Đừng để “ẩm thực chửi” trở thành đặc sản

LÊ THANH PHONG |

Miếng ăn đi liền tiếng chửi của Việt Nam được lên kênh truyền hình CNN thì quả thực không ai tưởng tượng được. Tiếng chửi đó là sản phẩm của một quán bún, nhưng khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Một món ăn của Hà Nội được đưa lên kênh CNN đương nhiên đáng tự hào, nhưng câu chuyện ở đây không phải là món ăn ngon, mà được giới thiệu thêm "đặc sản chửi".

Không ai có thể tự hào khi được một kênh truyền hình nổi tiếng giới thiệu Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam, lại có "đặc sản" là tiếng chửi.

Lạ lùng ở đây là chửi không phải vì xảy ra xung đột, mà chửi thực khách của mình, chửi khi người ta đến quán ăn của mình, chửi khi người ta đang ăn.

Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain quan sát rất kỹ và lựa chọn đặc sản bún chửi để đưa lên kênh CNN. Ông Anthony Bourdain biết rất rõ không chỉ có một quán ở Hà Nội chửi khách.

Nhiều quán ăn ở Hà Nội có lối tiếp khác "độc đáo" như vậy và quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên chỉ là đại diện.

Đáng buồn là không ít người cho rằng "chửi" cũng là thứ trong thực đơn, khiến cho ẩm thực Hà Nội có sự khác biệt thú vị.

Nếu có ai đó cổ vũ cho các quán "bún mắng", "cháo chửi", "miếng quát" thì rồi đây trong nhiều hàng quán Việt Nam sẽ ngập tràn tiếng chửi át luôn tiếng nhạc, liệu có còn là văn hóa nữa không hay lúc đó lại biện minh bằng một khái niệm "văn hóa chửi" hay "ẩm thực chửi".

Về hiện tượng bún chửi, PGS.TS Hà Đình Đức, một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: "Nếu coi đó là ẩm thực đường phố, chẳng lẽ sau này chúng ta có phố "ẩm thực chửi" hay "chửi ẩm thực" hay sao? Rồi thực khách vừa thưởng thức món ăn vừa nghe chửi như nghe ca nhạc sao?".

Nhìn rộng ra khỏi không gian của một quán ăn, sẽ thấy không ít nơi có tiếng chửi, lời nói khó nghe.

Những câu nói lịch sự "xin lỗi", "cảm ơn", "xin vui lòng" dần thiếu vắng đó là điều đáng buồn và đáng xấu hổ. Đúng là tiếng chửi quá nhiều. Chửi trong quán ăn, chửi trên đường phố, chửi trên mạng, chửi ào ào bất kể đúng sai.

Ai đó lỡ lời hoặc nói một câu bị cắt nửa câu, sau đó phải nhận chịu những trận "mưa chửi" khủng khiếp. Người sau nghe người trước chửi thì trích dẫn câu nói của nạn nhân để chửi theo, không cần tìm hiểu nguồn cơn sự việc.

Một tiếng nói lời thưa để giao tiếp, để trao cho nhau mà cũng không đàng hoàng thì khó lòng nói đến chuyện thực hiện những hành động tử tế.

Đừng để tiếng chửi nhau của người Việt trở thành "đặc sản" được giới thiệu trên kênh CNN?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại