Tuần tới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc. Theo cây viết Steve Mollman của Quartz, ông Duterte sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào các khoản vay cũng như thỏa thuận thương mại.
Còn điều mà ông Duterte không mong đợi, và cũng không đòi hỏi là: lấy lại Scarborough, bãi cạn mà Trung Quốc đã chiếm giữ từ năm 2012. "Chúng ta không thể giành phần thắng", ông Duterte phát biểu gần đây, "Kể cả có giận dữ, chúng ta cũng chỉ tỏ ra khí thế được thôi. Chúng ta không thể đánh bại [Trung Quốc]".
Tam giác chiến lược
Nằm cách bờ biển Philippines khoảng 120 hải lý, Scarborough là nguồn sống của ngư dân Philippines suốt nhiều thế hệ. Nhưng kể từ khi bị chiếm giữ, nơi này đã trở nên "bất khả xâm phạm" đối với Manila.
Có điều Trung Quốc chiếm giữ Scarborough không chỉ vì lượng hải sản dồi dào mà vì đây là mắt xích quan trọng để Bắc Kinh có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Bắc Kinh đang thực hiện dã tâm tạo ra "tam giác chiến lược" trên biển, cho phép nước này theo dõi và kiểm soát một trong những tuyến đường thủy quan trọng cho nhiều thập kỷ tới. Ráo riết xây dựng đảo nhân tạo trái phép với đường băng, thiết bị do thám, Bắc Kinh giờ chỉ cần một nhân tố là có thể hoàn thiện "tam giác" trứ danh này. Đó là Scarborough.
Hồi tháng 4, Nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan từng cảnh báo với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về tam giác chiến lược của Trung Quốc. Và Mỹ đã tuyên bố "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc chính là xây đảo nhân tạo trên Scarborough - động thái này có thể dẫn tới xung đột giữa Trung Quốc và lực lượng Mỹ - Philippines. Nhưng đó là khi Philippines còn đứng cùng phía với Mỹ.
Đối giọng
Tháng 6/2016, quyền lực chuyển giao ở Philippines.
Nếu người kế nhiệm ông Benigno Aquino III là Mar Roxas, nhân vật mà ông Aquino ủng hộ, có lẽ giờ này Philippines đang rầm rộ kêu gọi quốc tế gây sức ép ngoại giao với Trung Quốc, theo ông Heydarian.
Thế nhưng người đắc cử lại là Duterte. Sau nhiều năm đeo đuổi con đường pháp lý, dưới thời Duterte, Philippines dần chuyển hướng và dường như cuối cùng sẽ trao Scarborough cho Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
"Có vẻ Duterte đang chuyển hướng từ Mỹ sang Trung Quốc", Richard J. Heuydarian, chuyên gia khoa học chính trị ở Đại học De La Salle (Philippines) nhận định, "Duterte có thể sẽ tạo nên một tác động lớn, không chỉ với chính sách đối ngoại của Philippines mà còn với động lực địa chính trị của khu vực".
Từ sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông (theo đó, phủ nhận quyền lịch sử, cũng như các quyền hạn khác của Trung Quốc ở hầu hết các thực thể trên biển Đông), Mỹ, Australia, Nhật Bản và Singapore vẫn giữ vững lập trường yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết và luật pháp quốc tế.
Nhưng có rất nhiều nước giữ quan điểm mềm mỏng hơn. "Một số quan chức EU còn nói với tôi rằng: Sao phải cứng rắn (với Trung Quốc) khi mà quốc gia khởi kiện đã đột ngột đổi giọng rồi?", ông Heydarian chia sẻ.
Theo Quartz, nếu đứng cùng phía với Trung Quốc, Philippines sẽ tiến gần tới vị trí của Campuchia, quốc gia ủng hộ quan điểm thúc đẩy đàm phán song phương và cũng là nước nhận nguồn đầu tư, viện trợ đáng chú ý của Bắc Kinh.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng tuyên bố: "Dù đề nghị viện trợ và đầu tư của phương Tây cho Campuchia có ngang bằng Trung Quốc thì cũng sẽ đi kèm nhiều điều kiện. Trong khi Bắc Kinh không hề đòi hỏi những điều đó từ Campuchia".
Giống như Hun Sen, ông Duterte cũng hài lòng với Bắc Kinh vì nước này không chất vấn ông về các vấn đề nhân quyền. Bất mãn với làn sóng chỉ trích của phương Tây về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của mình, ông Duterte ngày càng tỏ rõ quan điểm khi tuyên bố muốn "độc lập với Mỹ", thậm chí chấm dứt tuần tra với Washington trên biển Đông.
Bắc Kinh đã tỏ ra hài lòng với lập trường thay đổi của Philippines. Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Zhao Jianhua từng nói: "Từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức, Trung Quốc và Philippines đã tiến tới quan hệ tương tác thân thiện, đạt được một số kết quả tích cực. Mây đang tan, mặt trời đang ló rạng và sẽ chiếu rọi chương mới trong quan hệ song phương".
Có người gọi chiến lược của Bắc Kinh trên biển Đông là "cắt xúc xích", nghĩa là tiến hành những hành động nhỏ lẻ, không kích động tới mức gây phản ứng nhưng về lâu về dài lại trở thành lợi thế chiến lược.
Và nếu thực sự giành được Scarborough thì đây sẽ là một trong những "lát xúc xích" lớn nhất mà Bắc Kinh có được trong những năm gần đây.