1. Có ai còn nhớ rằng chính HLV Park Hang-seo đã từng quyết liệt đề xuất rằng mình sẽ chỉ cầm một trong hai, là ĐTQG hoặc U23 Việt Nam. Nhưng rồi rất nhiều sức ép khiến ông phải "vừa xay lúa, vừa trông em". Ông thầy người Hàn Quốc cũng đã từng nói: "Cổ động viên Việt Nam rất yêu bóng đá, nhưng phải là thứ bóng đá chiến thắng cơ".
Sau chức vô địch SEA Games 30, không ít người tấm tắc khen ông thầy người Hàn Quốc đã lựa chọn đúng khi "dài tay" ôm cả hai đội tuyển, để thêm lần nữa là ân nhân của bóng đá Việt Nam với chức vô địch được chờ đợi từ rất lâu rồi, đem lại sự vỡ òa cho cả người hâm mộ. Nhưng hơn ai hết, chắc hẳn thầy Park đã nhìn thấy được cái giá phải trả cho chiếc huy chương vàng lấp lánh ấy.
Bóng đá Đông Nam Á có hai đội lọt vào VCK U23 châu Á lần này, và hai đội tuyển ấy chọn hai con đường khác nhau. Trong khi người Thái chọn cách dùng SEA Games làm đấu trường để tập dượt, rèn giũa để hoàn thiện U23 cho đấu trường châu Á, thì rõ ràng Việt Nam đã làm mọi cách để chức vô địch SEA Games trở thành hiện thực.
Chính điều ấy đã lấy đi cơ hội của những cầu thủ trẻ đáng ra phải có được sự chuẩn bị tốt nhất để tái lập thành tích của các đàn anh ở giải đấu dành riêng cho bóng đá trẻ, cũng như hướng tới cái đích cao hơn - là Olympic 2020.
Cái đích ấy, dĩ nhiên vẫn còn quá cao so với bóng đá Việt Nam, khi chỉ có 4 đội bóng mạnh nhất châu Á được quyền tham dự, nhưng nó là đích đến danh giá, đủ để mọi nền bóng đá trẻ của châu Á hướng đến. Đáng tiếc, HLV Park Hang-seo phải lựa chọn giữa nó với chức vô địch SEA Games, và ông thầy người Hàn Quốc đã phải chọn phương án "lên đỉnh" ở đấu trường khu vực, thay vì điều còn lại.
2. U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2020 kém hơn rất nhiều so với chính mình hai năm về trước, không chỉ ở tài năng của các cầu thủ trong đội hình, mà còn là kinh nghiệm, sự va chạm ở bóng đá đỉnh cao.
Hơn hai năm về trước, nhưng Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu... từng thất bại ê chề ở SEA Games 29, nhưng họ có được nền tảng vững chắc, với những giải đấu U19 thành công, mà đỉnh điểm là lứa cầu thủ xuất sắc vượt qua vòng loại châu Á để "chạm chân" đến World Cup U20 trên đất Hàn Quốc.
Chính thành tựu mà bầu Đức từng đánh giá "không phải là thành tích" này đã giúp những Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Hà Đức Chinh... trưởng thành vượt bậc, không chỉ ở chuyên môn, mà còn vượt qua được ngưỡng tâm lý để có thể tự tin với những giải đấu mang tầm châu lục.
U23 Việt Nam vô địch SEA Games, nhưng chức vô địch ấy phụ thuộc quá nhiều vào những cầu thủ không thể tham dự VCK U23 châu Á 2020, là Văn Hậu, là Hùng Dũng, Trọng Hoàng, và nó cũng là giải đấu "lấy đi" Quang Hải vì chấn thương, để rồi "phần còn lại" bước vào giải đấu châu Á với sự ngỡ ngàng, cùng sự chuẩn bị không hề chu đáo, dù đã được tập trung từ cả năm trời.
Sẽ còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho Bùi Tiến Dũng, với những sai lầm đáng quên ở cả SEA Games 30 lẫn VCK U23 châu Á lần này, nhưng đau đớn nhất có lẽ phải kể đến Đình Trọng, với việc phải căng mình đã cả trận với U23 Triều Tiên trong trình trạng chấn thương vẫn chưa bình phục hoàn toàn, để rồi phải chứng kiến đội nhà thua thảm, còn bản thân phải rời sân với chiếc thẻ đỏ là điểm nhấn đáng quên chốt lại một trận cầu không ai muốn nhớ.
Đây chắc chắn là giải đấu đáng quên với người hâm mộ nước nhà, cũng như các cầu thủ U23 Việt Nam. Nhưng với HLV Park Hang-seo, nó còn hơn thế, là vết thương sâu sắc với một nhà cầm quân giàu lòng tự trọng khi đã nhìn ra được nguy cơ từ sớm, nhưng vẫn buộc phải để những Quang Hải, Đình Trọng "gánh" lấy gánh nặng thành tích, cho thứ "bóng đá chiến thắng" mà người hâm mộ Việt Nam yêu đến dại cuồng.
Với riêng Quang Hải, Đình Trọng, đây là kỷ niệm đau đớn để đánh dấu sự trưởng thành, khi từ này họ chính thức bỏ lại cái mác U23 sau lưng để bước vào những đấu trường thực sự dành cho "người lớn". Nhưng còn Văn Hậu, liệu rồi có phải căng mình ra thêm lần nữa để bảo vệ chiếc huy chương vàng SEA Games, dẫu cho xứng đáng tập trung vào những sự đầu tư quan trọng hơn cho sự nghiệp?
Câu hỏi ấy, đừng hỏi HLV Park Hang-seo. Hãy dành nó cho VFF, cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam.