Có nhiều người hiểu thấu đáo về những nguy hiểm, khó khăn, sự hy sinh và cống hiến thầm lặng, không khoe khoang, không được công khai, và nhiều cái “không” nữa... của người lính trinh sát nói chung và trinh sát bộ binh nói riêng thời chiến tranh khói lửa không?”
Tôi chắc là không nhiều người biết và hiểu rõ, nếu không ở trong cuộc. Xin lỗi các đồng chí đi cùng trinh sát, nhiều lúc trinh sát dấn thân vào nguy hiểm thì các đồng chí còn phải cảnh giới ở xa hoặc ở gần thôi, đi sau chặn hậu thôi...
Vậy có gì để nói và bàn luận?
Cũng xin thay những người đã hy sinh trong chiến đấu để nói lên một phần nào đó lòng dũng cảm của các chiến sĩ trinh sát bộ binh và sự nguy hiểm của công tác này. Bởi vì đã là trinh sát thì ít khi bị thương, mà nếu còn thì còn nguyên vẹn.
Tại sao vậy?
Ai cũng rõ, nhiệm vụ trinh sát là phải đi trước, thường là trong đêm tối, tiếp cận địch (đồn địch, hoặc nơi đóng quân dã ngoại), quan sát, theo dõi, ghi nhớ tình hình. Sợ nhất là gặp thời tiết mưa gió vì dễ dễ bị lộ do khó xóa dấu vết.
Huấn luyện kỹ thuật vận động khắc phục vật cản trong thành phố của Đại đội trinh sát đặc nhiệm Tiểu đoàn 32, QK5.
Về đơn vị, bí mật báo cáo tình hình cho chỉ huy, tham gia tư vấn, tham mưu (dù không phải cán bộ tham mưu có cấp bậc cao) lên phương án, đắp sa bàn, dựng thao trường tương tự để tập đánh, trước khi vào trận thật.
Tất nhiên khi đi đánh, trinh sát phải đi trước dẫn quân vào tận vị trí rồi. Nói sơ sơ vậy thôi, sợ lại làm lộ bí mật quân sự.
Đi trước là phải đối phó với địch mai phục, chông, mìn, cạm bẫy trên đường. Mà đã gặp những thứ ấy thì ít khi bị thương như đã nói ở trên. Vì vậy, khi gặp, có mấy người trở về để kể chuyện về những vụ đó đâu...
Tuy nhiên, nói vậy thì không ai dám gia nhập Đội hoặc Toán trinh sát à? Tất nhiên, không muốn lên cũng phải lên. Quân lệnh như Sơn. Không đùa được!
Nhưng sự thực, vinh dự lắm, “oai” lắm khi được chọn vào đội ngũ trinh sát. Có người xung phong cũng chẳng được.
Vì sao?
Lính trinh sát là những người được tuyển chọn. Tất nhiên trong chiến tranh không phải thi cử gì, chỉ nhìn thấy nhanh nhẹn, thủ trưởng ưng là được.
Dáng người phải nhỏ nhắn, gọn gàng, chứ to béo ục uỵch như hộ pháp thì vụng về, đi đâu dễ lộ lắm, khi có vấn đề gì phải khiêng, có mà gãy lưng.
Trinh sát học qua trường (thời bình chẳng hạn) thì không tính đến, vì họ được học bài bản, kỹ năng, chiến thuật, phương pháp tiếp cận địch, cách dò, gỡ mìn, sử dụng những trang bị nghe nhìn, đo đạc, nắm vững vũ khí hiện đại tiên tiến của địch.
Họ lại còn được học võ nữa. Quật đồng đội xuống trong lúc tập, cứ như quật địch thật. Kể ra cũng buồn cười! Chưa đánh miếng nào, mới động vào người nó, nó đã chủ động tung người lên, ngã đẹp, để cho đỡ đau, không phải ăn đòn, lại được chấm điểm cao.
Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 20 trinh sát - Bộ Tư lệnh Thủ Đô.
Ra ngoài xã hội, ti toe một tí, có khi bị tẩn sưng mặt lên, đồng đội hỏi :”Sao thế?” – “Nó đánh đếch đúng bài. Đúng bài thì nó chết với tao rồi!”
Lính trinh sát mới, thời chiến, được các bậc đàn anh (kể cả đàn em) có trước ở đội, nhìn với con mắt đại lượng, nhưng xen lẫn cười cợt coi thường vì sự lớ ngớ của lính “phó thường quân”.
Họ cũng truyền cho kinh nghiệm bản thân, kỹ thuật cơ bản mà họ học mót được của lớp đi trước. Sau đó cứ đi theo lính cũ, rồi cũng quen dần, nếu thiếu người thì đảm nhận một mình đi một “mũi”.
Ở nhà, đêm tối ra ngoài, đi tiểu, thấy con chuột chạy còn giật bắn người lên, tóc gáy dựng đứng. Nhưng khi phải đi một mình, một mũi trinh sát, bò vào đồn địch, chẳng còn thời gian để mà sợ hãi.
Không được ho, không được gây tiếng động, không được để lại dấu vết vì nếu lỡ để lại dấu, bị lộ, lần sau bò vào chắc chắn bị một hai quả mìn điện, mìn cóc chờ sẵn hoặc mai phục.
Sợ nhất là muốn ho, gặp phải cơn ho không nhịn được thì gay go. Lấy cục đất vo viên nuốt tạm cũng có thể đỡ hơn. Nói chung, bị ho thì nên xin ở nhà. Đừng cố xung phong, vì cơn ho không nể người dũng cảm.
Nếu trận đánh nào suôn sẻ, không bị lộ, chuẩn bị các tình huống kỹ càng, thì sau khi dẫn đơn vị chiến đấu vào vị trí tập kết thường là sát hàng rào thép gai ngoài cùng, trinh sát lui ra, ở cùng chỉ huy và đội thông tin để theo dõi trận đánh.
Nếu cần thì dẫn bộ phận tiếp ứng vào, nếu không cần thì bảo vệ Thủ trưởng. Đánh xong, vào thu chiến lợi phẩm và dẫn đường bộ đội rút về căn cứ, thậm chí rút lui sau cùng với những chiến sĩ bị thương không theo kịp đơn vị.
Về họp báo công, bình khen thưởng... và lại tiếp tục chuẩn bị trinh sát đợt khác...
Nói vậy, vẫn chưa có gì nguy hiểm. Thực ra, kể chuyện thì cảm thấy đơn giản, nhất là cách kể như tôi.
Nhưng còn bao khó khăn, gian nan nguy hiểm không nói được thành lời khi phải nằm vùng bám địch nhiều ngày đêm, đói, khát, nóng nắng, lạnh thấu xương với cái lưng trần và duy nhất chiếc quần cộc.
Thậm chí chỉ có quả lựu đạn phòng thân, không dám mang súng vì cồng kềnh khi tiếp cận địch, hoặc di chuyển vị trí dễ bị phát hiện...
Có vài dòng giản dị vậy thôi! Mong mọi người hiểu cho lính trinh sát. Đi trinh sát về, lại kể toáng lên, khoe khoang bốc đồng, rồi kể về những mánh khoé qua mắt địch... thì chắc chắn sẽ đến tai kẻ thù và trận đánh có thể tổn thất nặng nề.
Mong những người đang trong đội ngũ trinh sát thầm lặng nhưng đầy lòng quả cảm, có ý chí kiên cường hơn nữa!
Hãy cố gắng rèn luyện, tập luyện thật tốt, để khi nhận nhiệm vụ, trinh sát trận nào, đánh thắng trận ấy, xứng đáng đứng trong đội ngũ những người đi trước, về sau. Khó khăn đâu, nguy hiểm đâu - Có chiến binh đi đầu - Trinh sát.