trong khi dollar Mỹ duy trì sức mạnh trong cuộc chiến thương mại.

“Vị thế toàn cầu của nhân dân tệ đã ít phụ thuộc hơn vào mối liên hệ với USD. Điều này một phần do chiến dịch quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc” – chuyên gia Jack Wang cho biết.

Dù vậy, Trung Quốc đã thiết lập một số “điểm kiểm soát” cho tỷ giá trao đổi nhân dân tệ - dollar Mỹ để ngăn chặn vốn thoát ra ngoài quá nhiều hoặc các nhà đầu tư vội vã bán tháo. Các chuyên gia cũng cảnh báo điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn và khiến quá trình quốc tế hóa bị dừng lại khi đồng nhân dân tệ bị kiểm soát quá chặt.

Video: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại