Được thầy khích lệ, cậu bé đã thay đổi, hơn 20 năm sau trả ơn thầy theo cách không ngờ

Thanh Hương |

Cảm thấy cậu trò nhỏ có thành tích học tập yếu kém ấy cần nhất là sự động viên, khích lệ, người thầy đã nói 1 câu, không ngờ nó đã làm thay đổi số phận của ít nhất là 2 con người.

Dư luận Trung Quốc đang bàng hoàng trước việc một nữ sinh 12 tuổi vì bị cô giáo dạy toán sỉ nhục thậm tệ trước mặt các bạn cùng lớp nên đã uất ức, nhảy lầu tự tử từ tầng 4 trước sự chứng kiến của cả lớp và tử vong thương tâm.

Câu chuyện đau lòng nói trên lại làm cho người ta nhớ đến trường hợp trái ngược của một nhà văn Đài Loan, may mắn gặp được một người thầy nhân hậu mà có thể thay đổi cả tương lai của mình, thậm chí là tương lai của cả những kẻ giang hồ trong xã hội.

                                ---------------------------ooo------------------------------

Từ cậu học sinh yếu kém...

Có một cậu bé cấp 2 ở Đài Loan tên là Lâm Thanh Huyền có học lực và hạnh kiểm đều bị xếp loại yếu kém, cá biệt tới mức phải lưu ban, thậm chí bị đuổi ra khỏi ký túc xá của trường.

Được thầy khích lệ, cậu bé đã thay đổi, hơn 20 năm sau trả ơn thầy theo cách không ngờ - Ảnh 1.

Thầy Vương Vũ Thương không mất hy vọng, luôn khuyến khích động viên cậu học trò nhỏ Lâm Thanh Huyền. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều giáo viên đã không còn hy vọng gì ở cậu học trò này, thế nhưng, thầy giáo dạy văn của Lâm Thanh Huyền, tên là Vương Vũ Thương lại có suy nghĩ khác. Ông cho rằng, trẻ nhỏ vì nghịch ngợm, quậy phá, không chú ý học hành nên mới có kết quả tệ như vậy. Việc của giáo viên là kéo các em trở về đúng đường, chứ không phải ghét bỏ hay trừng phạt chúng.

Vì thế, thầy Vương thường xuyên đưa Lâm Thanh Huyền về nhà ăn cơm, động viên cậu cần phải cố gắng vươn lên. Thầy Vương từng nói với Lâm Thanh Huyền rằng: "Thầy đã dạy học 50 năm, chỉ nhìn là thấy con là một học sinh có tài năng".

Những lời khích lệ này như một mạch nước ngầm ngấm vào lòng đất, không biết tự lúc nào đã ăn sâu vào suy nghĩ của Lâm Thanh Huyền, khiến cậu cảm động, có thêm động lực cố gắng học hành, tu dưỡng bản thân, không để thầy giáo thất vọng.

Đến việc học hành nên người, còn giúp thay đổi cuộc đời người khác

Quả nhiên, sau đó Lâm Thanh Huyền không những học hành chăm chỉ, các kỳ thi đều đạt kết quả cao, còn trở thành một phóng viên, một nhà văn có tài với tiền đồ rộng mở. 

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất không nằm ở những thành quả trong công việc của cậu, mà ở cách cậu cứu giúp một con người lầm lạc, cũng là một cách báo đáp ân tình theo đúng những gì mà thầy giáo của cậu đã làm nhiều năm về trước. 

Trong một lần đi viết bài về một vụ trộm cắp, cuối bài viết, Lâm Thanh Huyền đã kết lại một câu thế này: "Một tên trộm có tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy, hẳn là người rất có khí chất. Nếu không làm kẻ trộm, làm nghề gì cũng nhất định sẽ có thành tựu". 

Được thầy khích lệ, cậu bé đã thay đổi, hơn 20 năm sau trả ơn thầy theo cách không ngờ - Ảnh 2.

Lâm Thanh Huyền không bao giờ có thể ngờ rằng, một câu do mình thuận miệng nói ra như vậy, lại có thể thay đổi cả cuộc đời của một người thanh niên.

Hai mươi năm sau đó, trong một buổi hội ngộ, một ông chủ của chuỗi cửa hàng dê nướng tại Đài Loan đã cảm kích nói với Lâm Thanh Huyền rằng: "Bài đặc san mà ngài viết năm xưa đã phá vỡ điểm mù trong cuộc sống của tôi, khiến tôi nghĩ rằng, vì sao ngoài làm một tên trộm ra, mình không nghĩ tới làm những việc chân chính khác?".

Hóa ra, ông chủ của chuỗi cửa hàng dê nướng này chính là tên trộm mà bài báo của Lâm Thanh Huyền đã nhắc tới năm nào. Sau khi đọc được bài viết với những lời kết khác biệt ấy, ông đã rất cảm động. Từ đó, người thanh niên lầm lạc đã quyết định rửa tay gác kiếm, bắt đầu làm lại cuộc đời, kiếm sống lương thiện và trở thành một ông chủ thành đạt.

Lời bàn: Chỉ một lời nói dù là vu vơ, nhưng đầy thiện ý của Lâm Thanh Huyền mà một người từng lầm đường lạc lối đã hoàn lương, trở thành một người giúp ích cho xã hội, có thể thấy được rằng với mỗi con người, sự trân quý và khích lệ là vô cùng quan trọng. 

Nó giúp cho một người ở trong hoàn cảnh tối tăm nhất vẫn thấy được tia sáng le lói của ánh bình minh để cố gắng hết mình, thay đổi bản thân và cuộc đời của chính mình.

Những lời nói thiện ý, tử tế giống như những đóa hoa xinh đẹp dưới ánh nắng ban mai, sưởi ấm lòng người. 

Ai chắc hẳn cũng đều khao khát được người khác trân trọng, vì thế, chúng ta cũng nên học cách trân quý người khác. Người trân quý người khác, ắt là người có tấm lòng lương thiện, bao dung, nhất định sẽ kết được nhiều duyên lành, cuộc sống sẽ có nhiều thành tựu.

Được thầy khích lệ, cậu bé đã thay đổi, hơn 20 năm sau trả ơn thầy theo cách không ngờ - Ảnh 3.

Con người luôn mang trong mình hai nửa thiện và ác, như Phật gia giảng, trong mỗi người đều có Phật tính và ma tính vậy. 

Sự trân trọng chính là biểu hiện của Phật tính, giúp việc thiện được hồng dương, việc ác bị ức chế, vậy nên con người ngày càng trở nên tốt hơn. Sự khinh miệt khiến ma tính trong lòng người trỗi dậy, khuấy đảo, nhiễu nhương, chúng bóp nghẹt lương tri và dung túng cho tội lỗi.

*Lâm Thanh Huyền (1953 – 2019) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Đài Loan, từng đạt được nhiều giải thưởng. Các tác phẩm của ông thường mang hơi hướng của Phật giáo, với những triết lý nhân sinh sâu sắc như Nơi đâu là tịnh độ, Tâm bình an, Triết học và Thần học Phương đông…

Được thầy khích lệ, cậu bé đã thay đổi, hơn 20 năm sau trả ơn thầy theo cách không ngờ - Ảnh 4.

Nhà văn Đài Loan Lâm Thanh Huyền. (Nguồn ảnh: Internet)

Ông được bình chọn là 1 trong 8 nhà văn lớn của tản văn Trung Quốc đương đại" và tác phẩm tiêu biểu của ông, Bồ đề thập thư (Mười cuốn sách bồ đề), được giới truyền thông bình chọn là "Bộ sách bán chạy nhất và có sức ảnh hưởng nhất trong vòng bốn mươi năm gần đây".

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại