Hơn năm ngày qua, mưa lớn kéo dài trên diện rộng với lượng mưa phổ biến 320-550 mm, mưa lớn cộng với việc các hồ thủy lợi, thủy điện tiến hành xả lũ đã làm nhiều địa phương ở Thừa Thiên-Huế bị ngập diện rộng.
Đường thành sông, người dân đứng đợi thuyền. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh Thừa Thiên-Huế bị chia cắt, nhiều đoạn đường thấp trũng bị ngập rộng và sâu như một con sông lớn khiến nhiều phương tiện giao thông không thể qua lại được.
Trước tình thế đó, để nối lại đường đi cho người dân, nhiều người dân địa phương đã sử dụng thuyền làm phương tiện trung chuyển, chở người cùng với phương tiện qua đoạn nước sâu.
Mỗi chuyến đò qua sông được trả thù lao tùy thuộc vào đoạn đường vận chuyển xa hay gần.
Anh Phước Năm (32 tuổi, ở tổ Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà), nhiều năm làm nghề đưa đò "bất đắc dĩ" tại đoạn đường về phường Hương Xuân mỗi khi nước ngập, cho biết: “Đây là thuyền đánh cá, lúc trước thỉnh thoảng tôi chỉ chở người nhà ra vào thôi.
Sau này thấy nhiều người dân ra vào xã không có thuyền nên tôi mới chở, coi như vừa giúp họ vừa có thêm thu nhập cho mình”.
"Bến thuyền" nằm sát bên đường quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà, được anh Năm đặt một tấm bảng nhỏ ghi số điện thoại cũng như giờ giấc hoạt động của một ngày.
Theo anh Năm thì “Ghi như thế cho người dân họ cần họ gọi, như đêm hôm đau ốm cần đi viện thì họ gọi mình cũng chạy”.
Đối với thuyền anh Năm, tiền cho mỗi chuyến đi thì hành khách muốn trả bao nhiêu tiền cũng được. Anh Năm nói “Vì đây cũng không phải là nghề chính của mình, những người dân ở đây mỗi lần đi, người thì trả 10 ngàn, người thì hơn.
Nhưng ở đây chỉ có một mình thuyền mình chuyên chở nên một ngày chở không hết khách, có ngày không kịp ăn cơm”.
Dịch vụ này không chỉ giúp người dân đi lại an toàn mà đặc biệt cần thiết trong những trường hợp khẩn cấp.
“Trường hợp khiến tôi nhớ nhất là vào ba năm trước, cũng trong nước lũ như thế này, đêm khuya khi đang ngủ thì tôi nhận được điện thoại của một người nói phải đi cấp cứu.
Nghe vậy, tôi khẩn trương đưa ghe ra, thấy người này đau quá nên tôi cho ghe tăng tốc hết cỡ cho kịp” -anh Năm nhớ lại.
Cũng như anh Năm, tại một số điểm ngập sâu ở Thừa Thiên-Huế, người dân sử dụng thuyền để chở người nhà và người dân qua lại để đảm bảo an toàn cũng như kiếm thêm thu nhập trong những ngày mưa lũ.
Tại đường về thôn Thanh Thủy Chánh (thị xã Hương Thủy), ông Nguyễn An đang ngồi trên thuyền đợi con đi làm về để đón, ông cho biết: “Tôi đi đón con, con làm ở trên TP.
Nếu có nhiều người cùng về thì tôi cho họ về cùng luôn coi như lấy tiền dầu. Khi thuyền chở người đến nơi an toàn thì họ sẽ tiếp tục sử dụng xe máy để về nhà”.
Tại bến thuyền có bảng nhỏ ghi số điện thoại để người cần liên lạc. Ảnh: NGUYỄN DO
Anh Phước Nấm (mặc áo phao) đang chuyển xe của người dân lên thuyền. Ảnh: NGUYỄN DO
Người dân được đưa qua đoạn nước sâu. Ảnh: NGUYỄN DO
Đợi thuyền. Ảnh: NGUYỄN DO