Được trao quy chế ứng viên, nhưng con đường gia nhập EU của Ukraine "không bằng phẳng"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Được EU trao quy chế ứng viên, Ukraine sẽ phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của khối. Có rất nhiều tiêu chí mà một quốc gia phải đáp ứng để được chấp nhận vào EU.

Trong hai ngày 23-24/6, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ). Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU lần đầu tiên sau nhiều năm đã thảo luận về triển vọng mở rộng Liên minh bao gồm các nước vùng Tây Balkan, Ukraine, Moldova và Georgia. Vấn đề Ukraine gia nhập liên minh là trung tâm của các cuộc thảo luận.

Tại cuộc họp thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định trao quy chế ứng viên EU cho Ukraine do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Được trao quy chế ứng viên, nhưng con đường gia nhập EU của Ukraine không bằng phẳng - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước một cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 23/6. Ảnh: CFP

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Bình luận về quyết định của EU trao quy chế ứng viên cho Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Đây là thời khắc lịch sử và có một không hai trong quan hệ giữa Ukraine và EU. Đây là một chiến thắng chúng tôi đã chờ đợi trong 30 năm và 120 ngày".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky và đảm bảo rằng Kiev có quyền tin tưởng vào sự hỗ trợ của Brussels "trong suốt quá trình tiến tới gia nhập EU".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chúc mừng Ukraine và nhấn mạnh rằng "chúng ta có một tương lai chung".

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, Moscow không phản đối việc Ukraine gia nhập EU vì EU không phải là một khối quân sự, không giống như NATO. Việc tham gia hay không tham gia các hiệp hội kinh tế là quyết định của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, việc EU trao quy chế ứng viên cho Ukraine có nghĩa là Brussels đặt lợi ích địa chính trị lên hàng đầu trong các vấn đề mở rộng EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã khuyến nghị cấp cho Ukraine quy chế ứng viên để trở thành thành viên EU. Bà von der Leyen lưu ý rằng, Kiev cần phải tiến hành cải cách nhằm củng cố hệ thống tư pháp, chống tham nhũng và nhiều công việc quan trọng khác để có thể gia nhập EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói, trao quy chế ứng viên EU cho Ukraine là một quyết định chính trị và là một "tín hiệu" đối với Nga.

Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Beaune nói: "Nếu nói rằng Ukraine sẽ gia nhập EU trong 6 tháng, hoặc 1 đến 2 năm tới, đó là nói dối. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, có thể kéo dài 15 đến 20 năm".

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Robert Metsol nói, quyết định trao quy chế ứng viên cho Kiev sẽ trở thành một "biểu tượng của hy vọng" để duy trì tinh thần của người Ukraine, trong khi để trở thành thành viên chính thức của EU thực sự vẫn còn "nhiều bước phải được thực hiện".

Được trao quy chế ứng viên, nhưng con đường gia nhập EU của Ukraine không bằng phẳng - Ảnh 2.

Ukraine khẳng định xứng đáng với tư cách ứng viên gia nhập EU. Ảnh: CNN

Mặc dù đồng ý trao quy chế ứng viên cho Ukraine, nhưng một số nước EU tỏ ra hoài nghi. Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển lo ngại rằng một quốc gia có "40 triệu dân nghèo" sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ra quyết định.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban có quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nga Putin cũng rất dè dặt trong việc ủng hộ Ukraine gia nhập EU.

Síp và Hy Lạp cũng không mặn mà trong việc này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự báo, chiến sự ở Ukraine sẽ còn kéo dài. Ông Stoltenberg cho rằng, trong tình hình như vậy, việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của EU sẽ là một viễn cảnh xa vời.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, quyết định trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine trong khi nước này đang trong tình trạng đối đầu quân sự với Nga là một động thái mang tính tượng trưng để thể hiện sự ủng hộ của EU đối với Kiev hơn là một bước khởi đầu thực sự cho quá trình Ukraine gia nhập liên minh này.

Các tiêu chí gia nhập Liên minh châu Âu

Được EU trao quy chế ứng viên, Ukraine sẽ phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của khối. Có rất nhiều tiêu chí mà một quốc gia phải đáp ứng để được chấp nhận vào EU, trong số đó có các yêu cầu cải cách hành chính công, tư pháp, kinh tế, chính trị để phù hợp với hệ thống của châu Âu.

Điều 49 trong Hiệp ước của EU quy định, bất kỳ quốc gia châu Âu nào muốn gia nhập khối phải cam kết tôn trọng và thúc đẩy các giá trị cơ bản của EU được quy định tại hiệp ước. Những giá trị này bao gồm tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, pháp quyền...

Cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Copenhagen năm 1993 đã đề ra các tiêu chí cụ thể hơn, được gọi là Bộ tiêu chí Copenhagen. Các tiêu chí này bao gồm các điều kiện thiết yếu mà tất cả các quốc gia ứng viên phải đáp ứng. Trong số đó là nền kinh tế thị trường đang vận hành, một nền dân chủ, pháp quyền ổn định và chấp nhận tất cả các luật lệ của EU, bao gồm cả luật của đồng Euro.

Nhiều nước đi theo con đường phát triển của châu Âu đã điều chỉnh luật pháp của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn châu Âu trước cả khi được trao quy chế ứng viên. Ukraine trong gần 8 năm trở lại đây đã thông qua khoảng 70% tổng số các bộ luật liên quan.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với Brussels không phải là việc chấp nhận điều chỉnh luật, mà là luật pháp được thực thi như thế nào.

Và toàn bộ quá trình gia nhập EU phải được tất cả 27 nước thành viên nhất trí thông qua.

Được trao quy chế ứng viên, nhưng con đường gia nhập EU của Ukraine không bằng phẳng - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu. Ảnh: Reuters

Ba bước để gia nhập EU:

1. Bất kỳ quốc gia châu Âu nào tôn trọng các giá trị của EU về tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền đều có thể đệ đơn xin gia nhập liên minh. Hội đồng châu Âu, đại diện của các quốc gia thành viên xem xét, chấp nhận đơn xin gia nhập và trao quy chế ứng viên chính thức.

2. Sau đó, các thành viên chính thức sẽ đàm phán với ứng viên về điều chỉnh các bộ luật quốc gia để phù hợp với luật của EU, tiến hành các cải cách tư pháp, hành chính, kinh tế và các cải cách khác. Ủy ban châu Âu đưa ra khuyến nghị kết nạp của mình. Ứng viên gia nhập phải đáp ứng tất cả các tiêu chí của EU.

3. Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất và ứng viên đáp ứng tất cả các tiêu chí của EU, quốc gia xin gia nhập và Hội đồng Châu Âu sẽ ký một hiệp ước gia nhập phù hợp với luật pháp quốc tế. Hiệp ước này phải được tất cả các nước thành viên phê chuẩn. Ngay khi hiệp ước có hiệu lực, quốc gia xin gia nhập sẽ trở thành thành viên chính thức của EU.

Quá trình gia nhập EU của Ukraine không dễ dàng

Ngay từ đầu những năm 1990, giới lãnh đạo Ukraine đã tuyên bố rằng, họ coi việc hội nhập với châu Âu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Ngày 2/7/1993, Verkhovna Rada (Quốc hội) của Ukraine đã thông qua "Định hướng chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraine", trong đó ưu tiên quan hệ với châu Âu và khẳng định mong muốn gia nhập EU.

Tháng 2/2019, Verkhovna Rada đã đưa chủ trương gia nhập EU vào Hiến pháp Ukraine.

Ngày 28/2/2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập EU.

Ngày 1/3/2022, Nghị viện châu Âu đã khuyến nghị cấp cho Ukraine quy chế quốc gia ứng viên của EU.

Ngày 23/6/2022, Hội nghị thượng đỉnh EU đã trao cho Ukraine quy chế ứng viên gia nhập EU.

Được trao quy chế ứng viên không có nghĩa là bắt đầu ngay các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Ukraine, mà giai đoạn tiếp theo cần được thỏa thuận. Ví dụ, Bắc Macedonia đã có quy chế ứng viên từ năm 2005, nhưng các cuộc đàm phán gia nhập chính thức với nước này mới chỉ được bắt đầu vào tháng 3/2020. Nguyên nhân là do sự bất đồng của nước này với Hy Lạp và Bulgaria - các thành viên EU.

Không có giới hạn nào về thời gian kéo dài quy chế ứng viên. Trong số các thành viên EU hiện nay, quy chế ứng viên của Phần Lan có thời gian ngắn nhất, chưa đầy ba năm; nhưng quy chế ứng viên của Sip và Malta kéo dài gần 14 năm. Croatia - thành viên gần đây nhất gia nhập EU vào năm 2013 - mất 10 năm để hoàn tất quá trình này.

Được trao quy chế ứng viên, nhưng con đường gia nhập EU của Ukraine không bằng phẳng - Ảnh 4.

Hiện nay, Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Montenegro và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước ứng viên. Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp duy nhất, được trao quy chế ứng viên từ năm 1999, nhưng đến nay sau 23 năm, các cuộc đàm phán của Ankara với EU vẫn không tiến triển do bất đồng quá lớn giữa Ankara và Brussels.

Sau khi được cấp quy chế ứng viên, bước tiếp theo là Ukraine và EU phải thống nhất với nhau về lộ trình, danh mục các cải cách cần phải được thực hiện. Việc cải cách kinh tế, luật pháp,dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, tính minh bạch, độc lập của các phương tiện truyền thông... để đạt được các tiêu chí của EU không dễ dàng. Và những việc này chỉ được tiến hành sau khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.

Riêng thời gian kể từ khi được công nhận quy chế ứng viên đến khi bắt đầu đàm phán chính thức bình thường cũng phải mất vài năm, còn với tình trạng hiện nay của Ukraine thì quá trình này lại càng không thể nhanh được.

Một số thông tin cơ bản về Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (tiếng Anh: European Union, viết tắt là EU), là một liên minh chính trị và kinh tế bao gồm 27 quốc gia thành viên châu Âu. Liên minh châu Âu được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht năm 1992, có hiệu lực từ ngày 1/1/1993, trên cơ sở Cộng đồng Kinh tế châu Âu nhằm nhất thể hóa khu vực.

EU có một hệ thống luật pháp tiêu chuẩn có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên, một thị trường chung, đảm bảo sự di chuyển tự do của người, hàng hóa, vốn và dịch vụ, bao gồm cả việc bãi bỏ kiểm soát hộ chiếu trong khối Schengen.

Với khoảng 460 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU năm 2018 đạt 21,6 nghìn tỷ USD tính theo sức mua tương đương (PPP), chiếm khoảng 23% GDP toàn thế giới hoặc 16,1 nghìn tỷ USD theo giá trị danh nghĩa (Nominal GDP), chiếm 19% GDP toàn cầu.

19 quốc gia thuộc EU đã thông qua sử dụng một đồng tiền duy nhất là đồng Euro, tạo thành Liên minh Kinh tế châu Âu, hay còn được gọi là Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ngày 23/6/2022, EU đã cấp cho Ukraine và Moldova quy chế ứng viên.

Với tư cách là chủ thể của công pháp quốc tế, EU hoàn toàn có thẩm quyền tham gia vào các quan hệ quốc tế và ký kết các điều ước quốc tế. EU có chính sách an ninh đối ngoại và quốc phòng chung. Các cơ quan đại diện ngoại giao thường trực của EU đã được thành lập trên khắp thế giới, tại Liên hợp quốc, WTO, nhóm G7, G20 và nhiều nước. Các phái đoàn của EU do các đại sứ của EU đứng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại