Đừng để 1 bình luận trên mạng xã hội khiến bạn ân hận cả đời

Giang Lê |

Những chia sẻ, những bình luận của bạn trên mạng xã hội trong quá khứ chính là bảng lý lịch đi theo bạn suốt cả cuộc đời.

Tân Hoa hậu Tuổi teen Mỹ Karlie Hay phải khóa Twitter và bày tỏ sự hối tiếc vì những dòng tweet phân biệt chủng tộc từ năm 2013 và 2014. Nhưng không chỉ riêng Hay, lời nguyền "mạng xã hội là bảng lý lịch vĩnh cửu" ứng nghiệm với tất cả chúng ta.

Karlie Hay được trao vương miện Hoa hậu Tuổi teen Mỹ trong đêm chung kết ở Las Vegas hôm 30/6. Những tưởng đó là ngày hạnh phúc nhất đời cô (tính đến khi đó), nhưng chỉ vài giờ sau, trên mạng đã tràn ngập hình ảnh "đào mộ" các dòng tweet của Hay từ năm 2013. 

Trong đó, cô hoa hậu 18 tuổi dùng từ "mọi đen" như một từ cửa miệng vì nó đầy ắp trong các dòng tweet của cô.

Hay, xinh đẹp và là người da trắng, đã thừa nhận sự việc qua cả Twitter lẫn Instagram. Cô viết: "Vài năm trước, tôi có rất nhiều rắc rối riêng tư và không phải là một con người giống như bây giờ. 

Tôi thừa nhận mình đã công khai sử dụng những từ ngữ không đáng tự hào và không thể bào chữa được".

Hay may mắn không bị tiếc vương miện, nhưng vụ việc khiến cô không tránh khỏi bẽ mặt. Tiến sĩ Wendy Sue Swanson, một bác sĩ nhi khoa, nhận định lời ăn tiếng nói của Hoa hậu thể hiện một "phông văn hóa và cách cư xử nghèo nàn".

Đừng để 1 bình luận trên mạng xã hội khiến bạn ân hận cả đời - Ảnh 1.

Những bình luận không đẹp chút nào của Hoa hậu tuổi Teen Mỹ.

Ở đây, Hay không chỉ thể hiện "khuôn mặt xấu xí" đó của mình, vấn đề là cô thể hiện nó trên mạng xã hội - thứ sẽ lưu giữ vĩnh viễn những điều ta nói, những hình ảnh ta tung lên (hoặc bị tung lên) bất kể đã bị xóa hay chưa. 

Trường hợp của Hay, theo Swanson, là ví dụ điển hình để giới trẻ xem xét điều chỉnh các hành vi trực tuyến.

Ngay cả khi bạn nghĩ mình không bao giờ trở thành một nhân vật của công chúng, hay lưu ý những lời khuyên sau đây để không phải hối hận về sau:

Hiểu rằng mạng xã hội chính là "hồ sơ vĩnh viễn" về các hành vi trực tuyến của chúng ta

Khi đăng tải bất cứ thứ gì không đáng tin cậy hoặc gây xúc phạm, hãy nhớ rằng đến cả nút "Xóa" cũng không giúp gì được bạn một khi dòng tin đó đã bị chụp màn hình. Kể cả đóng tài khoản, khóa dòng thời gian hạn chế truy cập cũng không ngăn nổi thông tin đó phát tán.

Mỗi người đều có một lịch sử cá nhân trên Internet và có thể được tìm ra bằng cách này hay cách khác. Hãy nghĩ đến khi những câu đùa tục tĩu hay phân biệt chủng tộc của bạn chình ình trước mắt các nhà tuyển dụng hay tuyển sinh của bạn sau này, và cả người mà bạn có ý định tán tỉnh nữa.

Còn nếu bạn chưa phân định được liệu đó có là một nội dung xấu hay không, hãy thử tưởng tượng ra cảnh bạn nói trực tiếp điều đó thẳng vào mặt ai đó, hay cảnh một người bạn vốn tôn trọng lại nói điều đó. Nếu bạn cảm thấy cảnh đó gây khó chịu và thiếu tôn trọng, thì nó đúng là như vậy.

Đừng để 1 bình luận trên mạng xã hội khiến bạn ân hận cả đời - Ảnh 2.

Karlie Hay - Hoa hậu tuổi Teen Mỹ.

Tuổi trẻ không tránh khỏi sai lầm, nhưng ở thời mạng xã hội thì sai lầm rất khó quên

Trí não thanh thiếu niên chưa phát triển hoàn thiện cho đến khi họ bước vào tuổi trưởng thành, Swanson nói. Trưởng thành là quá trình hình thành bản sắc cá nhân từ những thử nghiệm và sai lầm. Sai lầm thường dẫn đến xấu hổ và đáng tiếc, nhưng không đáng ngạc nhiên.

Cho đến khi thời đại của truyền thông đến và thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta, thay đổi cả cách mà sai lầm vận hành. 

Nếu trước đây, chúng ta còn có những góc riêng tư để chôn giấu những chuyện bẽ mặt, thì nay, rất thường xuyên có những người trẻ rơi vào tình trạng "ô nhục nơi công cộng". Một câu nói vô phép của bạn có thể thổi bùng lên cơn phẫn nộ quốc gia hoặc quốc tế.

Vì vậy, là người dùng mạng xã hội, bạn sẽ thấy sao mà mệt mỏi đến thế? Nhưng hãy chấp nhận điều đó như một phần của trưởng thành. Dừng lại vài giây để nghĩ trước khi đăng một dòng khiêu khích lên mạng, đó là quá trình bạn rèn luyện suy nghĩ chín chắn.

Đừng để 1 bình luận trên mạng xã hội khiến bạn ân hận cả đời - Ảnh 3.

Đừng đánh giá thấp con người tương lai của bạn

Khi Karlie Hay phủ đầy các dòng tweet của mình với từ "mọi đen", chắc hẳn cô không nghĩ rằng một ngày nào đó cô sẽ trở thành Hoa hậu.

Không nghi ngờ gì, nhiều thanh thiếu niên khác cũng mơ hồ về tương lai như vậy. Thật khó để một người hình dung rằng tương lai mình sẽ trở thành một nhân vật được xã hội quan tâm kiêm soi mói (dù trong sâu xa mỗi người đều muốn nổi tiếng). 

Nhưng sự nổi tiếng bao giờ cũng đi kèm với việc bị soi từng dòng tweet cách đấy 8 năm, hay một bức ảnh từ thời còn ở truồng, hay một vài câu đùa tục tĩu với bạn bè lúc bốc đồng vào bữa tiệc năm cấp 2.

Hãy đánh giá cao tiềm năng của chính mình, đồng nghĩa với việc cư xử cẩn trọng hơn. Bạn có thể quên, nhưng Internet không bao giờ quên. Nó có một bộ nhớ vô tận.

 (theo Mashable)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại