"Ong mật" được cho là một drone dạng trực thăng dài chỉ vài cm và khối lượng cũng chỉ vài chục gam. Nhà phát triển nó - Đại học Kỹ thuật Liên bang Novosibirsk (NSTU) - kỳ vọng thiết bị sẽ cung cấp khả năng trinh sát và giám sát trong cả dân sự lẫn quân sự.
Được biết các nhà nghiên cứu của NSTU đã tiến hành thử nghiệm nguyên mẫu vào tháng 2 và dự kiến các cuộc thử nghiệm chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay.
Mặc dù tất cả việc phát triển "Ong mật" chưa hoàn thành, nguyên mẫu cũng chưa được đưa ra công chúng nhưng NSTU vẫn rất lạc quan về triển vọng của dự án và cho rằng drone sẽ được các cơ quan nhà nước - đặc biệt là Bộ Quốc phòng Nga quan tâm.
Họ cũng tự tin cho rằng thỏa thuận cuối cùng về việc sản xuất hàng loạt drone này có thể sẽ sớm xảy ra. Vậy lý do gì có thể giải thích cho sự lạc quan này?
Câu trả lời khá đơn giản, "Ong mật" là phiên bản thiết kế ngược của một drone được đánh giá là rất thành công.
Đó chính là PD-100 "Black Hornet" (Ong bắp cày đen), thứ được đặc nhiệm NATO tin dùng nhiều năm qua.
Tuy nhiên theo nhà phát triển NSTU, "Ong mật" được thiết kế với một số khác biệt so với nguyên mẫu NATO.
Nặng 85 gam, "Ong mật" có thể bay với tốc độ lên tới 25 km/h và phạm vi hoạt động từ 1 đến 2 km.
Để so sánh, "Ong bắp cày đen" nặng khoảng 18 gram có thể bay 25 phút với tốc độ 5 m/s (18 km/h) và phạm vi 1 km.
Tất cả điều này cho thấy rằng "Ong mật" rất có thể sẽ có kích thước lớn hơn (hứa hẹn nhiều nâng cấp hơn) so với "Ong bắp cày đen".
Dù suy luận nói trên đúng hay sai thì cũng chỉ còn hơn 1 tháng nữa để tất cả những thắc mắc về "món đồ chơi" của người Nga này sẽ được giải đáp.