Đất 'kim cương" giao cho doanh nghiệp chỉ 730 đồng/m2/tháng
Quán cafe của Công ty Lan Anh xây dựng ra sát lòng sông và chưa được cấp phép
Khu vực ven sông Sài Gòn ở quận 2 luôn được ví như đất "kim cương", nhưng có một doanh nghiệp từng được thuê đất nhà nước với giá chỉ hơn 730 đồng/m2/tháng.
Công ty TNHH May Thêu Thương mại Lan Anh (Công ty Lan Anh) thành lập năm 1993. Từ một xưởng sản xuất hàng may mặc lúc khởi điểm, đến nay Công ty Lan Anh đã phát triển đa ngành như: Sân khấu ca nhạc Lan Anh, Câu lạc bộ, nhà hàng, sân tennis, hồ bơi, làng biệt thự cùng nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.
Doanh nghiệp này được giao nhiều khu đất vàng, một trong những khu đất đấy là Làng biệt thự Lan Anh, nằm ngay chân cầu Thủ Thiêm 2, thuộc phường An Khánh, quận 2. Làng biệt thự này được thành lập năm 2006, nằm ven bờ sông Sài Gòn cách trung tâm quận 1 chỉ 5 phút chạy xe.
Ngày 17.3.2000, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 1768/QĐUB về việc cho Công ty Lan Anh thuê đất tại phường An Khánh và phường Bình An, quận 2. Theo đó, công ty Lan Anh được thuê 5.292m2 đất để xây nhà hàng, câu lạc bộ, sân tennis, hồ bơi và bến du thuyền trong thời hạn 50 năm.
Ngoài số đất được thuê nêu trên, Công ty Lan Anh còn được giao 40.106m2 đất để xây dựng khu nhà ở mang tên Làng biệt thự Lan Anh với 45 căn biệt thự. Toàn bộ số đất này được Thành phố thu hồi từ phường An Khánh và Bình An vào năm 2000, rồi giao lại cho Công ty Lan Anh theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Khu đất 5.292m2 được Công ty Lan Anh thuê của nhà nước để xây nhà hàng, câu lạc bộ, sân tennis, hồ bơi và bến du thuyền với giá thuê 8.750 đồng/m2/năm (tương đương 46.305.000 đồng/năm). Tính ra, Công ty Lan Anh được thuê đất "kim cương" với giá chỉ 730 đồng/m2/tháng.
Chính vì giá thuê có thể xem là bất hợp lý này, nên UBND TPHCM đã điều chỉnh lại giá thuê tăng gấp 80 lần và số tiền được ấn định là 2.941.387.000 đồng/năm. Số tiền tăng lên gần 2.900.000.000 đồng/năm này được áp dụng từ năm 2018; và Công ty Lan Anh đã đóng đủ số tiền này vào ngày 5.3.2019.
Nếu so sánh với giá thuê cũ chỉ hơn 46.000.000 đồng/năm với giá thuê mới hơn 2.940.000.000 đồng/năm, xem ra số tiền ngân sách nhà nước đã bị thất thu trong nhiều năm qua lên đến hàng chục tỉ đồng.
Công trình ven sông của Lan Anh được xây dưng quy mô nhưng chưa được cấp phép xây dựng
Vi phạm quy định hành lang bảo vệ bờ
Tại hội thảo "Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và kênh nội thành vào năm 2025" do UBND TPHCM tổ chức ngày 10.9 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong quy hoạch phát triển ven sông:
"Tổng hợp kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong việc xây bờ kè, khai thác quỹ đất ven sông trên cơ sở hài hòa lợi ích. Làm rõ tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch của người dân và các dự án của doanh nghiệp."
UBND TPHCM cũng đã ban hành Quyết định số 150/2004/QĐ-UBND và 22/2017/QĐ-UBND quy định chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ sông Sài Gòn mỗi bên phải tối thiểu từ 20 đến 50 mét. Thế nhưng, theo điều tra của phóng viên Báo Lao Động, công trình xây dựng của Công ty Lan Anh trái với quy định của thành phố trong việc bảo vệ hành lang sông Sài Gòn.
Một công trình xẻ thịt bờ sông Sài Gòn trái phép thế này nhưng vẫn tồn tại bao năm qua
Khu đất kim cương này chỉ được thuê với giá hơn 730 đồng/m2/tháng
Theo đó, trên toàn bộ diện tích 5.292m2 đất chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn Công ty Lan Anh xây nhà hàng, quán cafe, sân tennis, hồ bơi và bến du thuyền. Tuy nhiên, công ty này không thực hiện lùi vào mép bờ sông theo quy định, mà tiến hành xây sát ra sông với những cọc bê tông và gỗ được đóng xuống lòng sông.
Ngày 10.6.2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM có công văn 5365 yêu cầu Công ty Lan Anh là chủ đầu tư công trình trên, phải chấp hành nghiêm Quyết định 150/2004/QĐ-UB của UBND TPHCM về hành lang bảo vệ bờ sông.
Sở Giao thông Vận tải xác định, sông Sài Gòn đoạn qua khu đất dự án của Công ty Lan Anh là tuyến đường thủy nội địa quốc gia, có cấp kỹ thuật là cấp II, tương ứng hành lang bảo vệ bờ được quy định tối thiểu là 50m tính từ mép bờ cao vào phía bờ. Nhưng, Công ty Lan Anh không thực hiện đúng yêu cầu này.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, mặc dù xây dựng quy mô như vậy nhưng công trình trên lại chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng.
Đã có nhiều đoàn kiểm tra đến và phát hiện công trình xây dựng trái với quy định bảo vệ hành lang sông Sài Gòn, nên không thể cấp phép và hợp pháp hóa được. Một công trình xây dựng trên sông Sài Gòn nhưng không có đánh giá về tác động môi trường, không có đánh giá về đảm bảo an toàn hoạt động trên sông, không được cấp phép xây dựng,..
Dù có nhiều cái không như vậy, nhưng công trình vẫn cứ tồn tại nhiều năm qua và đứng hiên ngang như là một thách thức với pháp luật.
Sông Sài Gòn có 80km chảy dọc theo địa phận TP.HCM, bề rộng sông khoảng 370 m, độ sâu khoảng 20 m và diện tích lưu vực trên sông 5.000 km²; chảy qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và các quận 1, 2, 4, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp và Bình Thạnh.
Khi chảy vào trung tâm thành phố, sông đã hình thành thêm phụ lưu là những con kênh có giá trị lớn về mặt kinh tế và đời sống của người dân, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,7 km, chạy dọc theo con kênh này có 2 con đường nổi tiếng là Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng Sông Sài Gòn chạy dọc trung tâm hiện nay, không có hai tuyến đường chạy song song như nhiều con kênh ở TP.HCM thay vào đó là các biệt thự, dự án ven sông mọc lên như nấm sau mưa.