Tuyệt kỹ "Lão hổ thượng sơn" còn… gượng gạo của Malaysia
Ở Đông Nam Á, tuyển Malaysia được mệnh danh là "Những chú hổ". Song, họ vẫn chưa thực sự xứng danh là "chúa sơn lâm" ở một nền bóng đá vốn bị coi là vùng trũng của thế giới. Họ chưa đủ sức mạnh để khiến bất kỳ đối thủ nào phải sợ hãi.
Trong khi Malaysia mới chỉ 1 lần duy nhất đăng quang AFF Cup thì Thái Lan đã 5 lần lên ngôi còn Singapore cũng xưng vương tới 4 lần.
Trong võ thuật cổ truyền vốn có một bài võ rất nổi tiếng đó là "Lão hổ thượng sơn". Đây là bài quyền pháp mang thần thái uy nghi.
Với nguyên lý dĩ nhu chế cương, đòn thế của Lão hổ thượng sơn dứt khoát mà không thô kệch, cứng rắn nhưng biến ảo. Bộ pháp và thân pháp nhịp nhàng biến hóa. Thủ pháp luôn che chắn kín kẽ lúc phòng thủ và dũng mãnh khi tấn công. Khi chậm thì ung dung, thư thái, khi nhanh thì dữ dội, ào ạt.
Ở những trận đấu tại vòng bảng AFF Cup 2018, có vẻ tuyển Malaysia dưới sự dẫn dắt của HLV Tan Cheng Hoe cũng bắt đầu thi triển bài Lão hổ thượng sơn này. Tuy nhiên, đòn thế của "Những chú hổ" xem chừng vẫn còn rất gượng gạo và có phần… lệch chuẩn.
Malaysia còn bộc lộ không ít điểm yếu, đặc biệt là khả năng phòng ngự.
Cứ nhìn màn "tỉ thí" với tuyển Việt Nam ở Mỹ Đình thì biết! Malaysia chủ động phòng ngự phản công đúng theo nguyên lý của Lão hổ thượng sơn. Thế nhưng, thay vì phòng thủ một kín kẽ theo kiểu "tả hữu yểm tâm" (trái phải che tim) như trong Lão hổ thượng sơn, các hậu vệ của Malaysia lại tỏ ra rất hớ hênh, liên tục bị các cầu thủ tấn công bên phía Việt Nam làm khổ.
Khi hàng phòng ngự thi triển đòn thế "bị lỗi", hàng công của Malaysia cũng chẳng khá hơn là bao. Ngay tới chân sút đáng sợ như Talaha cũng hoàn toàn "tắt điện" trước những Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, Đình Trọng… của Việt Nam. Hệ quả tất yếu, "Những chú hổ" bị đội quân của thầy Park vật ngã lấm lưng trắng bụng với tỷ số 0-2.
Ở trận đấu sau đó, các cầu thủ Malaysia có vẻ "thuộc bài" hơn khi dùng "Lão hổ thượng sơn" đả bại Myanmar 3-0. Trên sân nhà, Malaysia tấn công ào ạt, uy mãnh bằng cả hai cánh lẫn trung lộ, đúng theo kiểu "long quyền một quả đấm đi, hai bên trái phải cũng thì tiếp theo, đánh cho gió cuốn cây reo, lui về bên phải ngồi theo trận đồ".
Malaysia chỉ có một ưu thế duy nhất so với Thái Lan, đó là được chơi trên sân nhà.
Nhìn chung, hai trận gặp Việt Nam và Myanmar đã phơi bày cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của Malaysia. Điểm mạnh của họ là khả năng tấn công tương đối đa dạng với 2 nhân tố chủ chốt là Talaha và Zaquan Adha Radzak (sở hữu 4 và 3 bàn thắng ở AFF Cup), đặc biệt là khi được chơi với tâm thế áp đặt cùng trạng thái hưng phấn về tâm lý.
Song, điểm yếu mà HLV Tan Cheng Hoe vẫn chưa khắc phục được chính là khả năng phòng ngự tương đối lỏng lẻo. Ngoài trận gặp Việt Nam thì ở trận mở màn gặp Campuchia, Malaysia cũng không ít lần mắc lỗi phòng ngự nhưng may mắn là đối thủ lại không dứt điểm sắc bén nên mới bảo toàn chiến thắng sát nút 1-0.
Thái Lan có "miếng võ chân truyền" đủ để khiến Malaysia ôm hận?
Ở Đông Nam Á, tuyển Thái Lan vốn có biệt hiệu là "Voi chiến". Cũng khá bất ngờ bởi theo võ sư Trịnh Hồng Minh – giám đốc Trung tâm di sản võ cổ truyền Việt Nam từng khẳng định rằng ở cách đây hàng ngàn năm, ở Thái Lan có một môn võ cổ truyền rất lợi hại. Đó là môn "Tượng quyền" (mô phỏng các đòn đánh giống của loài voi).
Tượng quyền giống như đặc trưng của loài voi. Ngoài sức mạnh có thừa thì môn võ này còn ẩn chứa sự thông minh, khéo léo. Điểm mạnh nhất của Tượng quyền là khả năng tấn công với phong thái cương mãnh, uyển chuyển và đầy hiệu quả.
Có vẻ như lối đá của tuyển Thái Lan dưới tài thao lược của HLV Milovan Rajevac cũng có những điểm tương đồng với môn Tượng quyền của người Thái.
Thái Lan vẫn là thế lực đáng sợ bậc nhất ở AFF Cup 2018.
Sự khéo léo, linh hoạt và sắc bén trên hàng công của tuyển Thái Lan là điều không có gì phải bàn cãi. Việc họ ghi tới 15 bàn sau 4 trận (nhiều nhất AFF Cup sau vòng bảng và gần gấp đôi Việt Nam) là một minh chứng rõ ràng nhất.
Thái Lan tấn công đa dạng. Họ có thể đá cánh, tấn công trung lộ, đá phạt… rồi ghi bàn theo cách rất dễ dàng. Với dấu ấn của HLV Milovan Rajevac thì lối đá của "Voi chiến" có phần đơn giản hơn nhưng đầy thực dụng và hiệu quả.
Ở màn đại chiến tối nay, chắc chắn, cuộc tỉ thí giữa màn "Lão hổ thượng sơn" của người Mã và "Tượng quyền" của người Thái sẽ ẩn chứa rất nhiều điều thú vị ở Bukit Jalil. Malaysia với lợi thế sân nhà sẽ rất muốn "tiên hạ thủ vi cường", nghĩa là "ra tay trước để giành lợi thế. Song, mục tiêu này chắc chắn không hề dễ dàng.
Trong quá khứ, tuyển Thái Lan từng 3 lần hành quân tới Bukit Jalil nhưng chưa một lần được ca khúc khải hoàn (thua 2, hòa 1). Tuy nhiên, giống như HLV Rajevac nói ở buổi họp báo trước trận, đây chính là lúc để "Voi chiến" dùng bí kíp "Tượng quyền" của mình để phá dớp.
So với Malaysia thì đội hình của Thái Lan được đánh giá là cân bằng hơn và cũng mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Alfred Riedl hay HLV tuyển Singapore Fandi Ahmad lại đồng loạt dự đoán Thái Lan sẽ bảo vệ ngôi vương ở giải đấu năm nay.
Tuyển Thái Lan đang có nhiều cơ sở để lần đầu tiên giành thắng lợi trên sân Bukit Jalil.
Bukit Jalil tối nay dưới sức nóng của hơn 8 vạn khán giả nhà, chắc chắn "Những chú hổ" sẽ quyết làm tất cả để kết liễu Thái Lan hòng tạo lợi thế trước trận lượt về.
Song, chỉ e rằng khi tuyệt kỹ "Lão hổ thượng sơn" còn chưa đạt tới mức tinh thông lão luyện, đội bóng đất Mã sẽ phải ôm hận bởi thứ "Tượng quyền" đầy sức mạnh và tinh quái của bầy Voi chiến.
Vòng bảng AFF Cup 2018: Malaysia 3-0 Myanmar (nguồn: Next Media)
Vòng bảng AFF Cup 2018: Thái Lan 3-0 Singapore