Thành công “lách” trừng phạt, hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc, cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump là ba trong số những yếu tố thúc đẩy CHDND Triều Tiên bạo dạn hơn trong đàm phán hạt nhân.
Triều Tiên thời gian qua liên tục tuyên bố họ đang mất dần kiên nhẫn, đồng thời nhắc nhở Mỹ về hạn chót thay đổi quan điểm cuối này. Quốc gia Đông Bắc Á còn thử thách giới hạn bằng một loạt vụ phóng tên lửa mà gần đây nhất là ngày 31.10 – dấu hiệu cho thấy lập trường của chính quyền Bình Nhưỡng ngày càng cứng rắn.
Học giả Andray Abrahamian, thuộc đại học George Mason tại Hàn Quốc đánh giá vụ phóng mới nhất là nỗ lực hòng khiến Mỹ cảm thấy hạn chót cuối năm rất cấp bách.
“Theo tôi thì Triều Tiên nghĩ họ có thể không cần thỏa thuận. Tình trạng hiện tại, nhiều khả năng sẽ kéo dài vài năm tới”, học giả Abrahamian cho hay.
Triển vọng không sáng sủa
Chiến dịch tái tranh cử cùng cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump càng khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thêm động lực.
Một nguồn tin ngoại giao ở Seoul nhận định: “Dường như nhà lãnh đạo Kim tin rằng ông có khả năng giúp đỡ hoặc hủy hoại chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, tại Triều Tiên chẳng ai dám đứng lên nói ông sai lầm cả”.
Trong khi đó, phía Mỹ hôm 5.10 tham gia đợt đàm phán cấp chuyên viên (tại Thụy Điển) với lập trường đòi hỏi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn không thể đảo ngược, và muốn bước đi đầu tiên là một lệnh cấm thử nghiệm vũ khí.
Mặc dù vài phương tiện truyền thông đưa tin giới chức Washington lên kế hoạch đề xuất tạm thời dỡ bỏ trừng phạt với xuất khẩu than cùng hàng dệt may, nhưng nguồn tin ngoại giao cho biết đợt đàm phán Thụy Điển chẳng hề đi vào chi tiết.
“Mỹ không thể mạo hiểm bỏ trừng phạt trước, vì họ đã “tặng nhiều món quà” cho nhà lãnh đạo Kim mà giải trừ hạt nhân chưa có tiến bộ đáng kể nào. Về cơ bản trừng phạt là những gì Mỹ có để gây sức ép”, nguồn tin ngoại giao phân tích.
Cũng theo nguồn tin, triển vọng đối thoại không sáng sủa lắm khi phía Triều Tiên không hợp tác.
Hỗ trợ kinh tế
Trừng phạt do Liên hợp quốc ban hành vẫn còn đó, tuy nhiên hoạt động thương mại Triều - Trung lại đang gia tăng tỷ lệ thuận với mối quan hệ cải thiện đáng kể. Nhà lãnh đạo Kim và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ nhau vài lần, nhiều cuộc trao đổi diễn ra giữa quan chức hai nước.
Nhóm nghiên cứu Korea Risk Group xác định du khách Trung Quốc là nguồn tài chính lớn của chính quyền Bình Nhưỡng: Chỉ riêng năm nay có 350.000 khách du lịch sang nước láng giềng – ước tính đem lại 175 triệu USD. Vì vậy rất dễ hiểu tại sao Triều Tiên tỏ ra ít hứng thú trước các đề xuất từ phía Mỹ lúc đàm phán.
Theo nguồn tin ngoại giao ở Seoul, du lịch là lĩnh vực duy nhất Mỹ - Hàn chấp nhận nhượng bộ thay vì đồng ý khôi phục hoạt động khu công nghiệp Kaesong.
Bên cạnh hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc, không ít báo cáo Liên hợp quốc đề cập việc Triều Tiên tránh trừng phạt rất thành công và kiếm đến 2 tỉ USD thông qua tấn công mạng.
Học giả Abrahamian cho biết: “Đợt đàm phán Thụy Điển cho thấy Triều Tiên vẫn ổn khi có thế lực hậu thuẫn Trung Quốc. Tôi lo thay vì cố đạt thỏa thuận, phía Bình Nhưỡng sẽ bỏ lỡ cơ hội vì nghĩ Tổng thống Trump mới là bên cần chiến thắng hơn họ”.
Tranh cãi nội bộ
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối tháng 2 kết thúc không đạt thỏa thuận do hai bên đều không nhượng bộ. Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt còn Mỹ khăng khăng đòi hỏi giải pháp phi hạt nhân hóa cụ thể.
Học giả Joel Wit thuộc Trung tâm Stimson nhận xét: “Thất bại của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ Triều Tiên, về chuyện đi con đường giải trừ hạt nhân có đúng đắn không”.
Hiện tại Triều Tiên có xu hướng tránh đối thoại với Mỹ - Hàn cho đến khi có nhượng bộ lớn hơn, theo học giả Wit.
Chuyên gia Duyeon Kim thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới (CNAS) lo ngại: “Chính quyền Bình Nhưỡng có thể đòi hỏi nhiều hơn, cứng rắn hơn”.